6 Luật chính thức có hiệu lực thi hành trong tháng 1-2022

Thứ tư, 29/12/2021 11:34

Từ ngày 1-1-2022, 6 Luật chính thức có hiệu lực thi hành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Bảo vệ môi trường; và Luật Phòng, chống ma túy.

Luật Biên phòng Việt Nam là 1 trong 6 Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17-11-2020. Luật này gồm 16 Chương, 171 Điều với các điểm mới quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất của Luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Hiện nay, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 1-1-2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.

Vi phạm giao thông, người dân bị phạt đến 75 triệu đồng

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13-11-2020, gồm 3 điều: Điều 1 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có 75 khoản); Điều 2 - Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14); Điều 3 - Hiệu lực thi hành.   Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Tại khoản 10 Điều 1 có quy định mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ là 75 triệu đồng.

 Siết chặt quy định về xuất khẩu lao động

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2020, gồm 8 Chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, Luật có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài...

Đáng chú ý, Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30-3-2021, gồm 8 chương 55 điều. So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới như: Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương III) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương IV); Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp. Và bổ sung các quy định về cai nghiện ma túy.

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân

Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 11-11-2020, gồm 6 chương, 36 điều. Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Cụ thể, Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng; vị trí, chức năng của BĐBP; nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP.

 Luật Biên phòng Việt Nam cũng đã đưa ra khái niệm của hai thuật ngữ quan trọng là "Nền biên phòng toàn dân" và "Thế trận biên phòng toàn dân".

Tạo cơ sở pháp lý trong thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12-11-2020. Luật gồm 2 điều và 1 Phụ lục kèm theo.

 So với Luật Thống kê năm 2015, Luật sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d, khoản 2 Điều 48 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13.

P.V