26 ngư dân xin rút hồ sơ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67
(Cadn.com.vn) - Sau gần một năm triển khai Chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ tại Quảng Ngãi đã có nhiều ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, cũng không ít ngư dân dù nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt nhưng đành “bỏ cuộc” xin rút hồ sơ vay vốn.
Mặc dù đã có con tàu công suất 650 CV thuê lại của Nghiệp đoàn nghề cá An Hải để vươn khơi bám biển, nhưng với chính sách ưu đãi của Nghị định 67, ngư dân Bùi Văn Phải, ở thôn Đông, xã An Hải huyện đảo Lý Sơn vẫn mạnh dạn đăng ký vay vốn đóng thêm một chiếc tàu vỏ thép hành nghề vây rút chì, công suất 800 CV.
Theo tính toán ban đầu giá trị của con tàu khoảng hơn 15 tỷ đồng, chưa kể phần ngư cụ. Với nguồn đối ứng hiện có cùng với 15 năm kinh nghiệm đi biển, hồ sơ đăng ký tham gia NĐ 67 của ngư dân Bùi Văn Phải đã được 3 cấp xã, huyện, tỉnh xét duyệt nằm trong danh sách vay vốn để đóng tàu vỏ thép. Thế nhưng, trong khi chờ hoàn tất các thủ tục vay vốn theo quy định, ông Phải đã tìm hiểu kỹ về những quy định ràng buộc của NĐ 67. Sau khi tính toán, thấy không thuận lợi nên ông Phải đã xin rút hồ sơ khỏi danh sách vay vốn.
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn đóng theo Nghị định 67. |
Ngư dân Bùi Văn Phải tâm sự: Theo quy định nếu đóng tàu vỏ thép công suất lớn ngư dân phải lắp đặt máy mới, trong khi lâu nay ngư dân vẫn thường lắp máy đã qua sử dụng, “Đóng con tàu đó, nếu chúng tôi lắp máy đã qua sử dụng thì giá thành con tàu giảm đáng kể, còn nếu lắp máy mới thì giá thành cao hơn rất nhiều, nên chúng tôi không thể kham nổi, vì đây là vốn vay nên chúng tôi còn tính toán đến việc trả nợ ngân hàng”.
Cũng như ngư dân Bùi Văn Phải, trường hợp của ông Lê Túc, ở thôn Tây, xã An Hải. Lúc đầu, ông Túc thấy NĐ 67 có nhiều ưu đãi nên đã đăng ký để tham gia, tuy nhiên sau khi xã và huyện xét duyệt, ông đã tìm hiểu kỹ những quy định của NĐ 67, do vậy dù đã được các cấp xét duyệt hồ sơ để hoàn thiện thủ tục vay vốn đóng tàu, nhưng ông cũng đành “rút lui”. Ông Túc lý giải: Chúng tôi đứng ra vay vốn đóng tàu phải tính đến hiệu quả kinh tế, nếu cứ ràng buộc theo NĐ 67 thì không ai dám làm, bởi lâu nay ngư dân vẫn luôn lắp đặt máy đã qua sử dụng, vừa hợp túi tiền của mình, vừa giảm vốn đầu tư có cơ hội trả nợ cho ngân hàng.
Theo ông Túc, với một con tàu vỏ thép được đóng mới công suất khoảng 800 -1.000 CV, theo thiết kế phải đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng, nhưng nếu cho ngư dân lắp đặt máy cũ còn sử dụng được thì giá thành đầu tư giảm gần 1/3, đây là khoản tiền không nhỏ đối với ngư dân, đủ để ngư dân đầu tư mua sắm ngư cụ.
“Ngoài việc lắp đặt máy cũ, máy mới, thì việc hoàn thuế GTGT theo Luật Thuế mới khiến ngư dân chúng tôi tiến thoái lưỡng nan, bởi theo NĐ 67 thì ngư dân sẽ được hoàn thuế sau khi hoàn tất các thủ tục với ngành Thuế, nhưng theo Luật Thuế mới không đề cập đến vấn đề này đây là điều gây khó cho ngư dân” - ông Lê Túc nói.
Sau gần 1 năm triển khai NĐ 67, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt hỗ trợ đóng mới, nâng cấp 73 tàu cá, trong đó có 27 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ composite, 41 tàu vỏ gỗ. Các ngân hàng thương mại đã tiếp cận được chủ của 65 tàu. Trong số này, các ngân hàng đã ký hợp đồng vay vốn với 9 chủ tàu và đã giải ngân được 5 tàu, với kinh phí 26,6 tỷ đồng/69,5 tỷ đồng cam kết cho vay. Các chủ tàu còn lại hiện đang hoàn thành thủ tục.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, hiện đã có 26 trường hợp, gồm 19 tàu vỏ gỗ, 5 vỏ thép và 2 composite đã xin rút hồ sơ. Các ngân hàng thương mại sau khi tiếp cận được các chủ tàu đều đưa ra những nguyên nhân, lý do chính đáng theo quy định của NĐ 67.
Ông Nguyễn Hùng – Phó Giám đốc ngân hàng BIDV Quảng Ngãi cho rằng, các trường hợp xin rút hồ sơ vay vốn tại ngân hàng đều có chung những lý do là không có vốn tự có, không đồng ý với chủ trương mua máy mới, nhiều ngư dân đi biển, ngân hàng chưa tiếp cận được. Có trường hợp xin chuyển đổi đóng mới tàu thành nâng cấp nên không đáp ứng nguyện vọng của mình.
Về phía tỉnh Quảng Ngãi, tuy đã có nhiều biện pháp đề xuất với Chính phủ tháo gỡ những khó khăn ràng buộc khi thực hiện NĐ 67, nhưng cũng chỉ trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Do đó, việc triển khai thực hiện NĐ 67 tại địa phương này đang là “rào cản” khiến nhiều ngư dân nản lòng xin rút hồ sơ vay vốn. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết: NĐ 67 tuy có nhiều ưu đãi, nhưng so với thực tế còn có quá nhiều điều buộc ngư dân phải tính toán. Về phía ngân hàng, do nguồn vốn cho vay quá lớn nên cũng dè dặt trong vấn đề xét duyệt triển khai cho vay.
Anh Thư