40 năm đem con chữ cho dân vạn đò

Thứ ba, 19/07/2022 20:36
Đến khu tái định cư phường Kim Long (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) hỏi cô Bạch Thị Ngọc Hạnh (1957), ai cũng biết. Bởi cô đã có công mang con chữ, đem ánh sáng văn hóa đến cho hàng trăm con dân vạn đò, giúp họ thoát khỏi cảnh mù chữ, rời xa vòng luẩn quẩn, bế tắc của sự đói nghèo, thất học, lạc hậu.
Cô Bạch Thị Ngọc Hạnh có 40 năm gắn bó với trẻ em vạn đò.

Cô Hạnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Hạnh phúc khi được giúp đời!

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ của cô Hạnh là những ngày tháng theo cha mẹ lênh đênh trên chiếc thuyền câu chòng chềnh trên sông nước, không cố định chỗ ở. Sau khi gia đình được lên tá túc ở bờ thành (phường Phú Thuận, thành phố Huế), cô may mắn được đi học đến lớp 9. Được đi học, cô cảm nhận được giá trị lớn lao của kiến thức, con chữ vì nó góp phần quyết định, làm thay đổi số phận của một con người.

Năm 1976, cô Hạnh tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện phường Phú Thuận với công việc chính là xóa mù chữ cho dân vạn đò Phú An. Ban ngày, cô phụ giúp bố mẹ đánh cá, buôn bán kiếm kế sinh nhai, đêm về cầm đèn măng - xông đến từng đò vận động, thuyết phục bà con ra lớp. Cũng năm 1976, lớp học tình thương xóa mù cho người lớn của dân vạn đò ra đời - là “phát súng” mở màn cho hành trình gắn bó với nghề xóa mù chữ không lương đến nay của cô. 2 năm sau, cô Hạnh tiếp tục đi vận động mở lớp xóa mù cho thanh niên vạn đò, độ tuổi từ 25 – 40 với 35 học viên.

Phòng học là một hợp tác xã bỏ hoang, cô trò hì hục bưng bờ - lô kê làm chân bàn, mặt bàn là những tấm gỗ mục ruỗng xin từ các xưởng mộc. Đến năm 1980, đối tượng học viên được mở rộng, nhỏ nhất là 8 tuổi, lớn nhất là 50 tuổi, dạy lớp ghép, chia thành 3 nhóm: người lớn, thanh niên, thiếu niên với tổng sĩ số 50 người. Ngoài giờ đứng lớp, cô cùng các thanh niên tình nguyện đi gom sách giáo khoa cũ, vở đã sử dụng của những học sinh học các trường công lập đem về cắt những tờ giấy còn nguyên đóng thành tập cho các em học.

Năm 1985, cô lập gia đình, được chồng (cũng là dân vạn đò) đồng cảm, sẻ chia việc làm thiện nguyện giàu ý nghĩa này nên cô có “hậu phương” vững chắc. Đến năm 1986, cô mở lớp học xóa mù tại nhà riêng với 30 em theo học. “Thuở ấy, vất vả, gian khổ trăm bề. Nhiều lúc mình cũng thấy nản, định buông xuôi vì có không ít phụ huynh do trình độ dân trí thấp cực lực phản đối, không đồng ý cho con em ra lớp. Bởi nếu trong nhà có 1 đứa con đi học là mất đi một lao động, lấy ai phụ thả lừ buông lưới, cầm lái ra khơi…”- cô Hạnh nhớ lại. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với phương châm “Không gì là không thể”, sau những tháng ngày kiên trì làm công tác dân vận, công sức của cô cũng đã được đền đáp: học sinh ra lớp, đến trường ngày càng đông, nhận thức, tư duy của người dân sông nước từng bước được thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp hơn.

Cô Bạch Thị Ngọc Hạnh có 40 năm gắn bó với trẻ em vạn đò.

Góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân vạn đò

Đến năm 1995, nhà cô chuyển về chỗ ở mới số 60 Nguyễn Phúc Thái, phường Kim Long (TP Huế). Đây cũng là thời điểm khá vất vả, vừa đi vận động học sinh, vừa thuyết phục phụ huynh để họ đồng ý cho con em ra lớp... Cô Hạnh tâm sự: “Nhiều em tới 9-10 tuổi mà chưa có giấy khai sinh. Mình đến gõ cửa nhà các bác tổ trưởng dân phố, đề xuất ý kiến để họ kịp thời tham mưu với lãnh đạo phường có phương án giải quyết kịp thời. Nhờ thế, những em học hành có chất lượng, hiệu quả thì được mình làm hồ sơ cho các em tham gia hòa nhập vào các trường công lập như: trường Tiểu học số 1 Kim Long, trường THCS Nguyễn Hoàng…”.

Năm 1995, cô Hạnh là ủy viên ban thường vụ Hội CTĐ phường Phú Thuận. Từ năm 2000 đến năm 2021, cô là Chủ tịch Hội CTĐ phường Kim Long. Đặc thù địa bàn dân cư ở Kim Long một bộ phận là dân chài lên định cư trên bờ, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức về giáo dục, đời sống văn hóa còn nhiều hạn chế, trên cương vị là người “thuyền trưởng thiện nguyện”, cô Hạnh luôn trăn trở phải làm thế nào để bà con bớt khổ, biết đi lên, đứng vững bằng chính đôi chân của mình.

Vì vậy, trong quá trình đi vận động học sinh ra lớp, cô sâu sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của phụ huynh để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo phường, làm sao để huy động tối đa, có hiệu quả nhiều nguồn vốn vay ưu đãi dành cho dân vạn đò lên định cư, tạo kế sinh nhai cho họ. “Bởi kinh tế có ổn định thì họ mới yên tâm cho con em ra lớp xóa mù”- cô Hạnh bộc bạch. Đã có nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, được cô giới thiệu cho Hội Phụ nữ xã, hướng dẫn họ làm hồ sơ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi, hoặc tạo điều kiện cho họ tiếp cận với nguồn vốn vay từ các chương trình của các tổ chức phi chính phủ của Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Trước đây, ai đã từng đặt chân đến khu tái định cư Kim Long hẳn không thể không nghe đến cái tên: “Cồn mã đỏ” – ý nói đây là trung tâm của các tệ nạn xã hội, bởi dân tứ xứ quy tụ về đây sống, không nghề nghiệp, không việc làm, không có trình độ văn hóa…, tình hình an ninh trật tự xã hội vào thời điểm đó rất phức tạp. Vì thế, việc vận động con em họ ra lớp là việc làm hết sức nan giải, nếu không kiên trì chịu khó, không có lòng nhân ái, sự quyết đoán, không có “cái đầu lạnh, trái tim nóng” sẽ dễ bỏ cuộc. Nhưng cô vẫn không từ nan, quyết tâm đến tận nhà để vận động, thuyết phục cho bằng được việc cho con trẻ đi xóa mù chữ. Từ ngày “khai thiên, lập địa” tới nay, có khoảng 300 con em dân vạn đò của phường Phú An, phường Kim Long đã được cô xóa mù chữ. Trong số đó, nhiều em đã có nghề nghiệp ổn định, có gia đình riêng, nhà cửa khang trang như Võ Văn Lành hiện là chủ cửa hàng vàng mã ở đường Nguyễn Phúc Lan (P.Kim Long, TP Huế), Võ Thị Duyên - chủ tiệm cắt tóc nữ, có rất nhiều học trò, ở phường An Hòa (TP Huế), Trần Văn Hòe - chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, ở phường Phú Thượng…

Giờ đây, tuy tuổi đã cao, sức đã giảm nhưng cô Hạnh vẫn đang đứng lớp ghép, với tổng số 20 cháu (từ lớp 1-lớp 5) tại nhà văn hóa khu vực 3 (số 2 Nguyễn Phúc Lan, phường Kim Long, TP Huế) từ tối thứ hai đến tối thứ sáu hàng tuần. Ghi nhận sự cống hiến không biết mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục và công tác xóa mù chữ ở khu tái định cư xóm Vạn Đò (P.Kim Long), cô được các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen, huy chương. Đặc biệt, năm 2015 cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Võ Văn Dần