8 năm nắm quyền đầy thử thách của ông Abe

Thứ hai, 31/08/2020 16:54

Chưa đầy 1 tuần sau khi trở thành vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục lâu nhất Nhật Bản, hôm 28-8, ông Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Công việc 8 năm qua của ông bắt đầu khi đất nước đang tìm kiếm vị thế trong một trật tự thế giới mới: Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản trở thành cường quốc thương mại chính của Châu Á và nền kinh tế số 2 thế giới.

Phục hồi tăng trưởng, hoặc ít nhất là ngăn chặn đà trượt dốc của kinh tế đã trở thành mục tiêu chính của ông Abe trong thời gian làm lãnh đạo Nhật Bản. Cũng như tất cả các nhà lãnh đạo chính trị khác, 8 năm làm Thủ tướng của ông Abe có thành công, có thất bại, và có những cơ hội bị bỏ lỡ. Nhưng khó có người kế nhiệm nào có thể thành công trong việc đưa nước Nhật ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế như dưới thời của ông.

Người dân Nhật Bản theo dõi cuộc họp báo từ chức của ông Abe ở Tokyo hôm 28-6. Ảnh: CNN

Abenomics và Womenomics

Thủ tướng Abe, người đang giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), đã lên nắm quyền nhiệm  kỳ thứ hai vào tháng 12-2012 sau khi LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện. Khi đó, nước Nhật đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế sau nhiều thập kỷ trì trệ.

Ông đã triển khai chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics với 3  mục tiêu: kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ. Các đồng minh cho rằng, Abenomics giúp phục hồi nền kinh tế và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư. “Nhật Bản không còn là Nhật Bản của quá khứ”, ông Abe nói vào tháng 1-2020 và nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đã thành công trong việc phá vỡ hoàn toàn “bức tường từ chức”. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, thành công của Abenomics phần lớn chỉ nằm ở việc tránh để nền kinh tế tiếp tục suy giảm, chứ chưa thể thúc đẩy một sự bùng nổ lớn, và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn dễ bị tổn thương trong suốt thời gian ông Abe nắm quyền. Nhật Bản hiện đang chìm sâu hơn vào suy thoái khi đại dịch Covid-19 tấn công trong năm nay.

Một vấn đề đã khiến Abe phải đau đầu trong thời gian ông nắm quyền là dân số già đi nhanh chóng. Hơn 1/3 dân số Nhật Bản trên 65 tuổi và quốc gia này có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục mới vào năm 2019. Nhân khẩu học suy giảm đồng nghĩa với việc lực lượng lao động bị thu hẹp, trong khi dân số già cần được chăm sóc sức khỏe và trả lương hưu. Dù vậy, ông Abe vẫn không nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt chẽ của đất nước, điều có thể thúc đẩy lực lượng lao động. Tuy nhiên, ông đã đưa ra chính sách Womenomics với mục tiêu hướng tới “Nhật Bản, nơi phụ nữ có thể tỏa sáng”, từng bước thu hẹp khoảng cách trong lực lượng lao động giữa nam và nữ.

Đối ngoại...

Về mặt ngoại giao, thành tựu của ông Abe cũng rất khác nhau. Ông vun đắp mối quan hệ bền chặt với Washington - đồng minh truyền thống của Tokyo - và cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân rất tốt với Tổng thống Trump.  Trong cuộc gặp “không chính thức” với ông Trump khi cựu Tổng thống Barack Obama vẫn còn đương nhiệm, ông Abe ca ngợi liên minh Mỹ-Nhật và nói rằng ông muốn “xây dựng lòng tin” với tổng thống mới. Ông ủng hộ mạnh mẽ đường lối cứng rắn của ông Trump đối với Triều Tiên. Vun đắp mối quan hệ cá nhân với ông Trump được cho là một trong những lý do lớn nhất khiến Nhật Bản có thể tránh được cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nhưng khi mối quan hệ của Washington với Bình Nhưỡng nghiêng về ngoại giao, với việc cả ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, ông Abe dường như bị bỏ rơi. Di sản của Thế chiến II, trong đó quân đội Nhật Bản xâm lược nhiều nước láng giềng và tiến hành các tội ác chiến tranh, từ lâu đã làm xấu đi mối quan hệ của Tokyo ở Đông Á.

Nhiều nước trong khu vực - cũng như một số người ở Nhật Bản - phản đối việc ông Abe muốn viết lại hiến pháp hòa bình thời hậu chiến, cho phép Tokyo có nhiều thời gian hơn để xây dựng quân đội Nhật Bản và tham gia vào các hoạt động ở nước ngoài. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Abe đã đến thăm đền Yasukuni, được Trung Quốc và Triều Tiên coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản, đã thổi bùng lên cơn bão chỉ trích và lên án giữa các nước láng giềng. Trong suốt thời gian cầm quyền, tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn sôi sục, mặc dù ông Abe đã tổ chức một cuộc điện đàm lịch sử với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018, một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Trong khi đó, mối quan hệ với đồng minh truyền thống Hàn Quốc đã xấu đi, với một cuộc tranh cãi ngoại giao lớn dẫn đến việc chấm dứt các giao dịch thương mại và chia sẻ tình báo quân sự.

...và đối nội

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh đã giành thắng lợi trong 6 cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Abe đã liên tục giảm, một phần do sự ứng phó chậm chạp và thiếu quyết liệt của Chính phủ trước sự bùng phát của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, những lùm xùm xung quanh chương trình cấp khẩu trang vải miễn phí cho các hộ gia đình để phòng chống dịch Covid-19 (thường được gọi là Abenomask) cũng gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của Thủ tướng Abe.

Một trong những thành tựu lớn trong nước của ông Abe là giành quyền đang cai Thế vận hội Tokyo 2020, nhưng cuối cùng đã phải hoãn lại đến năm 2021 do đại dịch. Việc không chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức Thế vận hội một phần được cho là do phản ứng mờ nhạt của Nhật Bản đối với đại dịch. Hôm 28-8, trong bài phát biểu từ chức, ông Abe cho rằng, Nhật cần phải hoàn thành trách nhiệm của mình. “Người kế nhiệm của tôi sẽ tiếp tục hoàn thành trách nhiệm đó bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nhà tổ chức. Có nhiều vấn đề mà chúng tôi cần giải quyết”, ông Abe nói.

Ngoài ra, uy tín của ông Abe cũng giảm sút do tác động của các vụ bê bối liên quan tới một số bộ trưởng trong nội các, trong đó đáng chú ý là nghi án mua phiếu bầu trong cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7-2019 của vợ chồng cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai và vụ bắt giữ Hạ nghị sĩ Tsukasa Akimoto của LDP với cáo buộc nhận hối lộ từ một doanh nghiệp Trung Quốc.

AN BÌNH

Ông Yoshihide Suga - ứng viên số 1 thay thế Thủ tướng Abe

Ông Yoshihide Suga Ảnh: Kyodo 

Kyodo ngày 30-8 dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết: Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ ra tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền để trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Suga, người được coi là “cánh tay phải” của Thủ tướng Abe, đã giữ vị trí Chánh Văn phòng Nội các kể từ khi Thủ tướng Abe quay trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012. Trong thời gian qua, chính trị gia này đã nhiều lần phủ nhận khả năng trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Abe khi nói ông “chưa bao giờ nghĩ về nó”. Trên blog của mình, hôm 29-8, ông Suga chỉ viết sẽ làm hết sức mình để thực thi trách nhiệm bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Abe từ chức, ngày càng có nhiều thành viên cấp cao trong nội bộ LDP đã bày tỏ mong muốn ông Suga sẽ ra tranh cử để kế nhiệm Thủ tướng Abe và tiếp tục thực hiện các chính sách của ông, trong đó có các biện pháp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

LDP dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp của Hội đồng chung vào ngày 1-9 để quyết định thời điểm và cách thức tổ chức bỏ phiếu bầu chủ tịch mới. Cho đến nay, các phe phái trong LDP vẫn đang quan sát lẫn nhau và chưa có phái nào giới thiệu ứng cử viên ra tranh cử chức chủ tịch đảng. Nhiều khả năng các ứng cử viên chỉ chính thức công bố ý định tranh cử sau ngày 1-9.

B.N