Afghanistan- Giàu tài nguyên, nghèo nhân lực
(Cadn.com.vn) - Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Afghanistan đòi hỏi kế hoạch khai thác tốt, một chiến lược dài hạn. Liệu chính phủ kế tiếp có làm tốt điều này?
Kết quả bầu cử Tổng thống Afghanistan sẽ được công bố vào hôm nay (15-7). Điều này sẽ giúp mở ra hàng loạt con đường phát triển tương lai của đất nước. Mọi người hy vọng lời hứa của các ứng cử viên tổng thống sẽ trở thành hiện thực, dẫn Afghaninstan đến một kỷ nguyên mới.
Những bất cập
Trong khi chính quyền Tổng thống Hamid Karzai tập trung vào vấn đề an ninh, chính quyền tiếp theo sẽ phải cam kết phát triển kinh tế bởi Afghanistan hoàn toàn có thể trở thành một nước giàu. Bởi đây là một trong những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đầu người cao nhất trong khu vực.
Dù không quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên như những gã khổng lồ trong khu vực, chẳng hạn như nguồn khí đốt của Turkmenistan và Iran, nguồn dầu mỏ của Uzbekistan, Afghanistan tương đối giàu tài nguyên, với lượng dầu bình quân theo đầu người là 22 thùng, ngang bằng với nước láng giềng Pakistan và dẫn trước các nước Nam Á khác.
Hơn thế nữa, nguồn dầu khí của Afghanistan chưa được khai thác. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản lượng đồng cũng vượt xa những nước khác trong khu vực. Là "trái tim của Châu Á", Afghanistan cũng có một trữ lượng đất hiếm (REE) đáng kể. Nhưng liệu nhà lãnh đạo mới Afghanistan có chọn ngành công nghiệp khai khoáng làm mũi nhọn phát triển kinh tế? Và họ sẽ làm đúng cách?
Afghanistan hiện có dự án khai thác mỏ Mes Aynak đang trong giai đoạn đầu phát triển, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một dự án lớn khác khai quặng sắt hợp tác với Ấn Độ tại Hajigak, cũng như một số mỏ khai thác kim loại màu trên biên giới với Turkmenistan, khí tự nhiên và dầu.
Điều đáng ngạc nhiên là, trong lịch sử hiện đại, chính phủ Afghanistan chưa bao giờ có chiến lược rõ ràng trong việc khai thác các nguồn tài nguyên. Bất kỳ quốc gia nào ở giai đoạn hình thành và phát triển phải có kế hoạch chi tiết nhằm đem lại giá trị tối đa cho người dân. Và trên hết, không rõ nguồn thu của các dự án này được sử dụng như thế nào. Rõ ràng, đây là cách quản lý yếu kém.
Hơn nữa, Kabul hiện không có kế hoạch xây dựng các ngành công nghiệp. Dù các bộ trưởng cam kết khuyến khích khu vực tư nhân, nhưng không đưa ra kế hoạch rõ ràng. Chính phủ không ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước. Những lợi ích của một doanh nghiệp nhà nước là rất lớn.
Có thể lập luận, Afghanistan chỉ đơn giản là không có đủ tiền để xây dựng một Cty quốc gia khai thác có hiệu quả nguồn dầu và khí đốt. Điều này đúng, bởi Afghanistan xuất phát rất muộn, thua xa Trung Quốc hay Ấn Độ đến vài thập kỷ.
Afghanistan có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Ảnh: Diplomat |
Giải pháp
Chính phủ phải xem xét làm thế nào để bảo vệ các khoản thu từ các dự án như Aynak, và chắc chắn đẩy lui nạn tham nhũng. Kabul nên tìm cách xây dựng một quỹ quốc gia, tương đương với các quỹ hình thành trong thập kỷ qua từ Châu Âu đến Châu Á. Quỹ này sẽ quản lý các nguồn vốn từ khai thác và phân phối đồng đều số tiền thu được. Nhiều nhà cung cấp sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn giúp quốc gia Nam Á hoàn thành nhiệm vụ.
Chính phủ mới có nhiều lựa chọn, và thậm chí các dự án được ký kết trước đây vẫn có thể được cơ cấu lại. Nhưng điều quan trọng là bất cứ kế hoạch nào cũng cần phải tạo ra lợi ích xã hội trong dài hạn. Các quy định về tài chính cần được cấu trúc lại, các khoản thu phải được bảo vệ và quản lý chuyên nghiệp, và một quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở mang lại hy vọng cho những người bình thường, hoạt động như nam châm thu hút đầu tư.
Afghanistan có thể học hỏi nhiều quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn như Kazakhstan phát triển nguồn lực một cách bình đẳng, và Mông Cổ phát triển chủ yếu vì người dân. Cải cách phải bắt đầu ngay bên trong Afghanistan, và chính quyền mới cần tìm ra cách tốt nhất để sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Đó là yếu tố quyết định sự ổn định dài hạn.
An Bình
(Theo Diplomat)