9 đứa trẻ mồ côi

Thứ bảy, 24/05/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Người dân thôn 3 xã Trà Cang,  H. Nam Trà My (Quảng Nam) xót lòng mỗi khi nhắc đến 9 đứa trẻ bơ vơ giữa đời khi bố mẹ chúng cũng vì quá nghèo khó mà bỏ chúng ra đi. Cách nhau một con đồi nhỏ, nếu như 5 chị em nhà Hồ Thị Đáy mỗi ngày gặp nhau được một lần thì ngược lại 4 anh em Hồ Văn Lơm cứ xa nhau biền biệt. Từ khi bố mẹ mất, chúng phải dạt đi tứ xứ để ăn nhờ ở đậu người ta...

Mẹ làm xa, em đừng khóc nữa

Nhìn Hồ Thị Đáy, bất giác, tôi chợt nhớ đến Mị trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ": "Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Đáy không ở trong ngôi nhà của thống lý Pá Tra như Mị, mà là một túp lều xiêu vẹo, được dân làng dựng cho vào cái ngày cô và Hồ Văn Thái dắt díu nhau về làm vợ chồng. "Đám cưới" không có người thân, chỉ có 1 con gà, 1 mâm cơm, vừa tàn tiệc thì mẹ Đáy bỏ cô và 4 đứa em nheo nhóc mà đi vì bạo bệnh. Từ đó đến nay, cô lầm lũi dắt díu 4 đứa em sống như cây cỏ. Nghĩ cũng lạ, 5 chị em có 5 cái tên, mà đọc ra thấy nó đã trúc trắc thế nào: Đáy, Điếu, Điểu, Nghiễu, Nghiêu. Có phải thế mà đời chúng khổ? Thái - chồng Đáy cũng ăn chưa no, lo chưa tới, ai kêu gì làm nấy, còn không thì cứ quanh quẩn vào rừng, ra suối rồi lại về nhà. Chàng thanh niên có vóc dáng của một cậu học trò cấp 2, cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ từ hồi lên năm lên ba.

Nói là nhà chứ thực ra nơi ăn ở của 6 phận người là túp lều xiêu vẹo lợp bằng tre nứa. Tài sản quý nhất bên trong chỉ là hai cái nồi nhôm và nửa bì gạo trợ cấp. "Mấy tháng người trên xã mang gạo đến một lần, thức ăn thì chỉ măng, rau rừng thôi. Bữa nào Thái kiếm được con cá hoặc làm thuê mua được thịt thì cho em ăn, mình lớn rồi ăn gì cũng được", Đáy kể. Nhiều đêm trời mưa, gió quần liên hồi, nghe nhà kêu răng rắc là cả 6 anh chị em phải chạy qua nhà hàng xóm xin ở nhờ. Đang kể chuyện thì đứa em út Hồ Thị Nghiêu (4 tuổi) xé áo chị đòi cơm. Đáy nói, hồi mẹ mới mất, nó khát sữa gào khóc cả đêm, tiếng khóc xé cả núi rừng. Đến khi nó biết đi, biết nói, hỏi "ná" (mẹ) đâu rồi mà không thấy về? Cả ba nữa, người ta có ba, sao Nghiêu không có?. "Em phải nói dối là ba mẹ đi làm rẫy xa lắm, còn lâu mới về. Nó nín khóc, nhưng ngày nào cũng hỏi, tội nghiệp lắm", giọng Đáy buồn buồn.

Bữa cơm trắng nấu từ gạo trợ cấp của chị em Hồ Thị Đáy.

"Các em có được đi học không?", "Em thì làm chị mà như làm mẹ, cũng quá tuổi rồi, học hành chi nữa, còn Điếu, Điêu, Nghiễu được đi học thôi. Nhưng đến mùa đói thì cũng bữa đi bữa không, ra lớp thì cũng không học hành chi được". "Nhưng rồi vợ chồng cũng phải kiếm việc chi làm chứ, chẳng lẽ phải dùng gạo trợ cấp mãi?", "Anh coi em làm được gì, tứ cố vô thân, ruộng nương không có".

Em Hồ Văn Lơm bám lớp với mong muốn được học hành tử tế.

Mong ăn bữa cơm có đủ cả anh em

Cũng ở cái thôn 7 của xã Trà Cang, người ta còn đắng lòng khi kể về 4 đứa trẻ Xê Đăng mồ côi khác, cách nhà chị em Hồ Thị Đáy không xa. Trong 3 năm trời, từ 2008 đến 2010, anh Hồ Văn Nốp và chị Hồ Thị Đì bệnh tật mà chết, để lại 4 con nhỏ là Hồ Văn Lơm, Hồ Văn Lờn, Hồ Văn Lở và Hồ Văn Lẻo. Bơ vơ, cả 4 anh em phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé khi sống bám víu vào bà con lối xóm. Ai cũng thương chúng, nhưng ở cái vùng quê nghèo khó này, không thể nuôi cùng lúc mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Thương nhau, nhớ nhau lắm nhưng chúng sống ly tán mỗi đứa một nơi để nhờ sự cưu mang của mọi người.

Người anh cả Hồ Văn Lơm may mắn được gia đình chị Trần Thị Bích Trâm (thôn 7 xã Trà Cang) nhận về nuôi nấng, chăm sóc và cho đi học đàng hoàng. Hàng ngày, ngoài giờ ra lớp, Lơm phụ giúp "mẹ" Trâm bán hàng tạp hóa và một số việc nhà. Chị Trâm kể, bà Hồ Thị Đì mất cũng vì lao lực, suốt ngày lam lũ với nương rẫy, không phút ngơi tay để lo cho 4 đứa con nhỏ dại. Từ khi mẹ mất, Lơm như bị sốc vì không còn người thân, chỉ còn mấy anh em bơ vơ, bám víu nhau để sống.

"Hồi đó tui cũng khó lắm, có muốn giúp cũng chịu, chỉ nuôi được đứa anh. Ngoài giờ học ở trường, cháu Lơm phụ giúp tôi dọn dẹp nhà cửa và bán hàng tạp hóa. Anh em máu mủ mà, tui mong sao các cơ quan, đoàn thể hoặc các nhà hảo tâm giúp đỡ để chúng nó được đoàn tụ, bảo ban nhau chứ mỗi đứa mỗi nơi tội lắm. Mỗi khi thấy chúng gặp nhau, ôm nhau, người dân ở đây thương đứt ruột", chị Trâm kể. Em kế của Lơm là Hồ Văn Lờn kể từ năm 2010 đến nay sống như cậu bé du mục từ nhà bạn bè qua nhà hàng xóm, vậy nhưng em vẫn quyết bám lấy lớp học. Ngoài giờ học, về sống ở đâu thì em giúp gia đình đó việc nhà, dọn dẹp đồ đạc, cơm nước. Lờn nói rằng, cô giáo dạy muốn thoát cái nghèo, cái khổ thì phải đi học, khổ mấy cũng phải học. Nhắc đến anh em, đôi mắt sâu thẳm của cậu bé Xê Đăng đượm buồn: "Từ ngày ba mẹ chết, chúng con mỗi đứa một nơi. Lâu lắm rồi mấy anh em không được gặp nhau. Cháu ước khi nào cả 4 anh em được ngồi ăn chung một bữa cơm, cơm trắng với rau rừng cũng được. Nhớ anh, thương các em lắm".

Lãnh đạo H. Nam Trà My cho biết, 9 cháu bé thuộc 2 gia đình chịu cảnh mồ côi ở xã Trà Cang là hết sức khó khăn. Nhưng hàng tháng, mỗi cháu cũng chỉ nhận được mức trợ cấp 120 nghìn đồng, còn lại cậy nhờ vào bà con lối xóm. Nhưng ở vùng quê này, nhà ai cũng nghèo, họ thương chúng lắm nhưng khả năng giúp đỡ cũng có hạn.

Qua bài viết này, chúng tôi mong các nhà hảo tâm sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh để các cháu có cuộc sống tốt hơn. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc thông qua Báo Công an TP Đà Nẵng (62- Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng).

Phóng sự: Công Khanh

Trong 2 năm, 3 cháu Nguyễn Tiểu My (1994), Nguyễn Quang Vương Nhi (1997), Nguyễn Quỳnh Anh (2003), trú thôn Tân Hạnh, xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng mất cả mẹ (chị Nguyễn Thị Bích Thủy mất tháng 1-2013), lẫn cha (anh Nguyễn Quang Hồ, đầu năm 2014). Đang học lớp 11 Trường THPT Phan Thành Tài, cháu Nhi sớm trở thành trụ cột gia đình. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, cháu làm thuê mọi việc. Thương em, nhiều lần cháu My (sinh viên năm 2 trường Đại học Y Đà Nẵng) muốn bỏ học nhưng bà con, hàng xóm biết chuyện động viên nên cháu tạm thời dừng lại ý nghĩ đó; còn cháu Anh là học sinh giỏi nhiều năm liền... Qua Báo, 3 cháu rất mong nhận được sự quan tâm từ bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Báo Công an TP Đà Nẵng,  số 62 Phan Châu Trinh - ĐN.

Cháu Nhi trước bàn thờ người cha vừa mất.

A.D