Afghanistan và 5 “cuộc chiến” phải đương đầu

Thứ tư, 28/06/2017 08:19

(Cadn.com.vn) - Mỹ đã tuyên bố sẽ sớm bổ sung thêm 4.000 binh sĩ cho Afghanistan, đưa số quân Mỹ và NATO đang có mặt tại nước này lên 18.000 người. Động thái này là kết quả của quá trình xem xét liên ngành của Mỹ và tương ứng với các đề xuất của chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan, tướng John Nicholson. Nhưng vấn đề tăng quân số sẽ không thể giải quyết được các câu hỏi hóc búa mà Kabul đang đối mặt.

Vấn đề chi phối các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan thường tập trung vào cuộc chiến của Mỹ tại nước này và những ý nghĩa chiến lược của nó. Cách tiếp cận này bỏ qua thực tế, Afghanistan không chỉ đang đối mặt với 1 mà còn có 4 cuộc xung đột khác. Điều thú vị là, 4 mâu thuẫn này đã tồn tại trước khi Mỹ đem quân đến nước này vào năm 2001. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ thường không chú ý đến những phức tạp lịch sử của vùng, do đó khiến tình hình thêm rối rắm.

Cuộc chiến đầu tiên Afghanistan đang đối mặt là chủng tộc. Đây là cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị lâu năm giữa Pashtuns -- cộng đồng sắc tộc thống trị đất nước - và các nhóm sắc tộc khác: Uzbek, Hazara, Tajik, Aimaq, và một số các nhóm sắc tộc thiểu số khác. Về mặt lịch sử, Pashtuns hầu như luôn đứng đầu về quyền lực chính trị trong nước, mặc dù họ chiếm chưa đến một nửa tổng dân số. Họ đấu tranh để bảo vệ vị trí này, trong khi các đối thủ đã tạo ra một mạng lưới liên minh để chống lại quyền lực của Pashtuns.

Điều này thể hiện rõ vào năm 2004, khi khuôn khổ hiến pháp mới được đưa ra nhằm ổn định chính phủ bằng cách tập trung quyền lực vào tổng thống. Điều này tạo ra sự chống đối và thù địch dai dẳng từ các phe phái không phải là Pashtuns, đến nỗi vào năm 2014 Tổng thống Ashraf Ghani, một người Pashtuns, buộc phải đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực với cố vấn Abdullah Abdullah, một người Tajik, thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Những rạn nứt sắc tộc này cũng xảy ra trong quân đội và các viên chức chính quyền địa phương.

Việc Mỹ tăng quân tại Afghanistan khó có thể mang lại hòa bình cho đất nước này. Ảnh: Diplomat

Những xung đột chính trị trong cộng đồng Pashtuns cũng làm cho vấn đề càng phức tạp hơn. Đây là cuộc xung đột thứ hai, có tính chất liên vùng, xảy ra tại các bộ lạc và kéo dài từ thế kỷ XVIII. Mâu thuẫn chính là bộ tộc Ghilzai ở vùng nông thôn phía đông và bộ tộc Durrani ở phía nam. Nhà nước Afghanistan được thành lập vào năm 1747 khi Ghilzai bị Durrani đánh bại. Kể từ đó, Durrani cai trị đất nước cho đến năm 1996. Sau đó, Taliban nắm quyền dưới sự lãnh đạo của Mullah Mohammed Omar, một người Ghilzai. Sự can thiệp của Mỹ đưa quyền lực trở lại tay Durrani bằng cách đưa ông Hamid Karzai lên làm tổng thống lâm thời vào năm 2002. Hiện nay, bạo lực ở phía đông Afghanistan là sự tiếp nối của cuộc tranh giành quyền lực kéo dài hàng thế kỷ giữa hai bộ tộc này. Đa số quân của Taliban là Ghilzai, người cho rằng họ đang chiến đấu chống lại các “kẻ xâm lăng phương Tây” liên minh với chính phủ Durrani thù địch.

Xung đột thứ ba là cuộc chiến tranh văn hóa giữa các thế lực tiến bộ ở các trung tâm đô thị của Afghanistan và các thế lực bảo thủ tôn giáo ở khu vực nông thôn. Cuộc xung đột này cũng kéo dài hàng trăm năm. Thứ tư là cuộc xung đột của toàn bộ khu vực Nam Á: chiến tranh lạnh giữa Pakistan và Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Pakistan đều từng sử dụng Afghanistan để đạt được chiều sâu chiến lược và lợi thế bất đối xứng đối với Kabul. Ảnh hưởng lan tỏa của cuộc chiến tranh lạnh này tạo ra một cuộc nổi dậy khác - Taliban tại Pakistan, nhóm cực đoan  hoạt động chủ yếu ở các Khu vực bộ tộc của Pakistan.

Đối với 4 mâu thuẫn này, cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan làm nổi bật các mâu thuẫn khác. Việc triển khai 4.000 quân sẽ không chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc kéo dài giữa Pashtuns và các cộng đồng khác, cũng không làm giảm đi sự thù địch kéo dài hàng trăm năm qua giữa Durrani và Ghilzai. Các cộng đồng nông thôn sẽ tiếp tục chống lại bất kỳ hình thức xâm lược “ngoại quốc” nào hoặc cố gắng làm thay đổi văn hóa truyền thống của họ. Hơn 15 năm ngoại giao của Mỹ không thể thay đổi chiến lược của Islamabad ở Afghanistan và đất nước này sẽ không bao giờ ngừng trở thành “sân khấu” Chiến tranh Lạnh Ấn Độ - Pakistan.

Với việc đưa thêm quân đội tới Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mắc phải sai lầm tương tự như những người tiền nhiệm. Động thái  mới nhất của chính quyền Trump sẽ phần nào ức chế đà tiến lên của Taliban nhưng không thể góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để thiết lập hòa bình bền vững trong nước. Thay vào đó, chính quyền Trump nên theo đuổi chiến lược ngăn chặn - một cách tiếp cận nhằm bảo vệ Mỹ khỏi các mạng lưới khủng bố ở Afghanistan và ngăn ngừa sự bất ổn của khu vực. Trong bối cảnh này, mục tiêu biến Afghanistan thành quốc gia hiện đại, tự do là không thể thực hiện được.

AN BÌNH (Theo Diplomat)