A Lăng Úy đi đăng ký xét tuyển đại học

Thứ tư, 05/08/2015 09:44

(Cadn.com.vn) - Để biết được điểm thi THPT quốc gia 2015 của mình, trước ngày quy định công bố điểm, A Lăng Úy (xã A Vương, H. Tây Giang, Quảng Nam) phải đi bộ vượt rừng núi nửa ngày đường ra đến trung tâm xã, rồi tiếp tục chờ đợi bắt xe khách xuống Hội An mới xem và lấy được phiếu đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH). Cũng như bao thí sinh khác ở vùng sâu, vùng xa các huyện miền núi Quảng Nam, A Lăng Úy cảm thấy thiệt thòi khi bị “đói” công nghệ thông tin, không có mạng internet để tìm hiểu, tra cứu thông tin tuyển sinh của các trường.

A Lăng Úy chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều thí sinh vùng đồng bằng, thành thị. Tuy nhiên, đối với chúng em ở miền núi, nơi điện thắp sáng chưa có, điện thoại cũng không, đường sá đi lại cách trở, việc nắm bắt thông tin tuyển sinh hay đăng ký xét tuyển qua mạng điện tử thì không thể thực hiện được!”.

Chính vì thiếu thông tin tuyển sinh của các trường nên để chọn được ngành nghề, trường học phù hợp với Úy không hề đơn giản. A Lăng Úy cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2015, em thi tại Hội đồng thi ĐH Đà Nẵng lấy điểm các môn khối C để xét tuyển vào ĐH. Với kết quả 3 môn thi đạt 22 điểm, cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên, tổng cộng được 25,5 điểm nhưng khó khăn lắm mới nhờ được người tư vấn chọn ngành học phù hợp để đăng ký xét tuyển.

Khác với nhiều thí sinh đến trực tiếp ĐH Đà Nẵng nộp hồ sơ đăng ký dự thi, A Lăng Úy phải vất vả ngược xuôi để hoàn thành thủ tục đăng ký.

Cũng như A Lăng Úy, nhiều thí sinh người đồng bào ở huyện miền núi Tây Giang phải rất vất vả mới hoàn thành thủ tục hồ sơ gửi theo đường bưu điện đến trường có nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Thí sinh Coor Y (xã vùng biên G’ry, H. Tây Giang) kể: Sau 7 ngày chạy ngược, chạy xuôi nhưng đến nay em vẫn chưa hoàn thành xong hồ sơ để gửi đăng ký xét tuyển theo đường bưu điện. Trước đó, để lấy được giấy báo điểm, ngày 28-7, em đi bộ rồi ô-tô từ nhà xuống Trường phổ thông Dân tộc nội trú chờ để nhận giấy báo điểm và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Rồi, lật đật trở về địa phương làm hồ sơ chính sách ưu tiên, in sao hồ sơ đăng ký xét tuyển..., nhưng cực nỗi không có mạng internet, máy in, photocopy cũng rất hiếm nên việc làm hồ sơ xét tuyển đối với em thật không đơn giản”. Vấn đề mà Coor Y lo lắng nhất hiện tại bị “mù” thông tin tuyển sinh của các trường. “Bây giờ việc chọn ngành nào để học và trường nào để đăng ký xét tuyển cho an toàn đối với em thật sự như người đi giữa rừng bị mất phương hướng”, Coor Y thành thật chia sẻ.

Cùng tâm trạng, thí sinh Plong Nái (xã vùng sâu Ch’ơm, H. Tây Giang) buồn rầu nói: “Đối với học sinh vùng sâu, vùng xa như chúng em, được đi học và hoàn thành chương trình học phổ thông là cả một sự nỗ lực lớn. Trước ngưỡng cửa bước vào ĐH, CĐ, chúng em càng thấy thiệt thòi hơn khi không biết chọn ngành, chọn trường nào cho phù hợp vì thiếu thông tin định hướng hay nhu cầu nguồn lao động tại địa phương. Chính vì vậy, mọi sự lựa chọn ngành nghề để theo học của chúng em đều cảm tính, không dựa trên một cơ sở dự báo kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực tại ở địa phương hay bất cứ ở cơ quan, ban ngành nào. Điều đó khiến chúng em hết sức đắn đo, trăn trở, không biết có nên tiếp tục đi học ở những bậc học cao hơn hay không?”.

Những trăn trở của A Lăng Úy, Coor Y, Plong Nái đáng để chúng ta suy ngẫm lắm chứ!

Khải Minh