HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27/7/1947 - 27/7/2017):

42 năm ấy biết bao nhiêu tình!

Thứ hai, 03/07/2017 10:50

(Cadn.com.vn) - Một thời đỏ lửa, hàng trăm cán bộ an ninh ưu tú trên vùng đất Hải Phòng, Hà Nội hừng hực khí thế vào miền Trung ruột thịt tăng cường cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, dù người còn, người mất, nhưng mỗi lần gặp lại, kể chuyện chiến trường xưa, nước mắt các chú, các bác cứ thế rưng trào...

Đại tá Lê Văn Tam cùng đoàn công tác thắp hương cho liệt sỹ ở Hà Nội tại nghĩa trang.

TRÊN VÙNG ĐẤT NGHĨA TÌNH

Cuối tháng 6 vừa qua, đoàn công tác CATP Đà Nẵng do Đại tá Lê Văn Tam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP dẫn đầu đã có chuyến về TP Hải Phòng thăm các gia đình liệt sỹ là cán bộ an ninh tăng cường cho chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng trong thời kỳ chiến tranh. Đến thăm gia đình liệt sỹ Đoàn Hữu Hải, ngõ 9A, phố Vĩnh Tiến, P. Vĩnh Niệm, Q. Lê Trân, bà Đào Thị Hạnh, vợ liệt sỹ cùng con cháu đón đoàn trong nghẹn ngào xúc động. Ông Lê Hoàng Hưng, người đồng đội cũ của liệt sỹ Hải, hiện là Phó Ban liên lạc cán bộ an ninh Hải Phòng thắp nén nhang thành kính, đứng lặng người trước di ảnh, nước mắt rưng rưng. Ngày ấy, vào Nam chiến đấu, ông Đoàn Hữu Hải đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Nam năm 1972. Cũng căn nhà này, tôi còn nhớ như in 6 lần cùng đoàn tới đây, các đồng chí nguyên giám đốc CATP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam là đồng đội của liệt sỹ, đã khóc rất nhiều khi nhìn lại tấm di ảnh của liệt sỹ, người bạn từng cùng chung chiến hào, vào sinh ra tử giữa chiến trường mưa bom, bão đạn.

Đại tá Lê Văn Tam cùng đoàn công tác thăm, chụp ảnh lưu niệm với gia đình liệt sỹ ở Hải Phòng.

Cùng với những lời động viên thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của người thân gia đình liệt sỹ, Đại tá Lê Văn Tam khẳng định, sự hy sinh của liệt sỹ Hải nói riêng, những người đồng chí, đồng đội của liệt sĩ nói chung trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng năm xưa luôn được các thế hệ con cháu hôm nay trân trọng. Noi theo tấm gương vì nước, quên mình ấy, CBCS CATP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam hôm nay đã và đang viết tiếp truyền thống vẻ vang, góp mọi trí lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ ANQG, gìn giữ TTATXH, đưa đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.

Chia tay gia đình liệt sỹ Hải, đoàn tiếp tục vượt sóng nước ra đảo Cát Bà thăm gia đình liệt sỹ Phạm Quang Thụ. Nhận sự điều động của cấp trên, năm 1962, chàng trai trẻ Phạm Quang Thụ lên đường vào chiến trường Đại Lộc, Quảng Nam và anh dũng hy sinh năm 1971 trong một trận đi tổ chức họp dân… Cùng với Hải Phòng, suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Hà Nội cũng là các địa phương từng tiếp sức cho chiến trường Quảng Đà biết bao người con ưu tú, trung kiên. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Đại tá Lê Văn Tam cùng những thành viên trong đoàn thắp những nén nhang tri ân các anh hùng liệt sỹ Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Đình Hỉ, Vũ Văn Phan, Phạm Đình Long, ân cần chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của gia đình và thân nhân liệt sỹ, nhất là niềm mong mỏi của nhiều gia đình chưa tìm thấy mộ liệt sỹ đưa về quê an táng. Bà Nguyễn Thị Thanh, vợ liệt sỹ Nguyễn Bách Khoa tâm sự, rất mong sẽ có một ngày tìm được mộ chồng để đưa về quê hương khói. Các bác, các chú trong ban liên lạc cán bộ an ninh Hải Phòng phấn khởi: “Không gì vui bằng khi hàng năm lại được cùng đoàn CA Đà Nẵng đi thăm, thắp hương tri ân những người đồng đội cũ. Mong rằng, CATP Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ liên tục tổ chức được những chuyến thăm nghĩa tình như thế”.

Đại tá Lê Văn Tam cùng đoàn công tác thăm gia đình liệt sỹ ở Hà Nội.

TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG, VIẾT TIẾP TƯƠNG LAI

Khó diễn tả hết những tình cảm khi đoàn đến thăm, chia sẻ vui buồn cùng thân nhân các liệt sỹ. Dịp này, bên cạnh việc thông báo đến các gia đình về những thay đổi của Đà Nẵng và Quảng Nam sau 42 năm giải phóng, trong đó sự đóng góp của CBCS CA hôm nay, Đại tá Lê Văn Tam khẳng định: Mối tình keo sơn gắn bó giữa Đà Nẵng với Hải Phòng, Hà Nội luôn được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đà Nẵng dày công vun đắp. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn gian khổ, bao lớp cán bộ an ninh ưu tú của nhân dân Hải Phòng, Hà Nội đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, tình nguyện hăng hái lên đường chiến đấu vì miền Trung ruột thịt, trong đó nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, nhiều người anh dũng hy sinh. “Suốt 42  năm qua, nghĩa tình thủy chung son sắc ấy nhân dân Đà Nẵng, Quảng Nam luôn khắc ghi. Và thế hệ trẻ hôm nay phải khắc ghi, trân trọng, biết ơn những đóng góp to lớn mà các đồng chí đã dành cho quê hương chúng ta, từ đó phát huy tốt truyền thống của quê hương "trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ", hăng say góp trí, lực cho sự nghiệp bảo vệ ANQG, gìn giữ TTATXH” -Đại tá Lê Văn Tam nói.

Với những cán bộ, gia đình có cán bộ tăng cường năm xưa, hôm nay cũng luôn tự hào về truyền thống anh dũng kiên cường, nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh. Ông Lê Huỳnh Quyên (TP Hải Phòng)-cán bộ tăng cường cho chiến trường năm xưa, bồi hồi nhớ lại hình ảnh những bà mẹ xứ Quảng ở chiến trường vùng B Đại Lộc Quảng Nam đêm ngày chở che bộ đội. Ngày thống nhất, được đoàn tụ cùng gia đình, cứ lúc rảnh rỗi, bác lại lặn lội đến gia đình các đồng chí đã anh dũng hy sinh, thắp nhang sưởi ấm cho đồng đội. Khi tham gia phong trào QCBVANTQ của địa phương, hoạt động của ban liên lạc chiến sĩ an ninh tăng cường, những buổi sinh hoạt tổ dân phố, ông luôn nhắc nhớ con cháu phải lấy tấm gương anh dũng của bao người đồng đội của mình để phấn đấu rèn luyện, học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Giờ đây, 2 người con của ông đang công tác tại CATP Hải Phòng cũng liên tiếp lập chiến công, được các cấp khen thưởng nhiều lần. Hay gia đình liệt sỹ Vũ Đức, xã Hùng Thắng, H.Tiên Lãng, Hải Phòng, lần nào đến thăm, đoàn CATP Đà Nẵng cũng phấn khởi khi biết cả 4 người con của liệt sỹ đều đã trưởng thành, đang cống hiến tài sức cho sự phát triển của ngành CA. Đoàn CATP rất mừng khi biết hiện có cả trăm người con, người cháu của các liệt sỹ, chiến sỹ an ninh năm xưa nay đang giữ nhiều chức vụ trong và ngoài ngành CA. Trong vòng 3 năm trở lại đây, số con cháu của các gia đình liệt sĩ tốt nghiệp các trường đại học lên tới gần 100 người, trong đó nhiều cháu tốt nghiệp loại giỏi, được các ngành trọng dụng.

Chia tay Hải Phòng, Hà Nội, Đại tá Lê Văn Tam luôn nhắc CBCS trong đoàn rằng, việc thăm, động viên và tri ân người thân của các liệt sỹ là nghĩa cử đẹp mà thế hệ chúng ta hôm nay phải làm và làm thật nhiều nữa. Mỗi CBCS cần phấn đấu, rèn luyện nhiều hơn nữa để xứng đáng với những công sức, xương máu mà các anh hùng liệt sỹ đã đóng góp cho đất nước, cho ngành…

CÔNG HẠNH