Ấn Độ lo ô nhiễm không khí
Tối 5-11, hơn 1.500 người đã tập trung tại Cổng Ấn Độ, đài tưởng niệm chiến tranh ở trung tâm thủ đô New Delhi, để phản đối mức độ ô nhiễm không khí đạt mức cao kỷ lục khiến các trường học phải đóng cửa và các chuyến bay phải chuyển hướng. Họ yêu cầu chính quyền bang và chính phủ phải hành động.
Người biểu tình tập trung tại Cổng Ấn Độ ở thủ đô New Delhi khi thành phố bị ô nhiễm không khí ở mức kỷ lục. Ảnh: CNN |
“Điều quen thuộc hàng năm”
New Delhi là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ấn Độ, nhưng các thành phố khác cũng gánh chịu mức độ ô nhiễm cao chưa từng thấy. Cả miền bắc Ấn Độ đang hít thở bầu không khí độc hại, bởi mùa đông, khi gió mùa kết thúc, các chất ô nhiễm bị mắc kẹt trong bầu khí quyển. Trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, 22 thành phố nằm ở Ấn Độ. Tuy nhiên, cuộc biểu tình tại Cổng Ấn Độ là cuộc biểu tình lần đầu tiên trong mùa đông này.
Chất lượng không khí ở New Delhi rất tệ trong gần như cả năm, ngoại trừ một vài tuần khi những cơn mưa gió mùa cuốn đi các chất ô nhiễm. Hầu như đã trở thành một điều quen thộc hàng năm, cứ mùa đông đến, người dân lại lo lắng về ô nhiễm không khí bởi khói mù dày đặc đến nỗi họ không thể nhìn thấy các tòa nhà nằm san sát nhau. Đến tháng 2, bầu trời xanh trở lại và vấn đề lại bị lãng quên. “Mọi người không biết hậu quả của việc ô nhiễm là như thế nào. Trong chính gia đình tôi, mọi người nghĩ rằng họ không cần phải đeo mặt nạ hoặc sử dụng máy lọc không khí. Họ không nghĩ rằng điều đó gây ảnh hưởng khủng khiếp đến họ”, Gobind Kapur, 31 tuổi, một nhà thiết kế nội thất, cho biết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn thế giới, có tới 4,2 triệu người chết mỗi năm do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Và khói bụi có khiến tỷ lệ đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi và bệnh phổi mãn tính cao lên. Nhưng theo một người biểu tình tại Cổng Ấn Độ, người dân New Delhi không nhận thức được mối liên hệ giữa không khí bị ô nhiễm với những thiệt hại lâu dài đối với sức khỏe của họ. “Họ không nghĩ rằng điều quan trọng là phải xuất hiện trong cuộc biểu tình khi các chính trị gia không làm bất cứ điều gì để cải thiện tình hình”, người này cho biết.
Chính quyền thờ ơ?
New Delhi được điều hành bởi chính quyền trung ương Ấn Độ và chính quyền thành phố.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hàng đầu của thành phố là do nông dân ở các bang lân cận như Punjab và Haryana đốt tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch lúa mì. Tuy nhiên, chính quyền các bang này đã không hợp tác để giảm ô nhiễm không khí, bất chấp những chỉ trích gần đây từ tòa án hàng đầu của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người rất sốt sắng trong việc giải quyết vấn đề quốc gia, cho đến nay vẫn im lặng về vấn đề ô nhiễm không khí ở thủ đô. Mỗi bang ở Ấn Độ do một đảng chính trị khác nhau lãnh đạo khiến cho việc phối hợp để giải quyết vấn đề gặp nhiều khó khăn. Cuộc bầu cử địa phương ở New Delhi sẽ diễn ra vào tháng 2-2020, nhưng ô nhiễm không khí không phải là vấn đề lớn ba đảng lớn tranh cử sẽ ưu tiên đề cập trong các chiến dịch tranh cử vì họ cho rằng đây không phải là điều khẩn cấp.
Nhà môi trường học Jai Dhar Gupta, lãnh đạo chiến dịch có tên “Quyền được thở”, đã tranh luận về vấn đề ô nhiễm không khí với các chính trị gia trên các chương trình trò chuyện trên truyền hình. Ông nói rằng, những lý lẽ của họ khiến ông thất vọng. “Ngay cả Ban kiểm soát ô nhiễm trung ương cũng không biết họ đang nói về cái gì. Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của ông Narendra Modi thậm chí không nghĩ đó là một vấn đề. Họ có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhân danh Narendra Modi và sự nổi tiếng của ông ấy, vì vậy họ không cần phải quan tâm đến các vấn đề của người dân”, ông Gupta nói.
Đạo luật về Không khí
Ông Gupta không phải là người duy nhất cố gắng giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện nay. Gaurav Gogoi, một nhà lập pháp thuộc đảng Quốc đại đối lập, muốn đưa ra một đề nghị mới để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí, khi Quốc hội Ấn Độ họp trở lại vào ngày 18-11 tới.
Ông Gogoi dự định sẽ đưa ra một Đạo luật về Không khí mới để thay thế đạo luật được ban hành năm 1981. Nó dựa trên các nội dung của Đạo luật Không khí Sạch Mỹ (1963). Dự luật của ông Gogoi có thể sẽ không được thông qua, nhưng ít nhất nó có thể gây ra một cuộc tranh luận. “Các nhà lãnh đạo chính trị cần thay đổi nhận thức rằng, ô nhiễm không khí chỉ là vấn đề môi trường mà cần hiểu rằng đó là vấn đề khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng”, ông nói.
AN BÌNH