5 hệ thống vũ khí Nga khiến Thổ phải kiêng nể

Thứ tư, 16/12/2015 10:58

(Cadn.com.vn) - Căng thẳng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn bùng nổ sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi hôm 24-11 - vẫn chưa lắng dịu. Nhiều chuyên gia thậm chí còn dự đoán về nguy cơ xung đột vũ trang giữa hai nước. Dù nguy cơ xảy ra thảm kịch xung đột này là không nhiều nhưng nhiều người vẫn đang bàn luận về khả năng quân sự giữa hai nước, trong đó cho rằng, Nga đang có nhiều vũ khí khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải ớn lạnh.

Tiêm kích Su-34 và tên lửa không đối không AA-10/AA-12

Từ năm 2008, máy bay tiêm kích -ném bom “hậu vệ” Su-34 của Nga đã thế chân cho máy bay ném bom tiền nhiệm Tu-22M và Su-24.

Su-34 qua cải tiến và có thêm nhiều tính năng vượt trội, đặc biệt là khả năng đối không rất hiệu quả, hơn hẳn các dòng tiêm kích của Mỹ và phương Tây. Đặc biệt, Su-34 còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, cùng hệ thống radar chủ động và tác chiến điện tử hiệu quả cao (ECM). So với tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, Su-34 có thể mang được nhiều vũ khí và nhiên liệu vì vậy nó rất thích nghi với môi trường hoạt động rộng, đa dạng và phức tạp. Nga hiện có hơn 80 chiếc Su-34, trong đó có khoảng 15 chiếc đang đồn trú tại Syria.

Sau sự cố máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, giới quân sự cho rằng, Su-34 sẽ đảm nhận thêm một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến “không đối không” khi đụng độ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Su-34 sẽ trở thành đối thủ đáng gờm với Thổ Nhĩ Kỳ một khi được trang bị thêm tên lửa không đối không AA-10/AA-12. Đặc biệt, tầm hoạt động của AA-10/AA-12 có thể đạt ngưỡng gần 100km, trong khi đó tên lửa AIM-120 AMRAAM của Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ chế tạo chỉ đạt chưa đến 50 km.

Vì vậy, Su-34 được xem là nỗi sợ cho phi công Thổ Nhĩ Kỳ nếu không chiến bùng nổ.

Hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha-4 của Nga.

Hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha-4

Đây là công nghệ mới nhất vừa được bổ sung cho quân đội Nga. Thực chất, đây là hệ thống phá sóng, gây nhiễu, có thể làm mù hay gián đoạn hệ thống radar mặt đất và trên không của đối phương, nhất là hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS), hệ radar đặc dụng được thiết kế riêng cho các máy bay. Hệ thống gây nhiễu Krasukha-4 được xem là khí tài lợi hại, nhắm vào các thiết bị sóng radio-điện tử của đối phương.

Krasukha-4, có tầm hoạt động hơn 300km, vô hiệu cả hệ thống tác chiến điện tử KORAL của Thổ Nhĩ Kỳ bởi nó có tính năng vượt trội hơn. Krasukha-4 có thể “bịt mắt” các loại máy bay mới nhất của không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TuAF) được trang bị hệ thống AWACS, khiến cho việc tác chiến của TuAF ở khu vực phía đông biển Địa Trung Hải và Syria gặp nhiều khó khăn.

Tuần dương hạm lớp Slava

Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn hướng lớp Slava của Nga được đánh giá có khả năng đối hạm và phòng không cực kỳ hiệu quả. Nó được trang bị 16 tên lửa dẫn đường chống hạm P-500 Bazalt, 64 tên lửa S-300  PMU Favorite phòng không tầm xa, 2 hệ thống tên lửa không đối không tầm gần OSA-M, hệ thống radar tìm kiếm và theo dõi 3 chiều (3D) biến tàu tuần dương lớp Slava trở thành  một pháo đài nổi đích thực.

Sau sự cố ngày 24-11, tàu tuần dương Moscow lớp Slava được điều đến ngoài khơi cảng Latakia của Syria. Việc Nga triển khai tuần dương hạm Moscow đến cảng Latakia khiến hoạt động của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực miền đông Địa Trung Hải dần dần bị hạn chế. Tuy lợi thế, tuần dượng hạm lớp Slava cũng có những hạn chế nhất định, thiếu hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) nên khả năng chống ngầm không mạnh bằng tàu lớp Gur của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là lý do Nga mới chỉ triển khai duy nhất một chiếc Moscow đến Trung Đông.

Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz

Đặc nhiệm Spetsnaz của Nga được đào tạo bài bản để thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, như tuần tra đường dài, do thám, phá hoại, ám sát, lật đổ và cả chiến tranh du kích, chống khủng bố…

Mới đây, nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập đặc nhiệm Spetsnaz, thiếu tướng Oleg Polguev, người đứng đầu tổ chức này cho biết khác với đặc nhiệm NATO, Spetsnaz được tôi luyện trong hoàn cảnh khắc nghiệt, được đào tạo tốt và có thể sử dụng hầu hết các loại vũ khí do nước ngoài sản xuất, có khả năng tác chiến độc lập, kể cả trong tình huống giáp lá cà, cận chiến tay không...

Kim Hùng

(Theo Nationalinterest)