3 kịch bản cho Thủ tướng May “thời Brexit”

Thứ bảy, 22/12/2018 11:40

Những tranh cãi liên tục về số phận chính trị của Thủ tướng Anh Theresa May sau khi các thành viên của đảng Bảo thủ thất bại trong nỗ lực lật đổ bà qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, đồng nghĩa với việc thỏa thuận Brexit mà nhà lãnh đạo này đã đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU) vẫn là một kết cục có thể xảy ra.

Tuần hành kêu gọi tổ chức trưng cầu Brexit lần 2.   Ảnh: Conversation

Trong tuần qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã may mắn “sống sót” sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do một nhóm “Brexit” thiểu số nhưng có ảnh hưởng trong đảng Bảo thủ kêu gọi với những chỉ trích là vị nữ lãnh đạo này đã nhượng bộ EU quá nhiều. Thủ tướng May đã giành chiến thắng với sự hỗ trợ của 200 nghị sĩ. Nhưng việc 117 nghị sĩ khác bỏ phiếu bất tín nhiệm để lật đổ bà cũng cho thấy thực tế bà đang ngày càng suy yếu. Và tương lai của Brexit cũng đang nghiêng ngả theo nhiều hướng.

Thỏa thuận Brexit với EU vẫn không được ủng hộ

Quy mô của cuộc bỏ phiếu chống lại Thủ tướng May là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của phe đối lập mà nhà lãnh đạo này sẽ phải đối mặt tại Hạ viện khi đưa thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với EU ra thảo luận, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 1-2019.

Bà May có nghĩa vụ phải đưa nó ra Quốc hội tranh luận và bỏ phiếu, và nhà lãnh đạo này đã tránh được một thất bại nặng nề trong ván cờ này bằng cách hoãn cuộc tranh luận dự kiến hồi tuần trước. Thủ tướng May có vẻ như khá thận trọng, ít nhất là ở lần thử thách đầu tiên, mặc dù nếu bị đánh bại, bà May vẫn có quyền yêu cầu bỏ phiếu lại. Nhưng, nghịch lý thay, nếu bị đánh bại ở lần thử thách đầu tiên, thỏa thuận Brexit của bà có nhiều khả năng thất bại ở lần thử thách thứ hai, vì khi đó bà còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn cho chiếc ghế lãnh đạo của chính mình. Và bà còn phải đối mặt với những rào cản đáng kể để đạt được thỏa thuận. Có thể nhà lãnh đạo Anh phải cắt một phần thỏa thuận với đảng Bắc Ireland, đảng Liên minh Dân chủ (DUP), có 10 nghị sĩ hiện đang hỗ trợ chính phủ thiểu số của bà.

DUP là một đảng đoàn kết mạnh mẽ và không muốn thấy Bắc Ireland tiến gần hơn đến Ireland. Feargal Cochrane, giáo sư phân tích xung đột quốc tế tại Đại học Kent, cho biết: “Nếu thỏa thuận Brexit trở lại Hạ viện, DUP sẽ không bỏ phiếu, bất kể mọi thứ. Bởi vì vị trí cơ bản của họ là Bắc Ireland không nên được đối xử khác biệt với bất kỳ nơi nào khác ở Vương quốc Anh”.

Quốc hội có thể “lật đổ” bà May

Ngoài những trở ngại đáng kể trên, Thủ tướng May có thể phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác - lần này là tại Hạ viện.

Tất cả các đảng đối lập chính được cho là có thể sẽ ủng hộ điều này, nhưng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ cần sự hỗ trợ của một số nghị sĩ bảo thủ để thành công, và họ không hề muốn đưa lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn “xuống phố” Downing.  Ông Meg Russell, giáo sư chính trị tại Đại học College London (UCL) nói: “Kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không nhất thiết là cuộc tổng tuyển cử. Có 14 ngày để chính phủ mới được thành lập. Đó có thể là chính phủ đoàn kết dân tộc”. Một chính phủ đoàn kết dân tộc không phải là chưa từng có, và từng nổi tiếng khắp thế giới, xảy ra vào đầu Thế chiến II, khi ông Winston Churchill trở thành thủ tướng năm 1940 thay thế ông Chamberlain. “Thủ tướng của một chính phủ như vậy không cần phải là người lãnh đạo của bất kỳ đảng chính nào”, giáo sư Tim Bale nhận định. “Bạn cần nhớ rằng Churchill trở thành thủ tướng khi Chamberlain từ chức nhưng vẫn tiếp tục là lãnh đạo của đảng Bảo thủ”.

Các kiểu Brexit hoặc “không Brexit”

Vẫn có khả năng Brexit sẽ bị bỏ rơi. Đây là vụ cá cược lớn bởi vì nó sẽ cần một cuộc trưng cầu dân ý khác. Và mặc dù có một chiến dịch gắn kết cấp bách cho việc này, không có đảng chính trị chính nào ủng hộ trưng cầu dân ý lần 2.

Dường như không chắc rằng EU - “phía bên kia” trong các cuộc đàm phán Brexit, sẽ có thêm bất kỳ nhượng bộ quan trọng nào hơn nữa cho thỏa thuận đã ký kết. Bà May vẫn đang bảo vệ thỏa thuận đó, nhưng vẫn không có khả năng có thể đặt vị trí của mình đằng sau một Brexit ít quan trọng hơn. Có thể không có thỏa thuận Brexit, theo đó, Anh rời EU mà không có thỏa thuận – tức Brexit cứng. Điều này có thể xảy ra vào ngày 29-3-2019 khi quá trình thoát khỏi Điều 50 hết hạn. Hoặc nó có thể xảy ra vào cuối năm 2020 hoặc thậm chí muộn hơn, nếu Anh yêu cầu gia hạn thời hạn Điều 50. Điều này sẽ làm cho những người mong muốn “Brexit cứng” hài lòng, nhưng sẽ khiến Thủ tướng May và nước Anh thêm lao đao.

KHẢ ANH