54 năm nằm giữa lòng đất Quảng

Thứ tư, 30/12/2020 20:00

Cuối tháng 12-2020, tôi nhận được thông tin của anh Phạm Văn Danh - Viện trưởng VKSND H. Quế Sơn, Quảng Nam với giọng đầy xúc động: "Đúng ngày Tết Dương lịch 2021 sắp tới, tôi được gia đình Liệt sỹ Vũ Văn Bính mời ra quê hương tại Đồ Sơn, Hải Phòng để bày tỏ sự tri ân sau 54 năm nhận được thông tin về Liệt sỹ đã được gia đình tôi cùng bà con chòm xóm chăm sóc, chở che và đưa vào Nghĩa trang Liệt sỹ tại xã Quế Long, Quế Sơn...". Thông tin làm tôi thật xúc động, tôi quyết định phải tìm hiểu về câu chuyện này...

Ông bà Phạm Đích, Hồ Thị Hạnh cùng con trai Phạm Văn Danh bên di ảnh của Liệt sĩ Vũ Văn Bính. 

Không qua khỏi cơn sốt rét rừng

Trong căn nhà nhỏ dưới chân đèo Le của dãy núi Hòn Tàu, tại thôn Lộc Thượng, Quế Long, Quế Sơn, câu chuyện về Liệt sỹ Vũ Văn Bính sau 54 năm gia đình mới nhận được thông tin về nơi chôn cất cứ hiện dần qua lời kể của ông bà Phạm Đích và Hồ Thị Hạnh năm nay đã bước qua tuổi 90, là ba mẹ của anh Phạm Văn Danh.

Quế Long là vùng tranh chấp ác liệt giữa ta và Mỹ-ngụy. Vùng đất này được người dân ví rằng có hai chế độ "ban ngày là quốc gia, ban đêm là cộng sản". Mỹ-ngụy thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét nhằm tấn công tiêu diệt căn cứ Hòn Tàu của Đặc Khu ủy Quảng Nam và cắt đứt các con đường giao thông liên lạc của cách mạng từ dãy Trường Sơn về đồng bằng... Người dân vùng Sơn Khánh giàu truyền thống cách mạng, ngay như trong gia đình ông Phạm Đích đã có hai Liệt Sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là bà nội và mẹ ruột ông. Bản thân ông Phạm Đích và bà Hồ Thị Hạnh đều là những cán bộ tham gia cách mạng từ thời đánh Pháp tại địa phương. Vào giai đoạn giữa những năm 60, bộ đội ta thường tổ chức những chuyến công tác từ các căn cứ trên dãy Trường Sơn về xây dựng cơ sở ở đồng bằng qua vùng Sơn Khánh.

Một buổi chiều tháng 4-1966, bà Hồ Thị Hạnh đi làm ruộng ở khu vực khe núi Hốc Chùa trở về nhà bất ngờ phát hiện một chiến sĩ bộ đội nằm ngất lịm trong lùm cây rậm. Nhìn trang phục và tư trang anh chiến sỹ mang, bà Hạnh nhận ngay ra là bộ đội quân giải phóng. Anh bộ đội nằm ngất thiếp đi nhưng cơ thể vẫn nóng hầm hập, bà Hạnh hiểu rằng anh đang lên cơn sốt nặng. Kéo vội những nhành cây che kín anh bộ đội, bà Hạnh tất tả chạy về gọi ông Phạm Đích chuẩn bị võng, trời vừa sẩm tối vội vã khiêng anh về nhà mình. Trong nhà có bà Phạm Thị Đáng là em ruột ông Đích làm y tá của xã, sau khi khám biết anh đang lên cơn sốt rét ác tính rất nguy hiểm. Bà Đáng vội vã chạy khắp nơi tìm thuốc để tiêm cho anh cắt cơn sốt rét. Việc chăm sóc anh phải hết sức bí mật, bởi nếu lộ ra, bọn Mỹ-ngụy sẽ tổ chức bao vây, lùng quét sát hại anh và ngay cả gia đình ông Đích. Cả gia đình tập trung chăm sóc anh, nhưng trong điều kiện phải bí mật, thiếu thốn thuốc men, gần 10 ngày sau người chiến sĩ đã không qua khỏi cơn sốt rét rừng quái ác. 

Gia đình ông Đích, bà Hạnh cùng một số bà con chòm xóm bí mật chôn cất anh chiến sĩ ngay trong vườn nhà. Xem xét trong tư trang người chiến sĩ, cùng với quần áo quân giải phóng, còn có thư, ảnh, khăn mùi xoa thêu người yêu anh tặng ngày lên đường nhập ngũ. Qua giấy tờ được biết người chiến sĩ tên là Vũ Văn Bính, sinh năm 1943, quê quán tại khu Quyết Tiến, thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, cấp bậc Trung sĩ, thuộc Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Thời gian tiếp theo, gia đình ông Đích tìm cách liên hệ với đơn vị của người chiến sĩ, nhưng chưa có dịp.

Khoảng tháng 5-1967, trong lần lên làm ruộng trên khe núi, gia đình ông Đích lại phát hiện một chiến sĩ bộ đội nằm trên rừng cũng đang lên cơn sốt rét, rồi đưa về nhà chữa trị. Mấy hôm sau, Mỹ-ngụy tổ chức càn quét, gia đình phải sửa lại căn hầm bí mật ngay trong nền nhà mình, đưa anh xuống trú ẩn. Sức khỏe tạm hồi phục, anh cho biết tên là Nguyễn Bá Khải, quê ở Hưng yên, cũng là bộ đội Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, đóng quân tại khu vực Hiệp Đức, Quảng Nam, đang đi công tác về đồng bằng, bất ngờ lên cơn sốt rét, phải tìm nơi trú ẩn, không theo kịp tổ công tác của đơn vị. Gia đình ông Đích kể về trường hợp của chiến sĩ Vũ Văn Bính cho chiến sĩ Khải biết khi trở về đơn vị, một thời gian sau Trung đoàn 31 đã cử cán bộ đại diện tìm về nhà ông Đích, nghe kể lại câu chuyện trường hợp chiến sĩ Bính, vẽ sơ đồ mộ chí, nhận lại tư trang của chiến sĩ Bính để chuyển về gia đình và làm giấy báo tử.

Mộ Liệt sĩ Vũ Văn Bính đã được gia đình ông Phạm Đích di dời vào Nghĩa trang xã Quế Long.

Ngày gặp lại

Sau giải phóng miền Nam 1975, mãi đến năm 1978, Trung đoàn 31 lại cử cán bộ đại diện về gia đình ông Đích, tổ chức lập bia mộ cho Liệt sĩ Vũ Văn Bính và hẹn thời gian sau  sẽ chuyển hài cốt Liệt sĩ về quê hương. Thế nhưng mấy chục năm sau, có thể đơn vị của Liệt sĩ đã giải thể hoặc thất lạc thông tin, gia đình ông Đích vẫn không nhận được tin tức gì về người thân hay đơn vị Liệt sĩ. Từ ngày Liệt sĩ mất đến nay, gia đình đã lập bàn thờ Liệt sĩ ngay tại gia đình, thắp hương, cúng giỗ vào dịp ngày Thương binh -Liệt sĩ 27-7 cùng các Liệt sĩ là người thân trong gia đình. Ông Đích bảo, cả hai ông bà tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu, các con lại đi làm việc, công tác xa, đến năm 2012, ông Đích báo cáo Huyện đội Quế Sơn và UBND xã Quế Long, gia đình chuẩn bị mọi thủ tục di dời, đưa Liệt sĩ Vũ Văn Bính vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quế Long.

Trở lại câu chuyện của anh Phạm Văn Danh, ngay từ nhỏ anh đã biết được câu chuyện về Liệt sĩ Vũ Văn Bính, nhưng từ năm 1972, anh đã được tổ chức đưa ra miền Bắc học tại Trường học sinh miền Nam tại Chí Linh, Hải Dương, rồi tiếp tục theo học ngành Kiểm sát, trở thành một cán bộ ngành KSND đến tận hiện nay. Bận công tác ở nhiều địa phương, anh Danh cũng không có điều kiện liên hệ tìm kiếm thông tin về thân nhân gia đình liệt sĩ Vũ Văn Bính. Năm 2019, khi trở về công tác tại quê hương Quế Sơn, anh Danh liên tục nhờ đăng thông tin về Liệt sĩ Bính lên các phương tiện thông tin, báo chí. Cuối  năm 2019, Thành đội Hải Phòng nhận được thông tin về Liệt sĩ Vũ Văn Bính, đã  về thị xã Đồ Sơn xác minh nắm được, gia đình Liệt sĩ cũng chỉ còn những người cháu nội và cháu ngoại Liệt sĩ, trong đó có cháu ngoại là anh Đinh Xuân Hiệp, hiện là Phó Chủ tịch HĐND phường Văn Hương, thị xã Đồ Sơn;  cháu ruột nội là anh Vũ Văn Túy-hiện đang làm việc tại Thụy Điển...

Đầu năm 2020, các cháu nội, ngoại của Liệt sĩ Bính đã vào Quế Long, Quế Sơn thăm mộ Liệt sĩ, bày tỏ lòng tri ân với gia đình ông Phạm Đích bà Hồ Thị Hạnh, ba mẹ anh Phạm Văn Danh. Vậy là sau 54 năm, người thân của Liệt sĩ Bính đã tìm về được nơi liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh và nằm lại giữa lòng đất quê hương Quảng Nam trung dũng kiên cường,  giữa tình thương yêu của cán bộ, nhân dân vùng quê cách mạng anh hùng.

Hồng Thanh