Al-Qaeda đe dọa Iraq

Thứ ba, 07/01/2014 00:10

(Cadn.com.vn) - Các cuộc tấn công của Al-Qaeda đang có chiều hướng gia tăng ở Iraq, biến nhóm khủng bố này thành mối đe dọa an ninh lớn nhất cho quốc gia Nam Á.

Chính phủ Iraq tuyên bố mất quyền kiểm soát thành phố chiến lược miền Tây Falluja vào nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) của Al-Qaeda địa phương. ISIS sau đó tuyên bố, nơi đây là thủ đô của nhà nước Hồi giáo độc lập mới.

Các chiến binh thánh chiến tiếp tục đánh bật các lực lượng chính phủ Iraq khỏi thành phố của người Hồi giáo dòng Sunni khác ở miền Tây là Ramadi. Cả hai thành phố trên đều thuộc tỉnh Anbar.

Đối với Mỹ, tại thời điểm Iraq đang trên đường tiến đến nền dân chủ ổn định, Anbar chứa ý nghĩa lịch sử quan trọng- là nơi Mỹ tiêu tốn nhiều sức lực nhất, và có lẽ cũng là nơi thành công quan trọng nhất trong cuộc chiến kéo dài 8 năm trước.

Các tay súng bộ lạc và cảnh sát Iraq đứng gác ở Ramadi hôm 2-1. Ảnh: NYT

Xung đột bùng phát

Mặc đồ đen và vẫy cờ Al-Qaeda, các tay súng ra lệnh cho người phát ngôn nhà thờ Hồi giáo kêu gọi người ủng hộ tham gia cuộc đấu tranh trong cả hai thành phố. Đây là nơi ngày càng trở thành trung tâm của chủ nghĩa cực đoan Sunni kể từ khi lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Bạo lực ở Ramadi và Fallujah chịu những tác động từ bên ngoài, bởi các chiến binh Sunni tại đây đang chiến đấu theo lý tưởng của ISIS, vốn đang làm mưa làm gió tại Syria. Trong bối cảnh hỗn loạn, khó có thể xác định chính xác số thương vong, nhưng các quan chức an ninh tại Anbar cho biết, tổng số người thiệt mạng trong vài ngày qua là 108, trong đó có 31 dân thường và 35 phiến quân, còn lại là lực lượng an ninh Iraq.

Xung đột bùng phát sau khi Thủ tướng Nuri al-Maliki, một người Shiite, ra lệnh cho lực lượng an ninh tháo dỡ lều của những người biểu tình tại Fallujah và Ramadi. Yêu cầu trên được đưa ra sau vụ bắt giữ một nhà lập pháp Sunni nổi bật, ủng hộ các cuộc biểu tình. Các cuộc biểu tình thường xuyên diễn ra trong hơn một năm qua và trở thành lối thoát cho người Sunni vốn thất vọng và giận dữ trước sự thống trị của chính phủ Shiite của ông Maliki. Nỗ lực bắt giữ khiến nhiều vệ sĩ và anh trai của nhà lập pháp trên thiệt mạng, dẫn đến xung đột giữa chính phủ và các bộ lạc.

Tình hình ổn định trở lại sau một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo bộ lạc địa phương và chính quyền trung ương. Ông Maliki đồng ý rút quân đội khỏi Anbar hôm 1-1.

Al-Qaeda trỗi dậy

Tuy nhiên, sau khi quân chính phủ biến mất, số lượng lớn các tay súng chiến đấu Al-Qaeda tấn công các thành phố, buộc Thủ tướng đảo ngược quyết định. Ông gửi quân hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo bộ tộc địa phương, cung cấp cho họ súng và tiền bạc để tham gia cùng với lực lượng quân đội chính quy.

Một tay súng chiến đấu của bộ lạc trung thành với chính phủ, Abu Omar, mô tả cuộc đụng độ ở Fallujah: “Các bệnh viện ở Fallujah đầy người chết và bị thương”. Nhiều tay súng bộ lạc miễn cưỡng chiến đấu cùng với lực lượng an ninh của chính phủ chỉ vì cho rằng, chính phủ ít ra cũng không tồi tệ như Al-Qaeda. Nhiều người Sunni ở Iraq phàn nàn, chính phủ xa lánh người Sunni với những cuộc đàn áp khắc nghiệt và bắt giữ hàng loạt những người Sunni. Chính hành động của chính phủ đẩy mọi người đến với Al-Qaeda.

Để che đậy sự bất lực của quân đội trong việc ngăn bước tiến của Al-Qaeda, chính phủ Thủ tướng Maliki tuyên bố, các nhóm thánh chiến đã chịu tổn thất nặng nề và thủ lĩnh ISIS là Abu Bakr Al-Baghdadi bị tiêu diệt trong trận đánh.

Tuy nhiên, các nguồn tin Phương Tây bác lại tuyên bố này và khẳng định, Al-Baghdadi vẫn đang tổ chức cuộc phản công chống quân đội Iraq từ khu vực Baqouba ở tỉnh miền Đông Diyala. Thông tin này cho thấy, Al-Qaeda tiếp tục chiếm giữ các phần lãnh thổ Iraq.

Sự bất mãn của người Sunni

Với tỷ lệ thương vong ở mức cao nhất trong 5 năm, Mỹ ngay lập tức cung cấp cho chính phủ Iraq tên lửa mới và máy bay giám sát để chống lại Al-Qaeda.

Sự hỗn loạn tại Anbar nhấn mạnh sự suy yếu về an ninh của Iraq kể từ khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Các cuộc xung đột nâng cao mối quan ngại rằng Iraq đang rơi vào cuộc nội chiến sắc tộc mà nước này từng phải đối mặt trong thời gian Mỹ đóng quân. Trung tâm của tình trạng bất ổn là ở khu vực sa mạc Anbar, cái nôi của sự bất mãn của người Sunni, nơi các bộ lạc ngang tàng bất chấp chính quyền.

Theo Hiệp ước của Mỹ với các bộ lạc Anbar trong năm 2007, Washington phải trả tiền để họ đứng về phe Mỹ, chiến đấu chống lại Al-Qaeda. Đối với nhiều người Anbar, trong vài năm qua, giao tranh diễn ra liên tục, và đối thủ của họ cũng liên tục thay đổi. “Chúng tôi chiến đấu chống người Mỹ, chống quân đội ông Maliki, và bây giờ chúng tôi đang chiến đấu chống Al-Qaeda”, Firas Mohammed, 28 tuổi, một kỹ sư, cho biết. 

Các nhà phân tích từ lâu lo ngại, cuộc nội chiến ở Syria sẽ nhấn chìm Iraq, khi những phiến quân Sunni nhận thấy hai nước là một trong những chiến trường trong cuộc đấu tranh cho sự thống trị của người Sunni. Những nỗi sợ hãi lan truyền trong sa mạc Anbar, giáp biên giới Syria, khiến nó trở thành lãnh thổ màu mỡ cho sự hồi sinh của Al-Qaeda.

 An Bình

(Theo New York Times)