Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine?
Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ đã nói những lời trực tiếp mạnh mẽ nhất của mình về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, thể hiện một sự quay trở lại với nền tảng cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Phát biểu trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng,Tổng thống Trump cho biết đã chấp thuận việc Mỹ chuyển thêm vũ khí cho Ukraine, chủ yếu là vũ khí phòng thủ, để giúp nước này tăng cường năng lực phòng vệ. Ông cũng khẳng định Mỹ sẽ giúp các nhà thầu quốc phòng tăng cường sản xuất khí tài quân sự. "Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí", Tổng thống Mỹ nói về Ukraine vào ngày 7-7. "Chúng tôi phải làm vậy - họ phải có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất mạnh".
Đằng sau ông, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth gật đầu, mặc dù tuyên bố này mâu thuẫn với thông báo của chính quyền vài ngày trước đó về việc dừng các chuyến hàng quân sự tới Ukraine. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc sau đó cho biết, "theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng đang gửi thêm vũ khí phòng thủ tới Ukraine để đảm bảo người Ukraine có thể tự vệ trong khi chúng tôi nỗ lực bảo đảm hòa bình lâu dài và đảm bảo việc giết chóc chấm dứt".
Sự thay đổi đột ngột này diễn ra vài ngày sau cuộc gọi giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky với ông Trump hôm 4-7, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine cho biết hai người đã nói về việc sản xuất vũ khí chung và phòng không. Ông Zelensky cho biết, Ukraine rất cần thêm tên lửa đánh chặn Patriot, đây là cách duy nhất để bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga và chỉ có Mỹ mới có thể cho phép các giao dịch. Một ngày trước đó, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người đã đề nghị mua Patriot từ Mỹ để cung cấp cho Ukraine. Kết quả là ông Zelensky tuyên bố hôm 5-7 rằng cuộc gọi của ông với Tổng thống Mỹ là "cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất mà chúng tôi có trong suốt thời gian này, cuộc điện đàm hiệu quả nhất".
Tổng thống Trump không tiết lộ cụ thể loại vũ khí nào sẽ được chuyển giao hoặc số lượng là bao nhiêu, nhưng theo Axios, trong cuộc điện đàm với ông Zelensky hôm 4-7, Tổng thống Mỹ cho biết Washington sẽ lập tức gửi 10 tên lửa đánh chặn Patriot. Mỗi tên lửa Patriot được cho là có giá khoảng 4 triệu USD, và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện sản xuất khoảng 500 quả mỗi năm. Tổng thống Trump cũng cam kết sẽ giúp Kiev tìm thêm các nguồn cung đạn dược khác. Ông được cho là đang gây áp lực buộc Đức đóng góp thêm vũ khí cho Kiev, bao gồm cả việc chuyển giao một hệ thống Patriot của Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth được cho là đã xác định các hệ thống Patriot còn khả dụng tại Đức và Hy Lạp mà Mỹ có thể tài trợ và điều chuyển cho Ukraine.Hiện chưa rõ khi nào số tên lửa được hứa sẽ được bàn giao hoặc liệu còn có thêm các đợt viện trợ khác hay không.
Không hài lòng với Nga
Tổng thống Trump bày tỏ không hài lòng với Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine mà ông muốn kết thúc. Phát biểu trước báo chí ngày 8-7 (theo giờ địa phương), Tổng thống Trump cho biết ông "không hài lòng với ông Putin", cho rằng ông đang khiến nhiều người chết, cả quân đội Nga và Ukraine. Ông Trump khẳng định rằng có tới 7.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột này mỗi tuần tại thời điểm hiện tại.
Theo RT, Tổng thống Trump thừa nhận rằng việc giải quyết xung đột Ukraine đã chứng minh là khó khăn hơn ông mong đợi. Ông cũng cho biết ông không nghĩ rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin nghiêm túc trong việc chấm dứt các hành động thù địch. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột giữa Moscow và Kiev trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông Trump đã dần thừa nhận rằng nỗ lực này có thể mất nhiều thời gian hơn so với "24 giờ" mà ông cam kết ban đầu. "Hóa ra là khó khăn hơn", ông Trump thừa nhận, ám chỉ đến những nỗ lực của ông nhằm giải quyết xung đột Ukraine.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đang cân nhắc kỹ lưỡng về việc có hay không ủng hộ một dự luật tại Thượng viện áp đặt các lệnh trừng phạt Nga nghiêm ngặt hơn, trong đó có cả việc trừng phạt những quốc gia khác giao thương với Nga, như áp mức thuế quan 500% đối với các nước mua dầu mỏ, khí đốt, uranium và các mặt hàng xuất khẩu khác của Moscow.
Sự tuyệt vọng của Mỹ
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã tuyên bố dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth được cho là đã tự mình đưa ra quyết định dựa trên kết quả “cuộc đánh giá năng lực”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi đó đã hoan nghênh lệnh đóng băng này, cho rằng nó có thể đưa cuộc xung đột đến gần hơn. Nga đã nhiều lần lên án các chuyến hàng vũ khí của phương Tây tới Ukraine, lập luận rằng chúng chỉ kéo dài tình trạng đổ máu mà không thay đổi được tiến trình và làm tăng nguy cơ leo thang chiến sự rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, ngày 7-7, ông Trump dường như đã đảo ngược lệnh đình chỉ viện trợ quân sự, giải thích rằng Ukraine "đang bị ảnh hưởng rất nặng nề" bởi các cuộc không kích của Nga. Việc ông Trump đảo ngược tình thế có thể đã ngăn chặn sự hoảng loạn về nguy cơ sụp đổ của Ukraine. Trong phát biểu ngày 8-7, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhấn mạnh rằng, Ukraine có thể sụp đổ chỉ trong 3-4 ngày nếu không có vũ khí Mỹ.
Với sự đảo ngược quyết định về viện trợ vũ khí, chỉ sau chưa đầy 6 tháng tại nhiệm, Tổng thống Trump đã quay trở lại với chính sách ban đầu của Mỹ, sau khi đã thử hầu hết mọi cách khác nhau: làm thân rồi chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, bất hòa rồi làm lành với Tổng thống Ukraine Zelensky, và coi thường rồi trở lạiủng hộ châu Âu. Nhưng theo giới phân tích, thời điểm cuộc chuyển hướng mới nhất đã cho thấy tâm lý tuyệt vọng ở thời điểm này về cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoại giao hiện vẫn bế tắc. Washington hiểu ra rằng họ cần giúpUkraine hoặc có nguy cơ bị bẽ mặt toàn cầu.
AN BÌNH