35 năm "uốn chồi non mọc thẳng"
(Cadn.com.vn) - Hơn 35 năm, ông đã gắn cuộc sống của mình với những đứa trẻ một thời lầm lỗi. Không chỉ là người thầy đơn thuần, ông còn là người cha, người chú dẫn dắt, giúp đỡ để các em quay trở về nẻo thiện. Nhân vật tôi nói đến là Đại tá Phạm Văn Huynh - Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 3 (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), thuộc Tổng cục 8 - Bộ Công an.
Lúc chúng tôi tìm gặp, Đại tá Phạm Văn Huynh đang cùng các em học sinh trồng cây trong khuôn viên trường. Nhìn sự hòa đồng và nói chuyện thân mật giữa thầy và trò, hẳn nhiều người không nghĩ mình đang có mặt ở ngôi trường đặc biệt, dành để giáo dục những em thiếu niên vi phạm pháp luật.
Được thành lập vào năm 1977, Trường Giáo dưỡng số 3 là một trong 4 trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý. Và kể từ thời điểm đó, Đại tá Phạm Văn Huynh đã gắn bó cuộc sống của mình nơi đây. Những hình ảnh nhà tranh, vách nứa lúc mới thành lập trường còn lưu lại đủ để thấy gian nan vất vả ngày nào, nhưng vượt qua tất cả, Đại tá Huynh vẫn gắn bó với ngôi trường này suốt mấy chục năm qua. "Càng hiểu hoàn cảnh của các em vào trường thì tôi càng thương các em. Điều đó thôi thúc tôi gắn với ngôi trường này", Đại tá Huynh tâm sự.
Đại tá Phạm Văn Huynh cùng trồng cây với các em học sinh. |
Trường Giáo dưỡng số 3 có trách nhiệm giáo dục, uốn nắn các em thiếu niên vi phạm pháp luật của 13 tỉnh thành, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên. Hiện nhà trường đang quản lý gần 200 em học sinh. Theo thống kê, có 61% các em phạm tội trộm cắp, 22% gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích chiếm trên 4%, và trong đó có nhiều em phạm tội nghiêm trọng.
Với những vi phạm pháp luật như vậy nên việc giáo dục các em không phải là điều đơn giản. Em Hồ Tử Lục (Quảng Ngãi) đã xa Trường Giáo dưỡng số 3 hơn 10 năm và hiện đang có cuộc sống ổn định, tuy nhiên vẫn thường xuyên gọi điện tâm sự với Đại tá Phạm Văn Huynh - người mà Lục vẫn luôn gọi là ân nhân. Lục kể, lúc 14 tuổi, khi đi học thì thường xuyên bị nhóm bạn lớn hơn bắt nạt, đuổi đánh. Vì thế trong một lần đi học, Lục mang theo con dao để phòng thân.
Khi tan học, nhóm bạn kia lại xông vào vây đánh, Lục rút dao chống trả và chẳng may đâm phải một bạn gây tử vong. Thế là Lục bị đưa vào trường Giáo dưỡng vì tội giết người. "Em sợ hãi, hoang mang khi vào trường và sợ người nhà của bạn trả thù. Lúc đó thầy Huynh đã luôn ở bên cạnh, thường xuyên trò chuyện và khuyên dạy nên em mới dần hết lo sợ. Nếu lúc đó không có thầy Huynh thì không biết em có vượt qua nổi không nữa", Lục kể.
Không riêng gì Lục, rất nhiều thế hệ học sinh Trường Giáo dưỡng số 3 đã nhận ra lỗi lầm và có cuộc sống tốt sau khi ra trường nhờ sự tận tình của thầy Huynh. Với chủ trương dùng tình cảm để giáo dục, Đại tá Phạm Văn Huynh và giáo viên trường Giáo dưỡng số 3 thực hiện rất nhiều phương pháp, từ tư vấn, tâm sự để hiểu các em nghĩ gì, cần gì, đến định hướng cho các em học nghề hay học văn hóa, nhưng điều quan trọng hơn là dạy các em trở thành người có ích. "Khi mới vào trường, các em tìm mọi cách vi phạm nội quy, chống đối và khước từ sự dạy bảo. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các em mặc cảm về lỗi lầm và đang trong độ tuổi nổi loạn nên không dễ uốn nắn. Mình chỉ có thể dùng tình cảm để hướng các em về những điều tốt đẹp. Muốn thế phải cùng ăn, ở với các em, hiểu tâm tư tình cảm các em mới mong thành công", Đại tá Phạm Văn Huynh chia sẻ.
Thực tế, học sinh trường Giáo dưỡng đều hạn chế trong suy nghĩ, lệch lạc về hành vi, nhiều em lại có tư tưởng bất cần đời. Vì vậy, những người thầy mặc quân phục như Đại tá Phạm Văn Huynh phải đến với các em bằng cả tấm lòng bao dung, nhân ái. Năm nào cũng vậy, đến Tết là Đại tá Phạm Văn Huynh ở lại trường với học sinh mà không về quê, bởi "mình về thì các em buồn" như lời ông tâm sự.
Không chỉ lo nuôi dạy, chăm sóc, nhà trường còn khảo sát nhu cầu lao động ở từng địa phương để đào tạo nghề thích hợp với cho các em, bằng học nghề được những trường công lập cấp để các em dễ xin việc. Những việc làm như thế đã được Trường Giáo dưỡng số 3 và thầy Huynh thực hiện trong nhiều năm qua nhằm giúp các em hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
"Tôi rất vui khi các em ra trường và hòa nhập cộng đồng, đó là thành công lớn nhất của trường. Tuy nhiên, tôi luôn lo lắng và trăn trở bởi phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn như bố mẹ ly hôn, nhà nghèo hay thiếu sự quan tâm... Sau khi ra trường các em đều mong muốn hướng thiện nhưng lại rơi vào hoàn cảnh thiếu chỗ dựa, bị xã hội nghi ngờ. Đó là điều rất nguy hiểm, dễ dẫn các em đến lỗi lầm nặng hơn. Mong phụ huynh hãy quan tâm hơn đến con của mình, đừng đẩy các em đến con đường phạm pháp chỉ vì những chuyện của người lớn", Đại tá Phạm Văn Huynh trăn trở.
Hơn 35 năm gắn bó với những thiếu niên vi phạm pháp luật, Đại tá Phạm Văn Huynh đã trở thành người thầy, người cha, giúp nhiều em nhận ra lỗi lầm, quay lại với con đường sáng. Bởi thế, những tâm sự của ông thật đáng để các bậc phụ huynh lưu tâm.
Hoàng Anh