5 học sinh thiệt mạng ở Đắc Lắc: Tang thương bao trùm bản nghèo
Buổi sáng định mệnh
(Cadn.com.vn) - Vào 6 giờ sáng 13-3, anh Y Hát Êban, người dân trong buôn đi thả lưới trên sông Krông Bông (H. Krông Bông, Đắc Lắc) đoạn chảy qua buôn Cư Đrăm, xã Cư Đrăm thì phát hiện 4 đôi dép, 1 quần dài, 1 chiếc thắt lưng nhưng xung quanh không có một ai nên đi tìm. Cách đó khoảng 30 mét, anh Y Hát phát hiện trên một cái hố cát ven bờ suối có một một cánh tay trồi lên mặt đất nên hốt hoảng báo tin cho chính quyền địa phương.
Ngay sau đó, CQĐT Công an tỉnh, lực lượng pháp y phối hợp với CAH Krông Bông tiến hành đào hố đất thì phát hiện có tổng cộng 5 xác chết là học sinh. Danh tính các nạn nhân lần lượt là Lý Seo Hùng (1996, thôn Ea Bar - xã Cư Pui); Giàng Văn Bằng (1996, xã Cư Đrăm), Ma Văn Bình (1995, xã Cư Đrăm, H. Krông Bông, cùng học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo); Lý Seo Phong (2001, xã Cư Đrăm và Vàng Quang Vinh (1997, xã Cư Đrăm, cùng học tại trường THCS Cư Đrăm). Vụ việc gây chấn động, hàng trăm người dân tụ tập theo dõi Cơ quan chức năng đào đất, vớt thi thể các em.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết, khi lực lượng chức năng đào hố cát lên, thi thể 5 học sinh đã trương phình, bốc mùi hôi thối. Các em được đào lên trong tư thế ngồi, nằm chồng lên nhau. Trong những thi thể đó có người mặt quần, người ở trần, bên ngoài không có dấu hiệu của sự tác động ngoại lực. Anh Y Phơm Knul, công an viên buôn Cư Đrăm cho biết, cơ quan chức năng đã đào hố cát hơn 1m mới mang được thi thể cuối cùng ra ngoài.
Vị trí tìm thấy xác 5 học sinh. |
Có khả năng do sập hố cát
Thầy Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, trường nắm hung tin của 3 học sinh Hùng, Bàng, Bình vào sáng ngày 13-3, khi nhận được tin báo có học sinh tử nạn tại bờ suối nên lãnh đạo trường đã ra hiện trường và xác nhận 3 trong số 5 em là học sinh của trường. Theo thầy Thạch, vào sáng thứ 3 (ngày 11-3) 3 học sinh này đi học bình thường, đến chiều không có lịch học nên các em nghỉ học, đến sáng thứ 4, thì không thấy các em nữa.
Ban giám hiệu trường cứ nghĩ là các em có việc ở nhà nên vắng mặt, đến sáng ngày 13- 3 thì mới biết là các em đã tử nạn. Còn thầy Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng trường THCS Cư Đrăm xác nhận các em học sinh vắng mặt tại trường bắt đầu từ chiều ngày 11-3. Cũng theo lãnh đạo 2 nhà trường, nhà các em ở xa trường nên phải ở trọ để học. Khu trọ là những căn nhà mà phụ huynh các em mượn đất của người dân rồi dựng lều cho các em có chỗ ăn, ở.
Bà Trần Thị Bằng, chủ trọ nơi các em ở cho biết, nhiều năm nay, vì thương các em đi học xa nhà nên bà cho mượn đất để dựng lều đi học, chỉ thu mỗi tháng 50 nghìn đồng tiền điện, nước. Thường ngày, bà hay đôn thúc các cháu học hành. Tính từ trưa ngày 11-3 đến lúc phát hiện vụ việc, những em học sinh này đi đâu không rõ, còn bà Bằng chỉ nghĩ là các em đi đào trầm, vì trước đó bà có nghe các em nhắc đến chuyện này.
Còn em Hoàng Văn Sơn, H/S lớp 8 trường THCS Cư Đrăm, trọ gần chỗ trọ của 5 học sinh trên, cho biết, gặp các nạn nhân lần cuối vào trưa ngày 11-3. Lúc đó, một trong các học sinh trên đã rủ những người trong khu trọ gần đó đi tắm suối nhưng không có ai đi, sau đó mất tích. Sơn cứ nghĩ là các bạn về nhà chứ không nghĩ bị chết vùi trong cát. Còn một số người dân sống xung quanh vị trí mà các em tử nạn cho biết, khu vực này có rất nhiều các em học sinh người đồng bào DTTS đến tắm sông.
Thân nhân của các học sinh vật vã thương tiếc. |
Theo chị Dèm Thị Tùng, chị họ của em Bằng cho biết, gia đình gặp Bằng lần cuối cùng vào ngày thứ 7 (ngày 8-3), sau đó, Bằng lên trọ ở lại để đi học. Sáng ngày 13-3, gia đình nhận được cuộc điện thoại của cô bạn gái của bằng, nói Bằng gửi điện thoại 2 ngày nay để đi tắm sông cùng bạn nhưng không thấy Bằng về phòng. Cùng ngày, gia đình Bằng nhận được tin của người dân báo có xác chết bị vùi lấp dưới hố cát nên đến xem thực hư. “Thằng Bằng kìa, nó chết rồi. Trời ơi sao nó lại thế này”, chị Tùng nhớ lại lúc gia đình xác nhận thi thể của Bằng khi được đào dưới cát lên.
Ông Ama Nho, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết, hố cát đã vùi lấp 5 em học sinh đã có từ trước. Theo ông Nho, con sông Krông Bông nhiều năm nay có rất nhiều em học sinh đến tắm. Lúc tắm xong, các em vào bờ sông để đào cát chơi nên hố hình thành từ đó. Ông Nho nhận định: “Khi 5 học sinh này tắm xong, các em vào hố cát bên bờ sông chơi, hoặc để nghỉ mát, không biết làm thế nào thì hố cát sập, dẫn đến tử nạn”. Ông Nho cũng cho biết, trong ngày 13-3, sau khi CQĐT hoàn tất các thủ tục khám nghiệm, một đoàn cán bộ bao gồm công an, viện kiểm sát đã có mặt tại trụ sở UBND xã Cư Đrăm để thông tin ban đầu về vụ việc cho lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc.
Thượng tá Đỗ Thanh Toàn, Phó thủ trưởng CQĐT CAH Krông Bông xác nhận có vụ việc như Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm đã nói. Theo thượng tá Toàn, sau khi khám nghiệm, cũng như nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn, cơ quan công an bước đầu nhận định có thể sập hầm cát, dẫn đến việc các em tử nạn. “Hiện CQĐT Công an tỉnh đang phối hợp với CAH. bán sát địa bàn để tiếp tục nắm bắt, thu thập thông tin để điều tra, làm rõ… Vụ việc đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu của tội phạm”, thượng tá Toàn nói.
Áo quần cháu Bình, Phong vứt ngổn ngang trước khi đi tắm sông. |
“Mẹ đã kịp đón con đâu mà con đã vội ra đi”
Ông Ama Nho cho biết, gia đình 4 học sinh của xã đã tử nạn có hoàn cảnh rất khó khăn. Do trường xa, nhà nghèo nên các em phải mang lương thực để tự túc ăn uống, sinh hoạt trong những ngày đi học. Cuối tuần, các em về nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, trước khi quay lại trường vào ngày đầu tuần. Cũng theo ông Nho, tại địa phương, các em nổi tiếng chăm ngoan, không gây điều tiếng ở buôn, xã.
Thôn Yang Hanh và thôn Ea Lueh (xã Cư Đrăng) nằm sát cạnh nhau, đây là nơi mà gia đình các em Bình, Bàng, Phong, Vinh ở, hiện chìm trong không khí tang tóc. 4 nhà cách nhau hơn 150m, cùng gánh chịu nỗi đau mất người thân. Con đường sỏi đá dẫn vào trục đường chính của 2 thôn đông người nhưng chẳng có tiếng nói, cười. Người dân ở mọi ngã đường tụ tập vào 4 ngôi nhà để phụ giúp gia đình lo tang lễ. Không ai lên tiếng, chỉ biết lặng nhìn cúi mặt khóc thương cho 4 cháu “ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó”.
Tính đến ngày 14-3, UBND tỉnh Đắc Lắc hỗ trợ mỗi gia đình có học sinh tử nạn 4 triệu đồng, Sở Giáo dục- Đào tạo hỗ trợ 3 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 2 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ 1 triệu đồng, UBND xã 1 triệu đồng |
Trước hiên nhà nhà rộng 30m2 của chị Mai Thị Nga, mẹ em Vinh, đã có người chuẩn bị xe cày để chiều “tiễn” Vinh về nghĩa địa. Chị Vinh có 6 người con, trong đó vinh là con thứ 3, cũng là con trai duy nhất trong gia đình. “Sáng thứ 2 (ngày 10-3), tôi chở Vinh lên trường học. Lên trường, cháu nó dặn tôi chiều thứ 7 lên đón về để Vinh phụ làm rẫy cho bố mẹ. Trước lúc phát hiện xác cháu khoảng 1 tiếng đồng hồ, tôi có nhận điện thoại của bạn Vinh nói cháu mất tích 2 ngày nay, đồng thời bảo vợ chồng tôi đi tìm. Trong lúc thu dọn đồ đạc thì có người báo có xác chết, nói tôi lên kiểm tra. Thằng Vinh con tôi nó nằm chết dưới hố cát, tôi nhận ra bởi nó mặc bộ đồ tôi vừa mới mua. Trời ơi, Vinh con tôi, mẹ đã lên chở con về phụ làm rẫy đâu mà con đã vội ra đi”, chị Nga ngất lịm.
Cách nhà chị Nga 50m, căn nhà của chị Liệu Thị Mùa, mẹ của cháu Phong, liêu xêu trong tiếng khóc than ai oán. Chị Mùa vật vã ôm cỗ quan tài đựng xác con, miệng liên tục rên ra “Con ơi. Sao con bỏ mẹ mà đi”. Cháu Lý Thị Mỵ, chị gái Phong, cho biết 2 ngày nay, mẹ Mùa không ăn cơm, cứ ngồi bên xác con để khóc, còn bố Phong, cũng chỉ biết ngồi bên vợ khóc cùng. Mỵ kể, “cuối tuần vừa rồi, Phong có về nhà làm rẫy, xong việc thì lên trường học. Khi đi, Phong có hứa cuối tuần sẽ lại về nhà để đi làm thuê kiếm tiền trang trải việc học. Nó chưa về thì gia đình nghe tin, tội nghiệp Phong”, Mỵ than. Cách nhà cháu Phong 10 bước chân là nhà chị Vàng Thị Mỵ, mẹ cháu Bằng. Chị Mỵ ngồi trệt giữa nền ôm con gái khóc. Xác cháu Bằng vừa được gia đình đưa đi chôn vào buổi sáng. Gặp chúng tôi, chị Mỵ chỉ nói đúng 1 câu: “Con tôi đâu rồi”.
Hữu Phúc