4 năm, vẫn một nỗi đau

Thứ năm, 12/03/2015 08:34

(Cadn.com.vn) - Nước Nhật hôm 11-3 kỷ niệm 4 năm ngày xảy ra thảm họa kép động đất - sóng thần tàn phá kinh hoàng vùng đông bắc nước này trong bối cảnh Tokyo có kế hoạch tái thiết quy mô lớn trong vòng 5 năm tới.

4 năm đã đi qua. Nhưng nỗi đau thương mất mát do thảm họa kép ngày 11-3-2011 vẫn còn in rõ trên từng khuôn mặt, từng mảnh đất trên khắp vùng đông bắc nước Nhật.

Bởi lẽ, đây là bi kịch đã để lại quá nhiều vết sẹo còn hằn trên từng  cảnh quan và tiếp tục gây đau khổ cho nhiều người. Bởi lẽ, sức hủy diệt của trận động đất 9 độ Richter cùng với những cơn sóng thần cao hơn 10m là quá sức tưởng tượng. Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật xác nhận, 15.891 người đã thiệt mạng trong khi 2.584 người khác vẫn mất tích. Động đất - sóng thần còn gây ra cuộc khủng hoảng điện hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Nguồn nước, môi trường từ đó bị ô nhiễm phóng xạ khiến hàng ngàn người dân phải bỏ nhà cửa.

Cho đến nay, gần 230.000 người vẫn chưa có nhà cửa để ở, hầu hết họ là nạn nhân của thảm họa hạt nhân. Trong số này, 80.000 người vẫn sống trong nhà tạm.



Người dân đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong khi cảnh sát nỗ lực tìm những nạn nhân mất tích. Ảnh: Reuters

CẦU NGUYỆN...

Lễ tưởng niệm được tổ chức tại các thành phố, thị trấn khắp khu vực chịu thảm họa và thủ đô Tokyo, nơi Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tưởng nhớ những người thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng nhất thời bình tại Nhật Bản.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, thân nhân các nạn nhân và những tình nguyện viên cùng đặt hoa cầu nguyện gần một tòa nhà bị sóng thần đánh sập, lời nhắc nhở rõ rệt nhiều về sự hủy diệt của thảm họa kép. Một phút mặc niệm diễn ra kèm theo những hồi chuông báo động thảm họa lúc 2 giờ 46 (12 giờ 46, giờ Việt Nam) - thời điểm xảy ra trận động đất 9 độ Richter. Động đất kèm theo bức tường nước có sức công phá hủy diệt tương đương với tốc độ máy bay phản lực tràn vào bờ biển đông bắc nước Nhật. Trong vòng vài phút, cả khu vực trải dài ở vùng đông bắc chìm trong biển nước.

“Tình hình xung quanh những nạn nhân vẫn rất nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực để xây dựng vùng đất an toàn hơn mà không quên bài học này”, Nhật Hoàng Akihito phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Chúng tôi, những người của chính phủ Abe, sẽ hỗ trợ tất cả những gì người dân trong vùng bị thảm họa cần...”.

Nhưng đối với những người thân, việc chưa tìm thấy thi thể các nạn nhân mất tích khiến nỗi đau càng nhân đôi. Tại Shichigahama, 28 cảnh sát bảo vệ bờ biển và cán bộ đứng lặng lẽ cầu nguyện trước khi họ bắt đầu tìm kiếm 2 công dân thành phố vẫn còn mất tích.

...ĐỂ VƯỢT QUA ĐAU THƯƠNG

Trận động đất – sóng thần này đẩy nước Nhật vào thảm họa điện hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử thế giới, chỉ sau thảm họa Chernobyl. Và cho đến nay, thảm họa này vẫn tiếp tục ám ảnh nước Nhật, làm bùng nổ những cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề điện hạt nhân.

Hiện nay, các nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng vẫn tê liệt, động thái có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ. Mặc dù có rất ít bằng chứng cho đến nay, nhưng nỗi sợ hãi phóng xạ vẫn ám ảnh người dân Nhật. Hiện tại, Cty Điện lực Tokyo - cơ quan chủ quản của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi- đang vật lộn để đối phó với việc sục rửa nguồn nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy.

Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm lần này, Thủ tướng Abe quyết tâm thực hiện kế hoạch 5 năm nhằm đẩy mạnh việc tái thiết những vùng chịu tác động nặng nề. Nhưng trong khi chính phủ Thủ tướng Abe rất muốn để lại cho thế hệ sau một ngành công nghiệp điện hạt nhân, người dân lại không mấy tha thiết. Cho đến nay, một cơ quan giám sát hạt nhân đưa ra khả năng khởi động lại 4 lò phản ứng nhưng thực tế sẽ bị trì hoãn cho đến khi trưng cầu dân ý đạt kết quả.

Trong bóng tối của nhà máy Fukushima Daiichi, nhiều người dân trở về, đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân và cúi đầu về phía biển. Mặc dù chính phủ đưa ra những cam kết về hàng tỷ USD viện trợ tái thiết, nhưng nỗi ám ảnh vẫn khôn nguôi khi tiến bộ trong các khu vực bị thiên tai vẫn còn chậm.

Khả Anh