Trồng rừng nhưng không được thu hoạch(?)

Thứ ba, 21/04/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Gần 100 hộ dân ở xã Hương Thọ, H. Hương Trà (TT-Huế) có rừng trồng đã đến tuổi thu hoạch nhưng không bán được sau khi Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) cố đô Huế tiến hành cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Vua Minh Mạng (gọi tắt là vành đai 1) cách đây 2 năm. Trong khi đó, UBND tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng tìm phương án giải quyết cho các hộ dân vốn có rừng trồng đã tồn tại hơn 30 năm nay nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Vẫn chưa tìm ra giải pháp

Rừng trồng là nguồn thu nhập chủ yếu, là cây trồng thoát nghèo của nhiều hộ dân vùng gò đồi. Xác định mục tiêu đó, từ năm 1975, nhiều hộ dân nghèo ở xã Hương Thọ, sống dọc vành đai của lăng Minh Mạng đã khai thác hàng chục héc-ta đất hoang để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, qua nhiều năm, những cây trồng này không phù hợp với thổ nhưỡng nên năm 1990, hàng loạt hộ dân ở địa phương này đã mạnh dạn vay vốn đầu tư để trồng rừng theo khuyến khích của Nhà nước.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, TTBTDT cố đô Huế (đơn vị chủ quản) tiến hành cắm mốc bảo vệ di tích lịch sử đối với vành đai 1 thì người dân không thể khai thác nữa mặc dù diện tích rừng trồng đã đến kỳ thu hoạch. Trước thực trạng này, hàng chục hộ dân ở xã Hương Thọ đã đệ đơn đến các cơ quan chức năng với nguyện vọng tìm cách tháo gỡ.

Ông Lê Văn Chúng- Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của cấp trên, huyện và xã đã tiến hành họp bàn lấy ý kiến của các hộ dân có rừng trồng nằm trong vành đai 1. Hầu hết, các hộ dân đều thống nhất với ý kiến sẽ nhận tiền đền bù và giao lại toàn bộ diện tích rừng cho di tích quản lý để làm hành lang xanh”.

 

Nhìn cánh rừng đến tuổi thu hoạch,
ông Nguyễn Thắng ngậm ngùi khi trở thành con nợ của ngân hàng. 

Sau khi thống nhất phương án này, tháng 1-2008, UBND H. Hương Trà và xã Hương Thọ và đại diện TTBTDT cố đô Huế đã tiến hành kiểm kê, đo đạc tài sản, vật kiến trúc, đất đai giúp người dân sớm chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tiến hành kiểm kê đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng giải quyết, khiến người dân càng hoang mang và bức xúc.

Ông Lê Văn Chúng cho biết thêm, việc kiểm kê để tiến hành đền bù rừng trồng cho người dân là vấn đề rất nan giải, là việc làm ngoài tầm tay của địa phương. Nhiều lần tiếp xúc cử tri với cấp trên, người dân và chính quyền địa phương đã đề cập đến vấn đề “nóng” này nhưng không hiểu vì sao sự việc vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. TTBTDT cố đô Huế nhiều lần hứa là giải quyết nhưng vẫn không thấy.

Trước thực trạng đó, ngày 15-2-2009, UBND tỉnh TT-Huế đã tổ chức cuộc họp do ông Ngô Hòa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành liên quan (TTBTDT cố đô Huế và Sở Tài chính...) khẩn trương kiểm kê, rà soát diện tích rừng trồng, nhanh chóng xử lý để đền bù cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng có quyết định của lãnh đạo tỉnh đến nay, các cơ quan chức năng vẫn một lần nữa không có phương án triển khai.

Dân trở thành con nợ

Trước thực trạng hàng chục héc-ta rừng trồng đến tuổi thu hoạch nhưng nằm trong vành đai 1, mà cơ quan chức năng thì chưa có cách giải quyết khiến hàng chục hộ dân mất ăn, mất ngủ khi gánh nặng ngân hàng cứ dai dẳng. Ông Nguyễn Thắng (58 tuổi, ở thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ) có đến 2.300 cây keo lá tràm đang tuổi thu hoạch nằm trong vành đai 1. “Trước đây, khi Nhà nước khuyến khích trồng rừng, bao nhiêu vốn liếng của cả gia đình đều đổ vào đầu tư mua cây, con giống. Không đủ tiền, vợ chồng tui phải chạy đôn chạy đáo vay ngân hàng 20 triệu đồng nữa. Cứ nghĩ năm vừa rồi thu hoạch là trả xong nợ, nhưng ai ngờ, mới đây di tích lại cắm mốc bảo vệ ở khu vực này, giờ chừ không được khai thác, tui chỉ mong Nhà nước sớm có phương án đền bù để có tiền trả nợ cho ngân hàng”- ông Thắng chua xót, nói.

 Đất rừng canh tác hơn 30 năm, nhưng mốc di tích được cắm 2 năm.

Cùng với hộ ông Thắng, hàng chục hộ dân có rừng trồng nằm trong diện vành đai 1 đều là những con nợ của ngân hàng. Theo người dân nơi đây, để có số tiền hàng chục triệu đồng đầu tư cây con giống, phân bón, họ đã phải vay mượn ngân hàng và đợi đến ngày rừng thu hoạch mới trả nợ. Tuy nhiên, ước mơ thu hoạch rừng của các hộ dân không thể trở thành hiện thực.

Ông Nguyễn Trịnh Thành (ở thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ) nhìn 2.500 cây keo trồng hơn 5 năm than ngắn, thở dài: “Tui đầu tư trồng rừng hơn 5 năm nay nhưng chưa 1 lần thu hoạch. Giờ chừ lại đèo bồng món nợ ngân hàng hơn 10 triệu đồng. Vẫn biết Nhà nước trước sau chi cũng đền bù cho người dân, nhưng cứ kéo dài thì tiền lãi ngày một tăng lên”.

Việc bảo vệ các điểm di tích là điều cần thiết và chủ trương này đã được cắm mốc bảo vệ di tích từ 2 năm nay. Yêu cầu người dân trồng rừng không được khai thác và họ đã thực hiện đúng chính sách, nhưng hiện đơn vị quản lý vẫn chưa giải quyết đền bù hoặc mua sản phẩm của họ, trong khi đó người trồng rừng đang nợ ngân hàng là vấn đề bức xúc.

Bởi lẽ, đất họ canh tác từ hơn 30 năm qua, chứ không phải đất lấn chiếm vành đai di tích. Thiết nghĩ, để giúp người dân sớm thoát nợ ngân hàng và chuyển đổi ngành nghề mới, các ngành chức năng liên quan nên sớm lên phương án giải quyết.

Hải Lan