Am ảnh tai nạn giao thông tại đường ngang dân sinh
(Cadn.com.vn) - Gần đây, trên tuyến đường sắt Bắc- Nam qua địa bàn tỉnh TT-Huế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt (TNĐS) nghiêm trọng tại điểm giao nhau với đường ngang dân sinh (ĐNDS). Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNĐS nói trên đều do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. 101 km đường sắt qua địa bàn TT-Huế hiện có đến hàng chục ĐNDS không gác chắn, không biển báo... tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt rất cao.
THẤY ĐÈN CẢNH BÁO VẪN BĂNG QUA ĐƯỜNG SẮT
Vụ TNĐS xảy ra gần đây nhất vào chiều 26-3, tại ĐNDS giao với đường sắt qua thôn Phú Cường (xã Lộc Thủy, H. Phú Lộc, TT-Huế), anh Nguyễn Tiến (46 tuổi) và Nguyễn Quang (31 tuổi, cùng trú H. Krông Năng, Đắc Lắc) đi trên xe máy BKS 75R2-1382 băng qua đường sắt thì bị tàu SE2 tông khiến cả hai tử vong tại chỗ. Nhân chứng cho hay, lúc xảy ra tai nạn tuy có nhìn thấy 2 xe ben dừng tránh tàu nhưng 2 người đi mô-tô trên vẫn cố tình băng qua đường sắt khi tàu hỏa đang đến.
Trước đó, tại khu vực này cũng đã xảy ra nhiều vụ TNĐS nghiêm trọng, trong đó hầu hết các vụ, nạn nhân đều tử vong... Ở vị trí đường ngang giao với đường sắt nói trên không có hệ thống đèn tín hiệu, rào chắn mà chỉ có biển cảnh báo. Trong khi đó, hàng ngày, có hàng trăm phương tiện qua lại đường ngang này để vào nhà máy xử lý chất thải của tỉnh và thi công hồ chứa nước Thủy Yên- Thủy Cam.
Hiện trường vụ TNĐS ở xã Lộc Thủy ngày 26-3 khiến 2 người tử vong. |
Ông Lê Vỹ (60 tuổi), Đội trưởng Đội xe thồ tự quản P. Phú Thuận (TP Huế) cho biết, nhiều năm nay, ông cùng các thành viên trong đội xe thồ đã can thiệp hàng trăm trường hợp khi băng qua đường sắt mà tàu đang tiến gần. “Có khi, đang ngồi đối diện với đường sắt, nghe tiếng còi tàu hú nhưng có người vẫn vô tư chạy xe qua, rứa là anh em lao tới kéo xe lại. Hoặc gần đây nhất, có 2 cụ già đi bộ qua đường, vừa đi vừa nói chuyện trong khi tàu đang đến. Tôi chạy thục mạng, 2 tay kéo mạnh 2 cụ ra khỏi đường ray”- ông Vỹ kể. Đó chỉ là một trong số ít trường hợp băng qua đường sắt khi tàu đang tiến lại gần mà ông Vỹ và anh em trong tổ xe thồ tự quản can thiệp và giúp họ thoát khỏi cái chết.
Một người dân sống gần ĐNDS không gác chắn ở Cửa Hữu (P. Thuận Hòa) cho biết, các vụ TNĐS xảy ra hầu hết là do ý thức của người tham gia giao thông, nhiều người rất chủ quan. Được biết, tại ĐNDS có biển báo đối diện Cửa Hữu, chính quyền phường và người dân nhiều lần đề xuất làm gác, ngành đường sắt đã nhiều lần về khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo ghi nhận của P.V, vào buổi sáng, tại đường sắt có thiết bị cảnh báo nhưng không có gác chắn qua địa bàn P. Phú Thuận, lưu lượng người và xe cộ qua lại tấp nập. Lúc 9 giờ ngày 1-4, khi tàu sắt thống nhất Bắc-Nam đang tiến vào đoạn đường này, dù đèn cảnh báo tự động báo tàu đang đến nhưng rất nhiều người điều khiển xe máy vẫn bất chấp, vượt qua đường sắt.
Dù đèn cảnh báo tàu đang đến gần nhưng nhiều người vẫn băng qua đường sắt tại điểm ĐNDS ở P. Phú Thuận. Ảnh chụp sáng 1-4. |
CẦN BỔ SUNG CÁC THIẾT BỊ CẢNH BÁO
Sau thời gian tuyên truyền, vừa qua, Cty TNHH MTV Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên đã xóa bỏ 2 ĐNDS ở P. An Hòa và P. Thủy Dương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 58 ĐNDS bất hợp pháp ở TT-Huế. Đây là các điểm thường xảy ra các vụ TNGT đường sắt chết người ở TT-Huế. Ngoài ra, ở địa phương có 67 ĐNDS hợp pháp; trong đó, 26 ĐNDS có gác chắn, 21 ĐNDS có thiết bị cảnh báo tự động và 20 ĐNDS có trang bị biển báo thông thường.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, TP có đường sắt đi qua đã đánh giá các vụ TNGT đường sắt thường xảy ra tại các giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua thống nhất, hạn chế tối đa mở lối đi mới qua đường sắt. Để hạn chế các vụ tai nạn xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố không được cấp đất dọc đường sắt nằm trong hành lang an toàn giao thông (HLATGT) đường sắt.
Một ĐNDS chỉ có biển báo tồn tại nhiều năm nay ở địa bàn TP Huế. |
Việc cấp đất, cho thuê đất dọc theo HLATGT đường sắt chỉ được thực hiện khi đi liền với giải pháp xây dựng hệ thống đường gom và đường ngang qua đường sắt, đảm bảo an toàn, thông suốt. Bộ trưởng Thăng yêu cầu, Sở GTVT, cơ quan quản lý đường bộ địa phương có trách nhiệm rà soát, bổ sung biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các đường ngang. Đồng thời thực hiện đóng các lối đi dân sinh, thu hẹp lại để hạn chế các phương tiện cơ giới đường bộ qua lại (ô-tô, mô-tô 3 bánh), tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn xảy ra TNGT...
Hải Lan