À Ố show - Vũ điệu của tre

Thứ ba, 16/04/2019 10:49

Bắt đầu bằng hành trình lưu diễn từ năm 2015 qua hơn 15 quốc gia, chinh phục khán giả khắp 4 châu lục, À Ố show đến với du khách Hội An (Quảng Nam) từ năm 2018 và đang dần tạo được chỗ đứng thương hiệu cho mình-một show diễn truyền tải văn hóa thuần Việt. Tận mắt thưởng thức À Ố show mới thấy hết sự tài năng của những diễn viên, sáng tạo của biên đạo kết hợp với nghệ thuật điều phối ánh sáng, âm thanh..., tạo nên bức tranh toàn cảnh về đời sống xứ Việt qua từng giai đoạn thăng trầm lịch sử. Từ những đạo cụ rất thuần Việt làm bằng tre nứa như rổ rá, thuyền thúng, quang gánh, À Ố show mang đến câu chuyện hóm hỉnh mà tinh tế từ làng quê đến phố thị Việt Nam qua kỹ thuật xiếc mới cùng âm nhạc độc đáo.

Hình ảnh từ tre đầy thú vị bên ngoài Lune Performing center.

Kinh ngạc, bất ngờ, cảm động... là chuỗi cảm xúc của tôi khi được thưởng thức trọn vẹn 60 phút diễn ra À Ố show. Thiết kế sân khấu gần gũi, dàn diễn viên trẻ,  chuyên nghiệp với những cử động chính xác đến từng chi tiết, mọi khung hình đều được tỉ mẩn xếp đặt vừa tự nhiên vừa linh hoạt khiến cho mỗi lần sân khấu sáng đèn là một bối cảnh hoàn toàn mới, không gian hoàn toàn khác, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mở đầu buổi biểu diễn là hình ảnh những chiếc thuyền thúng đang chập chờn trên sóng nước. Giữa biển trời bao la ấy là hình ảnh những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, đang thu phục thiên nhiên bằng ý chí quật cường của mình. Họ hét, họ nhảy, họ chuyền tay nhau những thanh tre khẳng khiu làm mái chèo, họ quăng quật người trên không trung, họ hợp lực nhau kéo mẻ cá lớn... Tất cả những hình ảnh ấy diễn ra dưới ánh sáng vằng vặc và tiếng đàn tranh nỉ non, sầu lắng. Vầng trăng như là chứng nhân mà cũng là bầu bạn. Dưới vầng trăng đã bao đời đi vào thơ ca ấy, hình ảnh con người Việt Nam nhỏ bé mà không hề cô đơn. Phân đoạn này làm tôi nhớ đến hình ảnh người dân Nam Bộ trong cái nhìn của nhà văn Sơn Nam. Một Nam Bộ đã trải qua bao giông tố của lịch sử vẫn là quê hương của những người con khảng khái, anh hùng. Ý chí quật cường của họ vừa tiềm tàng trong mỗi cá nhân, vừa đồng điệu trong sức mạnh của tập thể. Từ chiếc thuyền thúng dập dềnh sóng nước ấy, một buổi sáng làng chài thanh bình hiện lên qua tiếng gọi nhau í ới, trai gái tấp nập với những mẻ cá tôm tươi hồng. Dáng vẻ mạnh mẽ, can trường của tre trong đêm tối giờ lại trở nên mềm mại hơn bởi những chiếc rổ rá nhỏ xinh trên tay những cô gái áo bà ba đen làng chài. Biên đạo đã khéo léo để những chiếc rổ tre ấy được chuyển tay khắp lượt vừa tạo nên hiệu ứng rộn rã của làng chài vừa cho thấy sự tiếp nối của mạch sống đang trào dâng.

Một cảnh đầy ấn tượng trong show À Ố ( ảnh Lune Performing center).

Từ phần 2 vở diễn, độc đáo nhất có lẽ là sự biến hóa khôn lường của tre từ phương tiện lao động sản xuất sang biểu hiện các cung bậc khác nhau của đời sống. Tre lúc này đã không còn là đồ vật vô tri vô giác mà đã tạo nên tiếng cười cho khán giả, truyền tải được một đời sống Việt Nam đầy sắc màu. Dưới sự tài hoa của diễn viên, chiếc nia tre xếp lại với nhau thành đàn vịt ra đồng, thân tre dài thành chiếc cầu khỉ lắt lẻo qua sông, chiếc mủng tạo nên đàn côn trùng đang rì rầm dưới vệ cỏ... Không mạnh mẽ như phần 1, phần 2 của show vẫn đủ bắt lấy sự kinh ngạc của người xem bằng sự tài tình, ý nhị của mình. À Ố show tạo nên một bức tranh bình dị mà đẹp đến ngỡ ngàng, từ khung cảnh thuyền ghe tấp nập, cầu tre lắt lẻo, đến sự nhộn nhạo, ồn ào xe cộ của phố thị. Từ sự yên bình của nông thôn đến cái xô bồ, nhớp nháp của những khu trọ công nhân. Trên nền nhạc độc đáo được diễn tấu sống bằng các nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, đàn tranh, sáo trúc, đàn môi, cùng âm thanh beatbox sôi nổi khuấy động sân khấu thì những điệu múa đương đại, xiếc, nhảy hiphop trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết. Hình ảnh của tre xuất hiện từ đầu đến cuối không hề gượng ép mà hòa nhập với diễn viên, diễn viên mang tinh thần của tre và tre mang tinh thần dân tộc. Cứ thế, vũ khúc của tre có lúc cuồng phong, có khi êm ả kết nối bao trái tim người yêu văn hóa Việt Nam đang được thưởng thức.

Trong show diễn hôm ấy có hơn 90% người nước ngoài đến xem, nhưng không vì thế mà không khí trở nên xa cách, ngượng nghịu. Dẫu âm thanh là những nhạc cụ truyền thống, những lời ca tiếng hát cũng là lời Việt đậm bản sắc Nam Bộ nhưng những tiếng "ồ!" lên kinh ngạc của khán giả Tây phương, những tiếng vỗ tay đầy thán phục của những du khách Nhật, Hàn khiến những khán giả người Việt như tôi thêm phần tự hào. Tôi tin chắc rằng, dù họ không thể hiểu hết được dáng vóc, ý nghĩa  của tre đối với lịch sử và đời sống cư dân đất Việt nhưng qua show diễn họ phần nào đã được nhìn thấy một Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng đã tài tình ra sao trong thu phục thiên nhiên, gầy dựng nên dáng hình non nước. Show diễn kết lại bằng tiếng hát nhịp nhàng của dàn diễn viên trong bài hát "Trống cơm". Du khách xem show vẫn nán lại chút ít để thưởng thức trọn vẹn dư âm của vở diễn. Họ để lại bao lời khen ngợi bằng tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật và cả đôi dòng xúc động của du khách người Việt khi được sống trong không khí hào hùng của dân tộc mình. Khoảnh khắc ấy tôi cũng kịp nhận ra rằng văn hóa thật lớn lao mà cũng có khi chỉ là những điều rất nhỏ như những gì mà show diễn À Ố và Trung tâm biểu diễn Lune Performing đã mang lại cho phố cổ Hội An giữa bao nhiêu giá trị của đời sống đang bị cuốn đi bởi cơn lốc hiện đại, đổi thay.

HÀ DUNG