49 năm nỗi đau Sơn Mỹ

Thứ năm, 16/03/2017 10:03

(Cadn.com.vn) - Tôi lại về Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) giữa buổi chiều tháng ba lịch sử, trước ngày dân làng hai thôn Tư Cung, Cổ Lũy tổ chức đại giỗ cho hơn 500 người dân trong vụ thảm sát gần 50 năm trước (16-3-1968 - 16-3-2017). Không gian làng quê Sơn Mỹ thanh bình, yên ả quá đỗi, như thể nơi đây chưa từng diễn ra cuộc thảm sát đẫm máu, bạo tàn do quân viễn chinh Mỹ thuộc Sư đoàn Americal gây ra 49 năm trước. Sự hồi sinh của Sơn Mỹ hôm nay thêm một lần nữa khẳng định sự bất diệt, vĩnh hằng của sự sống! Từ Sơn Mỹ, bài học về lòng vị tha, khát vọng, mong muốn được sống trong hòa bình của nhân dân  Việt Nam lại một lần nữa được cất lên!

Tượng đài Sơn Mỹ tại Khu chứng tích.

Ký ức trước ngày đại giỗ!

Ngồi trên thềm nhà nhìn ra cánh đồng thơm ngát mùi hương lúa trổ đồng, cụ Hà Thị Quý (92 tuổi), thôn Tư Cung, nhân chứng lớn tuổi nhất trong vụ thảm sát Sơn Mỹ 49 năm trước, khẽ khàng nói với cụ Phạm Thị Trợ (83 tuổi) ở nhà bên sang chơi: "Mai giỗ rồi đó!". Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên vì đã 92 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, cụ Quý móm mém cười buồn: "Những người đã mất biểu bà phải sống để còn kể cho lớp người sau câu chuyện 49 năm về trước". Thấy tôi sững sờ, xúc động, cụ Quý sẽ sàng: "Là bà nói cho... vui miệng ấy mà!". Mắt tôi chợt cay xè...

Cũng giống như nhiều người lớn tuổi ở thôn Tư Cung này, cụ Quý không nhớ ngày dương xảy ra vụ thảm sát tàn khốc giết hại 504 thường dân không tất sắt trong tay. Cụ chỉ nhớ âm lịch là ngày 18-2-1968... Sáng sớm hôm đó, chồng bà cùng 5 người con đi chăn bò trên núi. Nhà chỉ có bà, mẹ chồng, cô con gái và đứa cháu. Đang xắt khoai lang dưới bếp, bà nghe thấy tiếng máy bay quần trên trời, các tràng pháo đủ cỡ từ núi Răm (Bình Liên, Bình Sơn)... nhất loạt dội vào 4 thôn của xã Sơn Mỹ. Rồi lính Mỹ ùa vào làng đông đen. Ngày nào cũng thấy lính Mỹ vào làng bắt dân khiêng sắt, khiêng nước lên đồn cho chúng, cứ tưởng cũng như mọi ngày nên bà vẫn làm việc bình thường. Bỗng có tiếng la hét, khóc lóc van xin, tiếng bước chân chạy rầm rập trên con đường đất; xóm làng chìm ngập trong khói lửa...Lính Mỹ ập vào nhà, lùa mẹ chồng, con gái, đứa cháu và bà ra đường, hướng về nhà ông Đỗ Ký. Rồi chúng đốt nhà, bắn chết mẹ chồng, con gái và cháu ngay trước mặt bà. Hoảng sợ, bà cắm đầu chạy thì bị chúng bắn vào hông, rớt xuống con mương, nhờ thế, bà thoát chết..."Hôm đó, ai đi chợ, đi chăn bò trên núi thì thoát. Ai ở nhà thì chết hết con ơi!"- cụ Quý nghẹn ngào.

Dẫn tôi ra bia di tích, nơi lính Mỹ tàn sát tập thể 102 người dân xóm Thuận Yên thôn Tư Cung, cụ Phạm Thị Trợ rùng mình nhớ lại giây phút kinh hoàng: "Hôm đó, chồng cùng con trai đầu đi chăn bò trên núi từ sớm. Nhà chỉ có bà, con gái, 2 đứa con trai (một đứa mới 2 tuổi). Bà đang chuẩn bị đi tát nước vào đồng thì bị chúng lôi ra ngoài đường làng. Chúng bắn vào đầu con trai, con gái bà. Bà đè sấp thằng bé 2 tuổi xuống đất, giả vờ chết...". Nói về nỗi đau đã qua, hai cụ đều tìm cách kể lướt đi. Cụ Quý thổ lộ thêm, từ nhiều năm nay cụ không còn mơ thấy con gái, đứa cháu và mẹ chồng nữa, nhưng vẫn mơ thấy máy bay quần trên bầu trời. Còn cụ Trợ thì bảo thường nghe văng vẳng tiếng con khóc thét... Đã biết bao lần đọc tư liệu về vụ thảm sát Sơn Mỹ, nhưng khi trở lại đây, nghe những người từng gặp cách đây gần 20 năm kể lại, tôi vẫn nghẹn ngào, xúc động như thể mới nghe lần đầu. Nói như ông Phạm Thành Công- một trong số những nhân chứng còn sống sau vụ thảm sát, hiện là Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ- trong hồi ký: "Lịch sử như một dòng chảy, không ai có thể sống mãi với quá khứ, nhưng không ai được phép lãng quên với lịch sử". Làm sao được phép quên khi chỉ trong 4 giờ của một buổi sáng mùa xuân sương còn đọng trên từng ngọn cây, cọng lúa, 504 thường dân vô tội không một tất sắt trong tay của hai thôn Tư Cung, Cổ Lũy, trong đó có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 178 trẻ em (56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi và 89 trung niên đã bị lính Mỹ tàn sát man rợ, chỉ vì nghi trong làng có Việt Cộng đang về ẩn nấp. Cuộc thảm sát ấy đã thiêu rụi 247 ngôi nhà cùng gia súc, gia cầm. Tất cả giếng nước trong làng đều bị đầu độc. Theo tài liệu, dưới con mắt của quân viễn chinh Mỹ ngày ấy, Sơn Mỹ là "vùng tự do bắn phá", là xứ của người da đỏ Indian đáng khinh miệt, là Làng Hồng (Pinkville- trên bản đồ quân sự Hoa Kỳ thời ấy, Sơn Mỹ bị khoanh một dấu đỏ)...

HS thôn Tư Cung trên đường đi học về.

Sơn Mỹ ngày mới

Sớm hôm sau, đúng ngày đại giỗ (17-2AL), tôi lại về Sơn Mỹ khi sương vẫn còn giăng trắng ngập cánh đồng. Nhà ai có người thân bị thảm sát đều dậy từ sớm, lo sửa soạn mâm cúng. Khi mâm cỗ đơn sơ được bày trước sân nhà, thắp nén hương xong, họ ngồi lặng yên trên bậu cửa... Tôi khẽ khàng bước vào nhà cụ Quý, đúng lúc ông Đỗ Tấn Thành (64 tuổi)- một trong 2 người con trai của bà hiện còn sống, bị cụt một chân, một tay-đang bưng thau nhôm  bước xuống bật tam cấp, run run quẹt lửa đốt giấy. Từ con mắt bị hỏng của ông, một giọt nước mắt   lặng lẽ chảy xuống gò má đen sạm. Ông bảo, những thương tật đang mang trên người là do bom mìn năm Mậu Thân 1968... Bà Lê Thị Huỳnh (78 tuổi)- cũng là một trong số những người còn sống sót- chia sẻ thêm, tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà mâm cỗ của mỗi gia đình khác nhau, nhưng đều mang đậm hương vị đồng quê...

Cụ Quý và cụ Trợ tại bia chứng tích tàn sát tập thể 102 thường dân xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung.

Những ai chưa từng đi qua chiến tranh khi về Sơn Mỹ hôm nay, khó có thể hình dung nơi đây đã từng diễn ra một vụ thảm sát kinh hoàng. Bởi giờ đây, Sơn Mỹ bình yên, êm đềm quá đỗi. Sau chiến tranh, khép lại quá khứ đau thương với nhiều mất mát, bà con xã Sơn Mỹ bắt tay vào xây dựng xóm làng tiêu điều, xơ xác từ hai bàn tay trắng. Qua Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo, được biết, vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát, toàn xã có 4 thôn với khoảng 2.000 dân thì có 504 người ở 2 thôn Tư Cung và Cổ Lũy bị sát hại. Trong số 100 người còn sống sót ở hai thôn này, có 15 người là nhân chứng. Đến nay, dân số Tịnh Khê là 15.000 người (8.000 người trong độ tuổi lao động, 2.000 HS). Nhờ địa thế có núi, có sông, có biển, nên ngành nghề ở Tịnh Khê khá đa dạng, chủ yếu là nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ thương mại. Năm 2008, Tịnh Khê là một trong 3 xã của tỉnh Quảng Ngãi đạt chuẩn về văn hóa, 2015 về đích trong xây nông thôn mới. Hiện xã chỉ có 128 hộ nghèo. Gần đến ngày kỷ niệm, khách du lịch trong và ngoài nước đổ về Sơn Mỹ rất đông. Lẫn trong những đoàn khách đó, tôi bắt gặp gương mặt đăm chiêu của những cựu chiến binh Mỹ khi tham quan, lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh. Có người đi cùng vợ con. Có người lấy sổ ghi chép. Nhiều du khách bật khóc lúc nghe thuyết minh. Trước khi rời khỏi phòng trưng bày, rút thẻ hương để ở góc tường, họ nhắc nhau nhớ gửi lại tiền vào chiếc tủ nhỏ bên cạnh. Bà Cao Thị Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ- cho biết, hàng năm, có khoảng 200.000 lượt khách (60.000 lượt khách quốc tế) đến tham quan, dâng hương hoa tại đây. Từ đầu năm đến nay, có 50.000 lượt khách, trong đó có 12.000 lượt khách nước ngoài. Có ngày, các nhân viên thuyết minh của Khu chứng tích phải làm thông tầm đến tối... Chị Phan Thị Vân Kiều- Trưởng Phòng thuyết minh Khu chứng tích Sơn Mỹ- thổ lộ, 17 năm gắn bó với nghề này, nhưng mỗi lần thuyết minh cho du khách chị vẫn cảm thấy xúc động bồi hồi như mới lần đầu.

Cựu chiến binh Mỹ và khách du lịch nước ngoài nghe thuyết minh tại khu chứng tích.

Vẫn biết, vụ thảm sát Sơn Mỹ chỉ là một trong muôn vàn tội ác mà giặc Mỹ xâm lược và tay sai đã gây ra ở miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, nhưng khi nhìn từng dòng người lặng lẽ, thành kính dâng hương tại đài tưởng niệm, tôi hiểu vì sao những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới từng nói vụ thảm sát Mỹ Lai là nỗi đau kinh hoàng, đánh thức lương tri loài người. Đến Sơn Mỹ không phải là để khơi gợi lại nỗi đau mà là nhắc nhở nhân loại đừng bao giờ gây thêm cuộc chiến tranh nào nữa, để đừng có một Mỹ Lai nào khác nữa trên hành tinh này...

Ghi chép: Phan Thủy