5 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Đánh giá về vai trò của ngành CNHT, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng nhấn mạnh ngành này phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ phát triển và tăng sức cạnh tranh, làm cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất thành phẩm cuối cùng ít phụ thuộc vào nhập khẩu, tăng hiệu quả của dự án đầu tư...
Sản xuất sợi vải tại Tổng Cty Dệt may Hòa Thọ phục vụ ngành công nghiệp dệt may. |
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương TP Đà Nẵng), trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, CNHT trên địa bàn TP đã thu hút được một số dự án đầu tư mới, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện, bộ phận, phụ tùng, nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh đã nâng tổng số DN CNHT hiện có trên địa bàn TP lên con số 115 DN. Trong đó, lĩnh vực CNHT ngành dệt may, da giày có 21 DN; ngành điện tử, thiết bị điện có 15 DN; ngành lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải khác có 18 DN; ngành cơ khí chế tạo máy có 52 DN; ngành công nghiệp công nghệ cao có 3 DN… Tuy nhiên, đa phần các DN CNHT trên địa bàn TP có quy mô vừa và nhỏ, chỉ chiếm tỷ trọng 7,2%/tổng số DN toàn ngành CN của TP. Nhìn chung, số lượng DN hoạt động trong các lĩnh vực CNHT trên địa bàn TP còn khiêm tốn.
Nhằm mục tiêu phát triển CNHT thành một trong những ngành kinh tế quan trọng trong thời gian đến, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của TP, thu hút lao động, thúc đẩy xuất khẩu…, ngày 21-11 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển CNHT trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo nghị quyết này, mục tiêu đến năm 2025, CNHT của TP có trên 150 DN, trong đó, có ít nhất 10% DN trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị CNHT chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút ít nhất 1 công ty hoặc tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Đến năm 2030, CNHT của TP có trên 300 DN, trong đó, có ít nhất 15% DN trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị CNHT chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trên mỗi lĩnh vực CNHT thu hút được ít nhất 1 công ty hoặc tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Tầm nhìn đến năm 2045, CNHT của TP sẽ gia tăng số lượng các công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng; tăng tỷ lệ đóng góp của CNHT vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng số lượng các DN CNHT nội địa tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia và chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết: Để đạt được các mục tiêu nói trên, TP đề ra 5 nhóm giải pháp sau đây: thứ nhất, là đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, ưu tiên CNHT. Thứ hai, trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẩn trương triển khai xây dựng và phê duyệt quy hoạch phân khu công nghệ cao; sớm hoàn thiện khu đô thị phục vụ công nghệ cao nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp; quy hoạch, hình thành các phân khu chức năng dành riêng cho phát triển CNHT trong các KCN, nhất là KCN mới; khuyến khích hình thành các tổ hợp “không gian sáng tạo”, trong đó, ưu tiên nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm CNHT mới; hoàn thành và sớm đưa vào hoạt động Khu CNHT Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để liên kết ngành, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và thu hút các dự án đầu tư phát triển sản phẩm CNHT. Thứ ba, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương, TP sẽ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CNHT, trong đó, có chính sách ưu đãi về mặt bằng, xử lý môi trường, chính sách đào tạo và thu hút lao động kỹ thuật bậc cao, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư… Thứ tư, là nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN CNHT của TP bằng cách tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho DN CNHT và chế biến, chế tạo ưu tiên nhằm tạo sự bức phá về hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN CNHT. Cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và liên kết phát triển CNHT thông qua việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục đầu tư, đăng ký DN trên lĩnh vực CNHT; củng cố và nâng cao vai trò của các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề và các đơn vị có liên quan trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ, liên kết DN; khuyến khích DN CNHT tham gia các hiệp hội cùng ngành trong khu vực và trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy kết nối, tìm kiếm thị trường và hợp tác, phát triển…
PHÚ NAM