Afghanistan - nơi chết chóc của các nhà báo

Thứ ba, 16/10/2018 13:17

Năm nay, có nhiều nhà báo đã bị giết ở Afghanistan hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Tình hình này buộc các tổ chức truyền thông phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho các phóng viên.

Nhà báo Samim Faramarz của hãng Tolo News đang đưa tin về vụ nổ ở Kabul thì vụ nổ thứ hai xảy ra khiến anh và người quay phim thiệt mạng.

Mối nguy khi "đưa tin trực tiếp"

Vào ngày 5-9, nhà báo Samim Faramarz của hãng tin Tolo News đưa tin trực tiếp về vụ tấn công tự sát tại thủ đô Kabul. Một vài phút sau, vụ tấn công thứ hai tại hiện trường giết chết anh cùng với người quay phim. Một kẻ đánh bom xe đã nhắm mục tiêu là lực lượng khẩn cấp đang làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tấn công đầu tiên. Tổng cộng có 26 người chết và 70 người bị thương, trong đó có 5 nhà báo.

Aman Farhang, 26 tuổi, đang đưa tin cho 1TV, nằm trong số đó. "Tôi đến gần hiện trường vụ nổ đầu tiên và đang cố gắng nói chuyện với các nhân chứng. Đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng động lớn và tôi gục ngã. Tôi cố gắng đứng lên nhưng không thể và thấy rất nhiều người bỏ chạy tán loạn. Và tôi thấy mình ở bệnh viện", anh nói. Đây là vụ tấn công thứ hai trong 4 tháng qua, sử dụng cùng một chiến thuật - một vụ nổ tiếp theo nhắm vào những người phản ứng đầu tiên, các nhà báo nằm trong số đó.

Hôm 30-4 tại Kabul, khoảng 26 người, trong đó có 9 nhà báo, đã bị giết trong vụ nổ kép. Một trong những người thiệt mạng là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Shah Marai. Đây là vụ tấn công đơn lẻ liên quan đến các nhà báo ở Afghanistan kể từ năm 2001. Vụ nổ đầu tiên được thực hiện bởi một kẻ tấn công trên một chiếc xe máy, vụ thứ hai xảy ra khoảng 15 phút sau đó. Mặc dù thực tế rằng, chiến thuật đánh bom kép đã được thực hiện rất nhiều, các cơ quan truyền thông của Afghanistan vẫn thực hiện kiểu tác nghiệp: yêu cầu nhà báo đến hiện trường chỉ trong vòng vài phút để phát sóng trực tiếp vụ việc. Vậy các hãng tin có muốn thay đổi kiểu làm việc này hay không?

Sau khi mất hai nhà báo trong vụ tấn công ngày 5-9, Tolo News, kênh tin tức 24 giờ đầu tiên và lớn nhất của Afghanistan, ban hành các hướng dẫn mới về cách đưa tin các sự cố an ninh. Lotfullah Najafizada, người đứng đầu Tolo News, nói với BBC: "Điều chúng tôi phải suy nghĩ lại là khoảng cách. Trong tương lai, chúng tôi có thể giữ khoảng cách xa hơn khi đưa tin các vụ tấn công liều chết, biểu tình và thiên tai. Điều quan trọng là các nhà báo của chúng tôi cần có tất cả các công cụ bảo vệ cần thiết, giúp họ giữ liên lạc với nhân viên an ninh của chúng tôi". Ông Najafizada cũng nói về việc tăng cường đánh giá rủi ro an ninh và cung cấp các khóa đào tạo về môi trường thù địch cho các nhà báo.

Cạnh tranh khốc liệt

Nhưng một số phóng viên và người quay phim làm việc cho các hãng truyền thông ở Afghanistan cho biết, không phải mọi cơ quan truyền thông đều đào tạo an toàn cho các nhà báo hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Aman Farhang, người bị thương trong vụ tấn công ngày 5-9, làm việc cho 1TV chỉ trong 5 tháng qua. Farhang cho biết mình không được đào tạo trong thời gian này nhưng được chỉ định đến đưa tin về các sự cố an ninh. Emad Roustaei đã làm việc cho 1TV từ năm 2014 nhưng chỉ một lần duy nhất được đào tạo bởi Ủy ban an toàn nhà báo Afghanistan. Roustaei cho biết, rất nhiều lần ông phải đưa tin tại hiện trường các vụ đánh bom nhưng không được trang bị an toàn.

"Vào ngày 28-1, tôi đang trên đường đi tác nghiệp về một vụ việc khác thì nhận được cuộc gọi từ người biên tập tin tức, yêu cầu tôi đến hiện trường một vụ nổ vừa xảy ra trong thành phố. Tôi được cho biết, tôi là người đang ở gần nhất. Tôi không mặc áo khoác và mũ bảo hiểm và tôi đã đi, "Roustaei nói. Vụ đánh bom tự sát đó đã giết chết ít nhất 95 người và làm bị thương 158 người khác ở trung tâm Kabul".

Người đứng đầu kênh tin tức và các vấn đề hiện tại của 1TV, Abdullah Khenjani, thừa nhận đã có một số trường hợp không thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ trước khi cử các nhà báo đến hiện trường các sự cố an ninh. Khi được hỏi về vấn đề đào tạo an toàn, ông Khenjani nói 1TV không có ngân sách cho các chương trình như vậy, nhưng sẽ đánh giá rủi ro an ninh trước khi cử các nhà báo đi tác nghiệp.

Theo tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), nhiều phóng viên đã bị giết ở Afghanistan trong năm nay so với bất kỳ quốc gia nào khác. Sự cạnh tranh giữa nhiều tổ chức truyền thông ở Afghanistan rất khốc liệt. Emad Roustaei nói: "Chúng tôi đang chịu áp lực để trở thành người đầu tiên đưa tin về vụ đánh bom và quay phim hay phát sóng trực tiếp những bức ảnh đẹp nhất".

Điều phối viên chương trình Ủy ban bảo vệ các nhà báo Châu Á, Steven Butler, cho rằng các biện pháp an toàn nên được thực hiện bởi các nhà báo, nhà tuyển dụng và lực lượng an ninh ở Afghanistan. "Tất cả các nhà tuyển dụng của các nhà báo cần đảm bảo rằng các nhà báo của họ được đào tạo và trang thiết bị cần thiết để họ có thể thực hiện công việc một cách an toàn", ông nói.

Một môi trường truyền thông sôi nổi và trẻ trung là một trong những thành công lớn của Afghanistan sau năm 2001. Nhưng các cơ quan truyền thông phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt và luôn luôn bị đe dọa. Tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết, 60 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị giết ở Afghanistan trong 17 năm qua.

AN BÌNH (Theo BBC)