Ngạc nhiên Việt Nam

Thứ tư, 12/11/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Lâu nay vấn đề đầu tư nước ngoài (ĐTNN) luôn là sự quan tâm của mọi quốc gia trên thế giới. Bởi đó không chỉ phản ánh đơn thuần về mặt kinh tế mà là tổng hợp của nhiều yếu  tố để tạo nên sức hấp dẫn của nhà  ĐTNN về: cơ sở hạ tầng, chính sách đầu tư, sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực dồi dào, mối thân thiện của cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp...

Những năm qua, vượt lên những trở ngại cả chủ quan và khách quan, Việt Nam đã từng bước tạo dựng lòng tin của nhà ĐTNN, nhất là các nước trong khu vực Châu Á. Mới đây, phụ trang kinh tế của tờ Le Figaro (Pháp) hôm 11-11 đưa tin là tổ chức mang tên là Asia Business Council (ABC), thành lập năm 2001 có trụ sở đặt  tại Hồng Kông, tập hợp gần 70 doanh nhân đại diện cho các Cty công nghiệp và thương mại làm ăn buôn bán tại Châu Á và hằng năm cho công bố một bài điều tra về môi trường đầu tư trên thế giới.

Trong tài liệu ABC công bố hôm 7-11 vừa qua, nghĩa là trước khi Trung Quốc thông báo một kế hoạch vực dậy kinh tế, thì điều gây ngạc nhiên là năm nay các chủ nhân thuộc nhóm ABC không còn tin tưởng vào Hoa Kỳ để đầu tư. Và nước đứng đầu danh sách vẫn là Trung Quốc, sau đó đến Ấn Độ. Thế nhưng lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng ba, ngay trước Hoa Kỳ là sự kiện gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp trên thế giới.  Trong năm 2006, có gần 80% các doanh nhân được tham khảo ý kiến tuyên bố là trong năm trước họ đã đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng qua năm 2007, tỷ lệ này xuống còn 64% và trong năm 2008 nó đạt mức 61%. Ngược lại tỷ lệ chủ nhân  Châu Á  cho biết,   họ đã đầu tư vào Việt Nam trong năm 2008 tăng 28% so với năm trước.

Theo nhận định của trang điện tử RFI thì: Nguyên nhân đầu tiên mà người ta nghĩ đến là các nước Châu Á cũng đang tìm kiếm những thị trường để sản xuất với giá rẻ. Đối với các quốc gia  hoặc vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, kể từ nay Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước. Nhưng ngược lại Việt Nam cũng như Ấn Độ vẫn còn giữ những mức lương đặc biệt hấp dẫn. Một lý do khác là Việt Nam, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, tỏ ra cởi mở hơn về mặt kinh tế và đang từng bước từ bỏ chế độ tập trung. Nhiều chính sách mới thông thoáng, hành lang pháp lý được tạo dựng  theo xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng đã thật sự củng cố niềm tin của nhà ĐTNN, nhất là các nước khu vực Châu Á.

Nhưng một vấn đề khác không kém phần quan trọng chính  là sự ổn định chính trị, tình hình an ninh trật tự  ở Việt Nam nhiều năm qua luôn được giữ vững là môi trường tốt nhất  giúp  cho các nhà ĐTNN cảm thấy an tâm trước khi đưa ra các quyết định chọn nước ta để làm ăn lâu dài.

Lê Diệu Nguyên