Ấm áp xuân quê hương
(Cadn.com.vn) - Từ khắp 5 châu, bà con kiều bào đã trở về đất mẹ Việt Nam vui Xuân quê hương, không chỉ mang theo tình yêu, nỗi nhớ của hàng triệu người Việt xa quê mà còn ấp ủ bao dự định để góp sức xây dựng quê hương.
Bài phát biểu của Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hóa (Việt kiều Mỹ) trong buổi gặp mặt hơn 150 kiều bào dịp Tết tại Đà Nẵng dịp vừa qua khiến cho người nghe xúc động. “Từ khi xa quê hương thân yêu, tôi chắc rằng mỗi người con của quê mẹ Việt Nam không có ai là không hướng vọng về quê cha đất tổ để dõi theo cuộc sống của đồng bào trong nước, để biết về phát triển của Tổ quốc mình trên con đường hội nhập”- Giáo sư Hóa nhấn mạnh.
Đồng chí Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP (phải) trò chuyện với Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hóa trong buổi gặp mặt kiều bào. |
Là tiến sĩ vật lý hạt nhân, sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ nhưng giáo sư Hóa lúc nào cũng hướng về quê hương. Từ năm 1977, khi đất nước còn nhiều gian khó thì ông đã quyết tâm trở về. Để rồi suốt những năm tháng qua, ông luôn cố gắng không ngừng trên nhiều lĩnh vực, tham gia và khởi xướng nhiều hoạt động, dự án, đóng góp xây dựng đất nước. Và dù là tiến sĩ vật lý hạt nhân nhưng ông vẫn bỏ nhiều năm tháng để nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ mà ông cho rằng đã lấy “nhân tâm” để thu phục lòng người. Ông bảo, không nhiều nước trên thế giới có truyền thống dựng nước và giữ nước hiển hách như Việt Nam. Khi làm luận án thạc sĩ “Những đặc trưng truyền thống của cuộc cách mạng Việt Nam tháng 8-1945”, ông bác bỏ lý luận của các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng có sự gián đoạn trong lịch sử Việt Nam trong việc áp dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin để thay đổi toàn bộ lịch sử của đất nước. “Tôi đã chứng minh cuộc Cách mạng tháng Tám có tính kế thừa lịch sử truyền thống, là sự nối tiếp tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của đất nước Việt Nam đã có từ ngàn xưa”, Giáo sư, tiến sĩ Hóa nói.
Còn riêng với Đà Nẵng thì ông cho rằng, mảnh đất này là một tiền đồn chiến lược quan trọng của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thành công của dân tộc để nối liền một dải sơn hà từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Ông tâm sự: “Nhắc lại những mốc thời gian ấy, để nhớ rằng dân tộc Việt Nam có lịch sử lâu đời và chiến công huy hoàng hiển hách, để chúng ta tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Riêng cá nhân tôi chưa bao giờ xem mình là một Việt kiều, mà luôn ý thức mình là một người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chỉ là sống xa quê hương mà thôi. Tôi sẽ không ngần ngại làm tất cả những gì có thể trong công sức nhỏ bé của mình để đóng góp phần nào cho quê hương Đà Nẵng, cho đất mẹ Việt Nam”.
Đồng chí Võ Công Trí- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trò chuyện thân mật với bà con kiều bào và người nước ngoài sinh sống, công tác tại Đà Nẵng. |
Cũng giống như Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Hóa, tiếng gọi quê hương đã thôi thúc kiều bào trở về với đất mẹ Việt Nam. Họ trở về quê hương để làm công tác thiện nguyện, đầu tư xây dựng dự án, những người khác thì lặng lẽ vận động đóng góp để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Như việc làm của anh Trần Thắng (sống ở Mỹ), anh đã đến nhiều nơi trên thế giới để sưu tầm bản đồ liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa sau đó hiến tặng lại cho Đà Nẵng. Với 170 bản đồ, tư liệu và cả atlats địa lý, anh Thắng đã chứng minh rằng cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam và hoàn toàn không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa. Và cái gọi là “bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc để đòi chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa đều vô nghĩa. “Khi biết tin tôi mua bản đồ chứng minh Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam thì rất nhiều kiều bào đã đóng góp kinh phí. Bởi dù sống xa quê nhưng ai cũng mong muốn được đóng góp gì đó để bảo vệ chủ quyền đất nước”, anh Thắng tâm sự.
Riêng tại Đà Nẵng, trong năm 2014 đã có 68 dự án của kiều bào về đầu tư, xây dựng với tổng kinh phí lên đến 70 triệu USD, lượng kiều hối gởi về Đà Nẵng cũng đạt con số 116 triệu USD... Những con số ấy đã nói lên sự đóng góp không nhỏ của kiều bào cho sự phát triển của Đà Nẵng. Tâm sự với kiều bào trong ngày họp mặt, đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng muốn bà con kiều bào tiếp tục ủng hộ và góp sức xây dựng Đà Nẵng và thành phố luôn chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con kiều bào trở về đầu tư, sinh sống tại quê hương.
Như lẽ tự nhiên của đất trời và lòng người, tất cả kiều bào đều mong muốn được trở về quê hương. Và nói như lời Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hóa: “Chúng ta hãy thành kính dâng nén hương lòng để tri ân tưởng nhớ đến tiền nhân, đến ông cha, đến những mẹ hiền Việt Nam từ muôn thuở để mà biết đoàn kết, yêu thương nhau, để cùng chung tay gánh vác xây dựng đất nước mỗi ngày một phát triển”. Và ông đọc đôi câu đối Tết: “Lãnh đạo đức tài, quê hương Đà Nẵng trông chờ Năm Mới/ Nhân dân an lạc, xứ sở Việt Nam mong đợi Xuân Tươi” để thể hiện niềm tin tương lai của kiều bào đối với quê hương, đất nước.
Hoàng Anh
NGHỆ AN - Ngày 23- 2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi gặp mặt những người con xứ Nghệ ở nước ngoài về thăm quê hương, đón xuân Ất Mùi 2015. Nghệ An là tỉnh có số lượng kiều bào đông đảo (khoảng hơn 50.000 người). Năm 2014, lượng kiều hối chuyển về nước của kiều bào Nghệ An khoảng hơn 400 triệu USD, và là một trong những địa phương có lượng kiều hối lớn nhất trong cả nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 20 dự án của các doanh nhân, doanh nghiệp là người Nghệ An ở nước ngoài về đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 14.000 tỷ đồng. Các dự án của kiều bào đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách hơn 182 tỷ đồng. Dịp này, UBND tỉnh Nghệ An đã trao tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 4 cá nhân có thành tích đóng góp cho sự phát triển của quê nhà.
X.S |