Đinh Ngọc Sử - người "viết sử" đất Hiên

Thứ năm, 19/03/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Là người con Cơ Tu sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Blê, H. Tây Giang, Quảng Nam, ông Đinh Ngọc Sử (1949) bây giờ được ví như “người viết sử” của vùng đất này. Tham gia cách mạng từ lúc còn là một cậu bé, làm CA, Bí thư xã rồi Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc và điều quan trọng hơn, ông còn là một doanh nhân thành đạt, người đầu tiên đưa điện về cho TT Hiên ngày trước...

Xây thủy điện cho dân

Nhiều lần hẹn tôi mới gặp được ông, một con người tầm thước với tiếng nói trầm ấm. Xuất thân từ một gia đình dân tộc Cơ Tu nghèo khó, ông tham gia cách mạng từ khi còn là một cậu bé. Năm 1969, lúc tròn 20 tuổi, Đinh Ngọc Sử mới bước chân vào học lớp 1, năm 1971 ông mới học hết lớp 4 (hệ 10). Cuối năm 1972, được cử vào lại Trường Sơn, theo anh em cán bộ lên Gia Lai rồi về miền tây Quảng Đà, đóng quân ở bến Nam Sơn (Giằng-Nam Giang ngày nay). Những ngày này, ông tham gia hoạt động dân chính, đi rải truyền đơn rồi được cử về làm an ninh tại H. Tây Giang. Đến năm 1973, được cử về làm Bí thư xã Blê và từ đây, cuộc đời của Đinh Ngọc Sử bước sang một trang mới.

Cuối năm 1975, khi 2 huyện Đông Giang và Tây Giang được nhập thành huyện mới với tên gọi là Hiên, lấy TT P’rao làm trung tâm, ông vinh dự được lãnh đạo tỉnh Quảng Đà lúc đó tin tưởng cử về làm Phó Chủ tịch UBND H. Hiên và sau đó kiêm luôn Viện trưởng VKSND huyện cho đến năm 1979. Tuy làm lãnh đạo, nhưng tinh thần học hỏi của ông vẫn không ngừng. Ông tâm niệm “việc học là phải cả đời”. Chính vì điều này, thời gian sau đó, ông tiếp tục xin theo học lên và được cử vào TPHCM học cao cấp chính trị. Gần 2 năm theo học ở đất thành phố, được tiếp xúc với những điều mới lạ, những cái mà người dân ở Hiên chưa có và ông ôm ấp một hy vọng làm được điều gì đó để thay đổi quê hương mình.

 Mai đây những khoảng đồi trọc thế này sẽ được phủ xanh và xây dựng những thủy điện nhỏ cho những người chưa được hưởng ánh điện.

Quay trở lại Hiên sau những năm tháng học tập, thấy người dân P’rao và phần lớn nhân dân trong huyện vẫn chưa có ánh sáng từ nguồn điện, ông bắt đầu nghĩ đến chuyện học tập để làm thủy điện, mang lại ánh sáng cho người dân. Năm 1981, sau khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND H. Hiên và kiêm Trưởng ban Định canh - Định cư, ông bắt tay vào làm dự án thủy điện. Những chuyến đi công tác tại các huyện Đại Lộc, Giằng, Duy Xuyên ông đều học hỏi về các thủy điện ở Đại Sơn, Duy Sơn, Hà Nha. Thế nhưng, để những ý tưởng đó thành hiện thực không phải là điều dễ dàng. Sau khi đã học hỏi được kinh nghiệm cũng như quá trình thực tiễn, ông đem ý tưởng thành lập một nhà máy thủy điện nhỏ ngay tại trung tâm huyện, nhưng không được xét duyệt.

Trong đó có người còn cho là ông làm “thủy điên” chứ thủy điện gì. Không nản, ông tiếp tục thuyết phục lãnh đạo tỉnh, huyện, rồi tự đi xin T.Ư, vận động nhân dân. Bù đắp lại cho lòng nhiệt tình và hăng say đó, cuối cùng phương án thủy điện của ông cũng thành hiện thực. Sau gần 4 năm thi công, vượt qua bao khó khăn, đến cuối năm 1988, ngày đóng điện thành công, từ cán bộ đến người dân ai cũng rưng rưng nước mắt, ôm nhau khóc trước sân UBND huyện. Nhà máy thủy điện nhỏ 400kWh do Đinh Ngọc Sử xây dựng vẫn còn phục vụ cho gần mấy trăm hộ dân ở khu vực doanh trại quân đội tại TT P’rao cho đến hôm nay. Kể đến đây, ông bảo: “Đến giờ tôi mới thấy mình liều, nhưng cái liều của tôi là có cơ sở. Bởi mình có lòng tin vào người tư vấn, vào người thiết kế và tin cả vào kế hoạch của mình”.

 Ông Đinh Ngọc Sử cùng vợ con (ngồi giữa) và những đứa trẻ trọ học trong nhà.

Trồng rừng để giữ màu xanh cho núi

Sau thành công đầu tiên đó, Đinh Ngọc Sử được nhân dân tin tưởng bầu làm Chủ tịch UBND H. Hiên. Cũng trong năm 1988, sau những năm tháng hy sinh cho sự nghiệp, cho nhân dân, ông lập gia đình cùng với cô gái Cơ Tu xinh đẹp Briu Thị Tám. Sau hơn một năm tích góp, vay mượn bạn bè, vợ chồng Đinh Ngọc Sử mới xây được ngôi nhà riêng. Cũng từ năm này, ông bắt đầu trồng rừng và quyết định đi đến với rừng như là người bạn thứ 2 sau thủy điện. Năm 2002, sau 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND huyện, ông về hưu trước tuổi và nhận được 60 triệu đồng trợ cấp.

Hai vợ chồng lại chạy vạy ngược xuôi vay được thêm 450 triệu đồng đầu tư vào trồng 100ha rừng tại xã Zơngây với hợp đồng thuê đất 50 năm và thành lập Cty TNHH Xây dựng Dịch vụ & Thương mại Hữu Sơn để nhận các công trình tại huyện nhà và các huyện Tây Giang, Nam Giang... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động người dân tộc thiểu số. Ông tâm sự: “Những năm tháng mình làm việc Nhà nước, nghe nói đến nạn tham nhũng, quan liêu ghê lắm. Qua quá trình thực tiễn, học tập khi về hưu quyết định “làm thử” bên ngoài để xem có thực sự như lời nói của người đời hay không” - rồi ông nở nụ cười mãn nguyện. Đến hôm nay, ông đã làm được gần chục thủy điện nhỏ để phục vụ cho những bản người Cơ Tu và các dân tộc khác trên các khu vực miền núi phía tây Quảng Nam. Xây dựng trường học, trường nội trú cho con em đồng bào về học, xây nhà cho thuê...

Ở đâu, chất lượng công trình của ông Sử cũng được người ta đánh giá cao. Dự kiến, trong năm 2009 này ông sẽ tiếp tục xây dựng một nhà máy thủy điện công suất 1,2MWh tại H. Tây Giang. Đặc biệt hơn, kể từ năm 1989, ngày vợ chồng ông có nhà riêng, mỗi năm 2 vợ chồng đều nhận 4-10 học sinh nghèo về nuôi cho ăn học tại Trường THPT Đông Giang... Có nhiều người sống ở nhà ông đến nay đã thành đạt, đã là cán bộ, có người ở lại làm việc luôn với ông. Nhờ vào tài năng, doanh nhân Đinh Ngọc Sử ngày càng làm ăn khấm khá, và cũng từ đó ông đầu tư nhiều hơn cho rừng, cho những đứa trẻ nghèo có thêm cơ hội học tập, cho những bản làng xa xôi trên dãy Trường Sơn hùng vỹ được hưởng ánh sáng...

Chia tay tôi, ông bảo, có lẽ cuộc đời ông cũng khá may mắn vì gặp được nhiều người tốt và cũng được đi nhiều nơi nên mới có như ngày hôm nay. Ông nói vậy, nhưng tôi lại nghĩ chính năng lực, lòng quyết tâm và trên hết là tình yêu quê hương, con người, mảnh đất nơi ông được sinh ra và lớn lên mới là sức mạnh làm nên thành công hôm nay.

Ghi chép: Tuấn Anh