2015 - năm khốc liệt chờ đón Syria

Thứ bảy, 27/12/2014 09:14

(Cadn.com.vn) - Với những diễn biến ngày càng nóng bỏng ở Syria trong năm 2014, nhiều người cho rằng, chiến trường quốc gia Trung Đông này có nguy cơ trầm trọng hơn bao giờ hết vào năm 2015.

Khi chìm sâu vào cuộc xung đột ở năm thứ 4 liên tiếp, Syria ngày càng trở nên “mỏng manh và dễ vỡ” khiến các cường quốc bên ngoài bất đắc dĩ phải can thiệp nhiều hơn nếu không muốn đây là điểm đốt cháy toàn khu vực Trung Đông vốn luôn chìm trong bất ổn.

Mỹ cuối cùng cũng có mặt ở Syria trong năm 2014, 3 năm sau khi Tổng thống Barack Obama kêu gọi người đồng cấp Bashar al-Assad từ chức và khẳng định không tham chiến. Nhưng Washington can thiệp một cách miễn cưỡng, chỉ để cản đường tiến quân mạnh mẽ của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS chứ không phải thách thức quyền lực của Tổng thống Assad.

Cuộc nội chiến ở Syria đã khiến hơn 200.000 người chết và hàng triệu người phải di dời. Ảnh: CNN

Với hơn 200.000 người chết và hàng triệu người phải di dời, tình hình của Damascus có thể xấu hơn nữa do áp lực giá dầu sụt giảm trong thời gian qua. Thêm áp lực kinh tế có thể khiến cho các bên khó có thể đi đến một quyết định lợi thế. Nỗ lực tìm “giải pháp chính trị” là con đường duy nhất ở phía trước - có thể nằm dưới hình thức thỏa thuận giữa ông Assad và các đối thủ. Tuy nhiên, tất cả chưa đi đến đâu. Hiện cũng không rõ liệu có bên nào muốn đi đến giải pháp cho tương lai hay không.

Phái viên hòa bình LHQ ở Syria, Staffan de Mistura thừa nhận về tính phi thực tế của việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Syria ở thời điểm hiện nay. Thay vì mặc cả, ông bắt đầu tập trung vào môi giới “vùng đóng băng”, hoặc các thỏa thuận mang tính địa phương, động thái phản ánh thực tế về sự chia rẽ của hàng trăm phe phái nổi dậy.

Những lực lượng chống đối ông Assad hiện nay chủ yếu là các phe Hồi giáo cứng rắn như IS, Al-Qaeda ở Syria, Mặt trận Al-Nusra. Các nhà phân tích cho rằng, nhiều cường quốc phương Tây và ngay cả các đối thủ của Damascus trong khu vực như Saudi Arabia hiện xem những phe phái nổi trội là các nhóm họ không thể hỗ trợ.

Washington cũng vậy. Họ tuyên bố chỉ ủng hộ “vừa phải” các nhóm đối lập ở Syria, như một phần chiến lược của Nhà Trắng. Nhưng bằng việc không kích nhằm tiêu diệt các chiến binh IS mỗi ngày và thực hiện các cuộc tấn công chống lại Mặt trận Al-Nusra, rõ ràng, Washington đã giúp lực lượng không quân Syria một tay. Trong khi đó, các lực lượng đối lập ở Syria đang bị phân tán thành hàng trăm nhóm, với ý thức hệ và quyền lợi cạnh tranh khác nhau. Và ngay cả trong nội bộ phe nổi dậy Syria đã hình thành một cuộc nội chiến.

Chính quyền Tổng thống Obama đang có kế hoạch thực hiện chương trình kéo dài nhiều năm để đào tạo và trang bị cho các phe nổi dậy “ôn hòa” và các lực lượng địa phương. Ankara cũng muốn Nhà Trắng thiết lập “vùng đệm” dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ lực lượng nổi dậy “ôn hòa”, mặc dù các quan chức Mỹ bác bỏ ý tưởng này. Trên thực tế, Mỹ khó có thể thành công. Joshua Landis, chuyên gia về Syria tại Đại học Oklahoma đưa ra dẫn chứng về việc Nhà Trắng chi hàng tỷ USD với nguồn nhân lực dồi dào ở Iraq nhưng cuối cùng, họ vẫn chỉ trắng tay.

Việc giá dầu sụt giảm mạnh trong năm nay có thể gây áp lực lên những nước ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad như Iran và Nga và cả những quốc gia đối thủ như những quốc gia vùng Vịnh Arab giàu dầu mỏ. Nhưng số phận của ông Assad chắc chắn chưa thể đi đến hồi kết. Nhà lãnh đạo này đang cho thấy sức mạnh quyền lực của mình khi vẫn đứng vững trước cơn lốc nổi dậy.

Và người ta cho rằng, cuộc xung đột tiếp diễn ở Syria chỉ mang lại nguồn lợi cho một bên: đó là IS, tổ chức vốn chứng minh sức mạnh trong việc thiết lập các cơ cấu hành chính để lấp đầy khoảng trống để lại do nội chiến.

Khả Anh