80 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt xung đột Ukraine - Nga
Kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh tại Thụy Sĩ, 80 trong số hơn 90 quốc gia ngày 16-6 đã ký vào tuyên bố chung kêu gọi các bên đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua giữa Nga và Ukraine.
Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên", tuyên bố chung nêu rõ. Văn bản tái khẳng định cam kết của các bên ký kết về việc "kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Tuyên bố chung cũng kêu gọi trao đổi toàn diện tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em bị trục xuất. Tuyên bố chung nói rằng, "sự tham gia hơn nữa của đại diện tất cả các bên" là cần thiết, đồng thời nhấn mạnh sự thiếu điểm chung của các bên tham gia hội nghị về câu hỏi: Ukraine và Nga nên tìm cách đàm phán hòa bình khi nào và như thế nào.
Một số nhà lãnh đạo thế giới đang kêu gọi đàm phán và thỏa hiệp giữa các bên tham chiến. Ấn Độ, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác đã nhắc lại thông điệp đó tại hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ quan điểm rằng, một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine chỉ có thể đạt được khi Nga rút quân hoàn toàn. Ông nói với các phóng viên hôm 16-6, một khi cộng đồng quốc tế xây dựng một kế hoạch hòa bình dựa trên kết luận của hội nghị thượng đỉnh, "kế hoạch này sẽ được chuyển cho các đại diện của Nga". Khi được hỏi về triển vọng đàm phán, ông nói: "Nga có thể bắt đầu đàm phán với chúng tôi vào ngày mai mà không cần chờ đợi bất cứ điều gì nếu họ rút hết quân khỏi lãnh thổ của chúng tôi". Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hôm qua cũng thừa nhận sự cần thiết phải đối thoại với Nga để chấm dứt xung đột. "Tất nhiên, chúng tôi hiểu rất rõ rằng sẽ đến lúc cần phải đàm phán với Nga", nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine nói.
Trong khi đó, theo tuyên bố từ phía chính phủ Thụy Sĩ, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, 12 quốc gia và tổ chức tham dự hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức đã từ chối ký thông cáo chung kết thúc hội nghị. Theo danh sách, Armenia, Brazil, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nam Phi và UAE nằm trong số các quốc gia không ký tuyên bố chung, cũng như 4 tổ chức bao gồm Liên hợp quốc và OSCE.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud phát biểu về vấn đề này cho rằng, việc giải quyết tình hình ở Ukraine cần phải có sự hiện diện của Nga, do đó mọi tuyên bố tại Hội nghị không có Nga là “vô nghĩa”. Ấn Độ cũng giải thích lý do từ chối ký tuyên bố chung, cho rằng chỉ có “sự tham gia chân thành và thực tế” liên quan đến xung đột Ukraine mới có thể dẫn đến giải pháp. Theo Đài RT, Ấn Độ lưu ý nước này chỉ hiện diện trong các phiên họp toàn thể khai mạc, bế mạc và không liên kết với bất kỳ thông cáo hoặc tài liệu nào có trong sự kiện. Đại diện Ấn Độ Pavan Kapoor nhấn mạnh chỉ có các giải pháp được cả hai bên chấp thuận mới có thể đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine. Ấn Độ cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác với cả Nga và Ukraine cùng các bên liên quan khác “để đóng góp vào mọi nỗ lực nghiêm túc nhằm mang lại hòa bình sớm và lâu dài”.
Nga, quốc gia không được mời tham dự sự kiện này, đã mô tả hội nghị này là vô nghĩa. Theo Moscow, Kiev và các quốc gia phương Tây không muốn xem xét các điều khoản của Nga. Hội nghị chủ yếu xoay quanh công thức hòa bình gồm mười điểm do nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất. Moscow đã kiên quyết bác bỏ đề xuất này. Hôm 14-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu các điều kiện để đạt lệnh ngừng bắn, song cả Kiev và phương Tây đã bác bỏ hoàn toàn các điều kiện này.
AN BÌNH