Ấn Độ đẩy mạnh hoạt động thương mại vũ trụ

Thứ ba, 27/09/2016 10:35

(Cadn.com.vn) - Ấn Độ mới đây phóng thành công tên lửa mang theo 8 vệ tinh vào vũ trụ. Mục đích chính của vụ phóng, diễn ra tại trung tâm vũ trụ Sriharikota ngoài khơi bờ biển phía đông Ấn Độ, là đưa vào quỹ đạo vệ tinh dự báo thời tiết SCATSAT-1. 5 trong số 8 vệ tinh được phóng lần này là của các nước gồm Mỹ, Canada và Algeria. Hồi tháng 6, Ấn Độ đưa 20 vệ tinh vào vũ trụ chỉ trong 1 lần phóng, nhiều nhất trong lịch sử chương trình vũ trụ đầy tham vọng của nước này. 17 vệ tinh trong số đó là của nước ngoài. Vụ phóng mới nhất đưa số lượng vệ tinh nước ngoài được Ấn Độ phóng lên con số 79, giúp New Dehli kiếm hơn 120 triệu USD. Cơ quan vũ trụ Ấn Độ đang đẩy mạnh hoạt động thương mại này.

Tin tốt

Đây là tin tốt đối với một quốc gia thường xuyên đối mặt với những chỉ trích về việc chi tiêu quá hạn hẹp cho chương trình vũ trụ.

 Ông AS Kiran Kumar, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ nhà nước Ấn Độ (ISRO) cho biết, cơ quan đang đẩy mạnh các hoạt động này một cách hiệu quả hơn. "Chúng tôi muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách sử dụng không gian dư thừa có sẵn trong tên lửa khi chúng tôi phóng vệ tinh", ông nói.

Khả năng đưa nhiều vệ tinh lên vũ trụ trong một lần phóng duy nhất khiến Ấn Độ trở thành đối tác tin cậy trên thị trường toàn cầu. Nhiều Cty tư nhân đang phát triển các vệ tinh họ cần, nhưng hầu hết không đủ khả năng để tự phóng vào vũ trụ. Vì vậy, họ cần sự giúp đỡ của các cơ quan như ISRO. "Nhu cầu phóng vệ tinh đang phát triển theo cấp số nhân trên toàn thế giới, bởi vì các Cty lên kế hoạch phóng các nhóm vệ tinh thương mại, từ 24-648 vệ tinh", bà Susmita Mohanty, giám đốc điều hành Earth2Orbit, Cty đang giúp đàm phán thỏa thuận phóng vệ tinh giữa cơ quan vũ trụ Ấn Độ và các Cty tư nhân.

Một lý do khác khiến Ấn Độ trở thành đối tác hấp dẫn bởi tần số các vụ phóng tên lửa của nước này khá dày và khả năng đáp ứng đúng thời hạn đưa ra. Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện 12 vụ phóng tên lửa/năm, gấp đôi so với năm 2015.

Ấn Độ đưa 20 vệ tinh vào vũ trụ hồi tháng 6. Ảnh: BBC

Khẳng định vị thế

Tuy nhiên, đưa vệ tinh nước ngoài lên vũ trụ không hề đơn giản. "Thật phức tạp khi đưa một vệ tinh của Cty nước ngoài lên tên lửa được chế tạo bởi cơ quan vũ trụ của chính phủ. Có nhiều rào cản về pháp lý, hợp đồng, kiểm soát, xuất khẩu…", bà Mohanty cho biết. Ngoài ra, Ấn Độ phải cạnh tranh, không chỉ với các nước khai thác hoạt động thương mại vũ trụ khác, mà còn với các Cty tư nhân.

 Cho đến nay, Ấn Độ chỉ phóng vệ tinh nước ngoài nhỏ và nhẹ, sử dụng tàu đẩy vệ tinh cực (PSLV), với 36 vụ phóng thành công liên tiếp cho đến nay. Nhưng phóng vệ tinh nặng hơn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Ấn Độ từng phóng thành công vệ tinh hạng nặng sử dụng tàu đẩy vệ tinh địa tĩnh (GSLV) nhưng cho đến nay chỉ được sử dụng phóng các vệ tinh trong nước. Trong những tháng gần đây, Ấn Độ nhận được nhiều lời đề nghị từ các Cty nước ngoài về việc phóng vệ tinh sử dụng GSLV. Nếu thành công trong việc đưa vệ tinh hạng nặng vào vũ trụ, New Dehli có thể khẳng định vị thế của mình trên thị trường trị giá hàng tỷ USD này.

An Bình
(theo BBC)