Abenomics đi sai hướng?

Thứ ba, 07/04/2015 12:51

(Cadn.com.vn) - Cải cách cơ cấu của chính phủ Thủ tướng Abe mang tên Abenomics dường như không thể giúp Nhật thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế.

Danh sách dài các cải cách cơ cấu được đưa ra như mục tiêu thứ ba của chính sách về kinh tế của ông Abe, bao gồm khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và phát triển nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chính quyền Thủ tướng Abe đang đi đúng hướng?

Bóng mây u ám

Những số liệu kinh tế gần đây không mấy khả quan cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, bất chấp những lợi ích đem lại từ việc thực hiện thành công 2 mục tiêu đầu tiên của chính sách kinh tế - tài khóa và mở rộng tiền tệ.

Khảo sát của Ngân hàng Nhật mới nhất cho thấy, niềm tin của các nhà sản xuất lớn đã rớt xuống dưới mức mong đợi, trong khi các số liệu của sản xuất công nghiệp cũng cho thấy suy giảm nhiều hơn so với dự báo. Những số liệu khác cũng cho thấy tình hình tương tự, bao gồm giá tiêu dùng lạm phát ở mức 0 vào tháng 2 và suy giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong chi tiêu hộ gia đình. Tăng trưởng kinh tế ở mức 1,5% hồi tháng 12 đã cho thấy dấu hiệu chậm lại từ sau lần suy thoái trong năm 2014.

Tuy nhiên, về lâu về dài, triển vọng phục hồi kinh tế của Nhật Bản không mấy khả quan khi lực lượng lao động ngày càng suy giảm dẫn đến nhu cầu nâng cao năng suất và thiếu hụt vốn. Theo các chuyên gia, nếu Nhật có thể tăng gấp đôi năng suất và tập trung mạnh vào việc tăng giá trị gia tăng cũng như giảm chi phí, nước này có thể tăng GDP lên khoảng 3%, tăng thêm 30% GDP so với hiện tại vào năm 2025, với tiềm năng kinh tế lên đến 1.400 tỷ USD.

Cty cố vấn McKinsey đề nghị loại bỏ mục tiêu thứ 4 nhằm tăng năng suất lao động và vốn, đồng thời thực hiện các biện pháp như hội nhập toàn cầu, cải thiện số hóa, khai thác “dữ liệu lớn”, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, thực hiện trả lương theo công việc và khuyến khích phụ nữ, người già tham gia lao động.

Nhật Bản cần khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ. Ảnh: Diplomat

Khuyến khích phát triển dịch vụ

Nhà phân tích Nhật Bản Naomi Fink, Giám đốc điều hành Cty tư vấn Europacifica, cho rằng, sự trì trệ trong năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và bất ổn định về lực lượng lao động và vốn là mấu chốt của các vấn đề kinh tế của nước này. Việc điều chỉnh ngắn hạn tài khóa và tiền tệ sẽ không thể phục hồi kinh tế lâu dài.

Theo phân tích của Europacifica, trong khi xuất khẩu và lĩnh vực công nghệ thông tin của Nhật đạt mức tăng trưởng cân bằng, các ngành dịch vụ và các lĩnh vực ngoài công nghệ thông tin đang tụt lại. Những lĩnh vực kém phát triển nhất trong tăng trưởng TFP giai đoạn 1973-2008 bao gồm sản xuất gạo và lúa mì, xử lý chất thải, hóa chất, điện, bất động sản, than đá, và các sản phẩm dầu khí. Theo bà Fink, chìa khóa thành công là loại bỏ những ngành có năng suất thấp trong khu vực dịch vụ và khuyến khích đầu tư phát triển cho các lĩnh vực phi công nghệ thông tin và ngành dịch vụ, cũng như khuyến khích cải thiện phân bổ lao động, đặc biệt là phụ nữ. Có rất nhiều rủi ro ở hầu hết các giai đoạn của chính sách Abenomics, bao gồm sự bùng nổ lạm phát và phá giá trái phiếu chính phủ hay rủi ro ứ đọng lương, và tăng trưởng chậm ở nước ngoài.

Nhìn chung, theo bà Fink, mục tiêu thứ 3 của chính sách Abenomics - cải cách cơ cấu - chỉ có 40% thành công. Tuy nhiên, một điều may mắn cho chính phủ của ông Abe là với thời gian lãnh đạo cho đến ít nhất là năm 2018, ông có đủ thời gian để cải thiện cơ hội thành công của mình.

An Bình
(Theo Diplomat)