3/4 sản phẩm của Tổng Cty điện lực miền Trung được công nhận "Make by EVN" tại Hội nghị Khoa học công nghệ Điện lực

Thứ ba, 29/11/2022 08:15
Ông Ngô Tấn Cư - Tổng giám đốc Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVNCPC) ngày 28-11 cho hay, đơn vị vừa tham gia “Hội nghị Khoa học và Công nghệ Điện lực năm 2022” do Hội Điện lực Việt Nam (VEEA) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tại không gian trưng bày triển lãm, EVNCPC có 04 sản phẩm, bao gồm: Công tơ điện tử; thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI) và hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện (FDS); trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện (EVN ev charger); thiết bị xác định pha. Điều đáng mừng là 3/4 sản phẩm của ENNCPC được công nhận "Make by EVN"…
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN (trái) thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của EVNCPC.
Ông Ngô Tấn Cư - Tổng giám đốc EVNCPC (thứ 2, phải qua) thăm các gian hàng trưng bày của các đơn vị

@: Công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa

EVNCPC được EVN ghi nhận là một trong các đơn vị dẫn đầu trong Tập đoàn này về phát triển công tơ điện tử và công tơ điện tử đo xa, mang tới nhiều sự tiện lợi cho khách hàng sử dụng điện tại 13 tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên. Công tơ điện tử là sản phẩm hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư EVNCPC tự nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay với 28 chủng loại công tơ điện tử 1 pha, 3 pha, 1 biểu giá, nhiều biểu giá được phát triển. Các sản phẩm đáp ứng tất cả nhu cầu đo đếm điện năng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với tiêu chuẩn đo lường, hợp chuẩn hợp quy của Việt Nam. Tính đến hết năm 2021, toàn EVN có 29,8 triệu công tơ bán điện cho khách hàng, trong đó có 21,6 triệu công tơ điện tử, chiếm 72,4% và 8,2 triệu công tơ cơ khí tương ứng khoảng 27,6%. Như vậy, nhu cầu sử dụng công tơ điện tử của EVN đến năm 2025 là khoảng 8,2 triệu chiếc.

Trong khi đó, hệ thống công tơ điện tử EVNCPC là một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản phẩm và dịch vụ của ngành điện đã lan tỏa nhiều lợi ích cho những ngành nghề khác thúc đẩy phát triển về lĩnh vực kinh tế số như: viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, logistics,… Nhằm hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và hướng đến sự tiện lợi nhất cho người dùng, EVNCPC đã phát triển các ứng dụng như: website https://cskh.cpc.vn; ứng dụng EVNCPC CSKH (trên IOs và Android); trích nợ tự động thông qua ngân hàng; thanh toán qua Internet banking/Mobile banking; thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia; các ví điện tử,… nhằm giúp khả năng tích hợp các giải pháp số hóa thông tin với khách hàng trên một phương tiện duy nhất.

@: Trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện

Không ngừng tìm tòi sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học, đội ngũ các kỹ sư cán bộ kỹ thuật của EVNCPC đã nghiên cứu chế tạo thành công trạm sạc nhanh cho xe điện đầu tiên tại Việt Nam. Hiện dã triển khai lắp đặt trạm sạc cho 13 Công ty Điện lực thành viên và hợp tác thử nghiệm trạm sạc xe điện kết nối với hệ thống điện mặt trời với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Trạm sạc nhanh cho xe ô tô với các tính năng: nhiều chế độ sạc, sạc song song 2 vòi cùng một lúc, thiết kế theo hướng module hoá, hỗ trợ tiêu chuẩn sạc khác nhau, kết nối cổng thanh toán VNPay, quản lý mạng lưới trạm sạc và trạng thái hoạt động. Trạm sạc xe điện góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho người sử dụng xe ô tô; tiết kiệm chi phí khi mua thiết bị ngoại nhập; giảm ô nhiễm môi trường; tạo cơ sở hạ tầng kích cầu cho việc phát triển xe ô tô điện...Đánh dấu cho quá trình nỗ lực xây dựng, phát triển sản phẩm “Make by EVN”, “Made in Việt Nam”, sản phẩm đã được ghi nhận bằng Giải Vàng Chất lượng quốc gia của Thủ tướng Chính phủ trao tặng vào năm 2018.

Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN (trái) thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của EVNCPC.

@: Thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố lưới điện

Sản phẩm thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố lưới điện trung thế (SRFI) và hệ thống FDS là sản phẩm đầu tiên được nghiên cứu và chế tạo nhằm mục đích chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung thế. Sản phẩm có các tính năng: chỉ thị vị trí sự cố bằng đèn; gửi tin nhắn SMS sự cố đến cá nhân liên quan; có khả năng chống nhiễu, thể hiện vị trí sự cố trên nền bản đồ địa lý (GIS)... SRFI là thiết bị giúp phát hiện sự cố, cảnh báo, cài đặt và reset sau sự cố, truyền thông (qua GMS (tin nhắn SMS), hồng ngoại IR, RF tần số 408.925Mhz, anten), kết nối SCADA về trung tâm điều khiển thông qua phần mềm FDS với chuẩn giao thức IEC 60870-5-104. Cụ thể, thiết bị vừa chỉ thị sự cố bằng đèn tại chỗ vừa gửi tin nhắn đến các cá nhân, bộ phận quản lý thông qua tin nhắn cảnh báo (SMS) và hiển thị trực quan trên màn hình máy tính HMI tại máy chủ FDS đặt tại trung tâm điều khiển, giúp bộ phận chuyên trách sớm phát hiện điểm sự cố, nhanh chóng khoanh vùng, cô lập khu vực bị sự cố, từ đó rút ngắn thời gian xử lý. Các điều độ viên các Công ty Điện lực có thông tin sớm để điều hành cung cấp điện lại cho khách hàng, tránh tình trạng mất điện kéo dài. Hệ thống giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Tháng 12/2015, 300 sản phẩm được lắp đặt thử nghiệm đầu tiên tại Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (phiên bản 1.0), đến nay sản phẩm đã được triển khai lắp đặt tại các đơn vị còn lại thuộc EVNCPC (phiên bản 2.0).

@: Thiết bị xác định pha

Hiện nay, công tác cân bằng pha còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là việc xác định pha của các phụ tải. Các công tơ khách hàng thường được đặt tập trung tại 01 tủ điện chung, có che chắn, bó dây cẩn thận làm cho việc xác định pha của từng khách hàng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và nguy hiểm, nhất là đối với hệ thống lưới điện ngầm. Từ thực tế này, CPCEMEC đã tiến hành nghiên cứu giải pháp mới là thiết bị bộ xác định thứ tự pha (3SPD) để khắc phục các tồn tại. Thành phần hệ thống bao gồm: Master được lắp với nguồn 3 pha 4 dây để xác định thứ tự các pha A, B, C, N làm tham chiếu. Slaver được kết nối với nguồn của thiết bị cần đo và thu thập thông tin gồm pha nguồn so với pha tham chiếu (A, B hoặc C) và số định danh thiết bị (từ Qrcode hoặc Barcode trên thiết bị cần đo), dữ liệu sẽ được truyền về điện thoại thông qua kết nối Bluetooth; Slaver đồng bộ với Master thông qua kết nối không dây RF tần số 408.925MHz và kết nối với Smartphone thông qua kết nối Bluetooth; dữ liệu thu thập được lưu trữ trên Smartphone hoặc quản lý trên các hệ thống hiện có như: Thông tin hiện trường (TTHT) hoặc Hệ thống quản lý kỹ thuật (PMIS). Thiết bị với độ chính xác cao; hỗ trợ công tác đo đạc và xác định thứ tự pha; giảm nhân công, chi phí đến hiện trường để xác định pha; nâng cao chất lượng dịch vụ của Điện lực.

Được biết, tại không gian trưng bày triển lãm thuộc Hội nghị Khoa học và Công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2022 có tổng số 08 phần mềm, 13 thiết bị và giải pháp đến từ 10 đơn vị thuộc EVN.

Hoàng Nam