Ấn Độ: Bùng nổ nạn tảo hôn trong đại dịch

Thứ bảy, 12/09/2020 17:00

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành, khủng hoảng kinh tế và việc các trường học đóng cửa trong nhiều tháng đang làm trầm trọng thêm các tệ nạn xã hội tại Ấn Độ, chẳng hạn như nạn kết hôn sớm.

Một cô dâu trẻ 7 tuổi ngồi sau xe tải để đợi các thành viên trong gia đình sau khi kết hôn, tại Biaora, cách Bhopal, Ấn Độ khoảng 135 km.

Arti Mukhia, 16 tuổi, một học sinh lớp 8 rất có triển vọng tại một trường học thành phố ở Alwar, Rajasthan, sẽ không quay lại trường học ngay cả khi nó mở cửa trở lại sau khi lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 được nới lỏng. Cô bé vừa kết hôn với một chủ tiệm góa vợ 30 tuổi. “Gia đình tôi nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để tôi kết hôn vì chồng tôi là chủ một cửa hàng tạp hóa và không yêu cầu bất kỳ của hồi môn nào. Chúng tôi cũng không phải chi nhiều tiền cho đám cưới, do đại dịch”, thiếu nữ này cho biết. “Mẹ tôi nói hôn nhân quan trọng hơn học vấn. Bất kể tôi có được bao nhiêu bằng cấp, cuối cùng tôi cũng chỉ làm nội trợ và  nuôi dạy những đứa trẻ”. Arti không tin rằng giáo dục sẽ giúp thay đổi cuộc sống của những người nghèo như cô. Vì vậy, mặc dù vẫn tiếp tục đi học nhưng khi có cơ hội, cô đã kết hôn với người đàn ông hơn cô 14 tuổi mà không đắn đo gì nhiều - mặc dù hôn nhân ở độ tuổi của cô là không hợp pháp.

Số lượng ca nhiễm Covid-19 của Ấn Độ hiện đang cao thứ ba trên thế giới. Đại dịch hoành hành khiến tình trạng mất việc làm ngày càng lan rộng, và việc trường học bị đóng cửa trong nhiều tháng đã có tác động tàn khốc đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người nghèo. Nó cũng làm trầm trọng thêm các tệ nạn xã hội như nạn kết hôn sớm.

Childline, một đường dây trợ giúp khẩn cấp miễn phí dành cho trẻ em do chính phủ tài trợ, cho biết đã ngăn chặn được 5.200 cuộc hôn nhân trẻ em trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Các nhà vận động cho biết, có thể đã có hàng nghìn cuộc hôn nhân đã không bị phát hiện do sự gián đoạn trong các cơ chế giám sát trong khi đại dịch đang hoành hành. Một báo cáo của LHQ công bố vào cuối tháng 4 dự đoán rằng Covid-19 có thể dẫn đến 13 triệu cuộc hôn nhân trẻ em trong thập kỷ tới trên toàn thế giới. Có vẻ như Ấn Độ là nước dẫn đầu xu hướng này. Theo báo cáo năm 2019 của UNICEF, quốc gia đông dân thứ hai thế giới với 1,4 tỷ người có số cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới - 23 triệu người, chiếm 1/3 số cô dâu toàn cầu. Hơn 27% trẻ em gái ở Ấn Độ kết hôn trước 18 tuổi và 7% kết hôn trước tuổi 15. Mỗi năm, Ấn Độ có ít nhất 1,5 triệu trẻ em gái dưới 18 tuổi kết hôn và gần 16% trẻ em gái vị thành niên (từ 15-19 tuổi) của nước này hiện đã kết hôn.

“Có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một số lượng lớn các cuộc tảo hôn. Đây là điều mà tôi đã nghe từ Ấn Độ, Châu Phi, Mỹ Latinh. Một số người nói rằng điều này có thể xóa bỏ những thành tựu hàng thập kỷ mà chúng tôi đã làm để giảm thiểu tình trạng tảo hôn”, Faith Mwangi-Powell, Giám đốc điều hành của Girls Not Brides, một tổ chức phi chính phủ quốc tế giải quyết vấn đề tảo hôn, nói với Reuters.

Hệ quả

Theo UNICEF, nạn tảo hôn đã tước đi cơ hội giáo dục của trẻ em gái và khiến các em phải sống trong cảnh bị áp bức, bạo lực gia đình và phải sinh con khi còn quá nhỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nguyên nhân tử vong chính của trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi là do các biến chứng khi mang thai hoặc sinh nở.

Nhà hoạt động, Tiến sĩ Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội (CSR), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi, cho rằng kết hôn sớm gây ra những tổn thất lớn về kinh tế, xã hội. Theo một cuộc khảo sát do CSR thực hiện ở Uttar Pradesh và Madhya Pradesh vào năm 2015, nguyên nhân chính dẫn đến kết hôn sớm là khó khăn về kinh tế. “Chúng tôi nhận thấy rằng các bậc cha mẹ đẩy con gái họ vào những cuộc hôn nhân như vậy chủ yếu là để không phải thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ đó. Họ cảm thấy điều này giúp họ tiết kiệm cả tiền bạc và phiền toái vì việc nuôi nấng cô gái sau đó trở thành trách nhiệm của gia đình chồng”, ông Kumari nói. “Nhiều gia đình coi con gái là tài sản của người khác. Đây cũng là lý do tại sao họ chi tiền cho việc giáo dục con trai, vì con trai sẽ sống với cha mẹ và được xem như một khoản bảo hiểm cho tuổi già”, ông Kumari nói thêm.

Theo các nghiên cứu do CSR thực hiện, trẻ em gái kết hôn sớm dễ bị lạm dụng thể xác, thậm chí là hiếp dâm. “Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng 21 là tuổi tốt để kết hôn. Phụ nữ ở độ tuổi này được giáo dục tốt hơn, điều này giúp nâng cao khả năng tìm được việc làm, quyền tự quyết của họ và trao cho họ cơ hội đứng vững trên đôi chân của mình. Độc lập kinh tế là con đường giúp họ tiến lên”, ông Kumari cho biết. Theo ông Kumari, thông báo gần đây của chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ xem xét sửa đổi tăng độ tuổi kết hôn tối thiểu của phụ nữ từ 18 lên 21, là một bước đi đúng hướng.

Luật mạnh nhưng vẫn còn bất cập

Ấn Độ đã đưa ra luật rất mạnh để ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Đạo luật Cấm Trẻ em Kết hôn năm 2006 quy định khoản tiền phạt 1.535 USD và 2 năm tù giam đối với cha mẹ để con chưa đủ tuổi thành niên của mình kết hôn. New Delhi cũng cam kết xóa bỏ tình trạng tảo hôn trước năm 2030 theo nội dung Các mục tiêu Phát triển Bền vững của nước này.

Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn do Bộ Phụ nữ và Phát triển Trẻ em soạn thảo năm 2013, tập trung vào việc “thực thi pháp luật, thay đổi tư duy và chuẩn mực xã hội, trao quyền cho thanh thiếu niên, nâng cao chất lượng giáo dục và chia sẻ kiến thức”. Một báo cáo của Ủy ban Pháp luật năm 2017 cũng khuyến nghị bắt buộc phải đăng ký kết hôn để ngăn chặn tình trạng hôn nhân ép buộc và kết hôn sớm.

“Trên thực tế, các luật liên quan đến tảo hôn đã liên tục được đưa ra ở Ấn Độ kể từ khi nước này thông qua Luật Cấm tảo hôn. Tuy nhiên, họ đã không kiểm tra được mức độ thực hiện vì nó rất mơ hồ và có nhiều kẽ hở”, Suman Taneja, một luật sư dân quyền tại Tòa án Tối cao giải thích. Sự tồn tại của vô số luật lệ tôn giáo cá nhân khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Giáo dục là chìa khóa

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cảm thấy rằng biện pháp trừng phạt là không đủ để giải quyết vấn đề. “Chúng ta sẽ bỏ tù bao nhiêu bậc cha mẹ?”, Ashutosh Mishra, Giám đốc chương trình cấp cao tại Kailash Satyarthi Children’s Foundation (KSCF), một tổ chức phi lợi nhuận Ấn Độ do người đoạt giải Nobel Ấn Độ Kailash Satyarthi đứng đầu, đặt câu hỏi.

“Trong quá trình can thiệp của chúng tôi trên 6 tiểu bang, chúng tôi phát hiện ra rằng kết hôn trẻ em thường là vỏ bọc cho nạn buôn người. Các cô gái sau khi kết hôn đã bị bán đi. Tuy nhiên, niềm tin của xã hội quá cố chấp đến mức các tình nguyện viên của chúng tôi thậm chí đã bị đánh và bị đe dọa nếu chúng tôi cố gắng thay đổi suy nghĩ của dân làng về những vấn đề như vậy”, ông Mishra nói. “Tuy nhiên, trong những năm qua, những trường hợp như vậy đã giảm dần nhờ tư vấn và giáo dục”, ông Mishra nói thêm.

P. Nagasayee Malathy, Giám đốc điều hành KSCF, cho rằng giáo dục cho trẻ em gái và cha mẹ của họ, thúc đẩy sự nhận thức về bình đẳng giới và nhận thức xã hội là chìa khóa để xóa bỏ tình trạng tảo hôn ở trẻ vị thành niên. “Cách tiếp cận của chúng tôi là trao quyền và giáo dục tất cả các bên liên quan. Chúng tôi giáo dục trẻ em về quyền của chúng. Điều này giúp họ tự tin lên tiếng phản đối mọi hình thức bóc lột. Hàng nghìn trẻ em đã được giải cứu khỏi nạn tảo hôn, lao động trẻ em và buôn người nhờ phương pháp này”.

AN BÌNH