Ấn độ - Pakistan, Trung Quốc chọn ai ?
(Cadn.com.vn) - Trong số các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng Châu Á, quan hệ với các nước ở Nam Á được xem là yếu nhất.
Nhưng với những căng thẳng với Nhật trên biển Hoa Đông và với nhiều quốc gia Đông Nam Á ở biển Đông, vai trò của các nước Nam Á trở nên nổi bật hơn. Khi nói đến Nam Á, Ấn Độ và Pakistan được nghĩ đến đầu tiên, nhưng đất nước nào quan trọng với tương lai Trung Quốc hơn? Bắc Kinh đang có "tình bạn" đẹp với Islamabad và mối quan hệ thường xuyên mâu thuẫn với New Delhi. Nhưng tương lai đôi khi khác quá khứ và hiện tại.
Ai mạnh hơn?
Nước nào mạnh hơn, Ấn Độ hay Pakistan? Câu trả lời đơn giản - Ấn Độ. Khi nói đến ảnh hưởng quốc tế, New Delhi là một phần của BRICS, G20 và là nhà lãnh đạo của các nước đang phát triển thông qua G77 (Nhóm các nước đang phát triển) và Phong trào Không liên kết. Ấn Độ cũng sẵn sàng trở thành cường quốc trên trường quốc tế.
Câu trả lời thể hiện rõ ở lĩnh vực kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP Ấn Độ trong năm 2013 là khoảng 1.900 tỷ USD. Ngược lại, GDP của Pakistan chỉ 236 tỷ USD, bằng khoảng 12% của Ấn Độ. Các chuyên gia tin rằng, Ấn Độ ngày nay giống như Trung Quốc vào giữa những năm 1980, sẵn sàng cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Ngược lại, kinh tế Pakistan không phát triển đáng kể trong thập kỷ qua. Khoảng cách giữa hai nước có thể sẽ mở rộng trong tương lai, khiến Pakistan luôn ở thế bất lợi khi so với Ấn Độ.
Ai mang lại nhiều lợi ích hơn?
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Khi Ấn Độ trở thành cường quốc thế giới, nước này có nhất thiết phải thân thiện với Trung Quốc?
Thật vậy, không phải tất cả các nước lớn đều chào đón Trung Quốc, chẳng hạn như Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay, hợp tác quốc tế giữa Trung-Ấn vẫn lấn át tranh chấp hai nước. Đây là lý do họ có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc hiểu rõ điều này. Mặc dù vấn đề biên giới Trung-Ấn vẫn đang được giải quyết, về bản chất, nó khác so với cuộc xung đột Trung-Nhật trên Senkaku/Điếu Ngư.
Nhận định Ấn Độ là cường quốc, Trung Quốc có lý do để phát triển quan hệ ngoại giao với New Delhi. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc dành nhiều nỗ lực để thiết lập một sự hiện diện ở Nam Á, xu hướng này sẽ tiếp tục và tăng cường trong tương lai.
Trung Quốc cần Ấn Độ hơn Pakistan. Ảnh: Reuters |
Tăng cường quan hệ
Giới lãnh đạo Bắc Kinh nhận thức được điều này. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thăm Ấn Độ như một phần của chuyến công du đầu tiên. Ông Lý cũng đề nghị thành lập Hành lang kinh tế Trung Quốc Ấn Độ-Bangladesh-Myanmar (BCIM), dấu hiệu cho thấy vai trò của New Delhi đối với Bắc Kinh. Mọi việc càng được củng cố khi Ấn Độ là điểm đến quan trọng nhất trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nam Á vừa qua.
Bất kỳ mối quan hệ nào giữa các cường quốc lớn cũng bao gồm cả hợp tác và cạnh tranh, và mối quan hệ Trung-Ấn không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh Trung-Ấn, chủ yếu là về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (và sẽ sớm trở thành số một), Ấn Độ không cần thiết phải cạnh tranh với Bắc Kinh về kinh tế mà tập trung vào tăng trưởng riêng của mình.
Về chính trị, Trung Quốc được xem là một đất nước quan trọng trên trường quốc tế, một trong những thành viên thường trực HĐBA LHQ. Ấn Độ không tìm cách thách thức vị trí của Trung Quốc mà tìm cách phối hợp với Bắc Kinh trong một số tổ chức quốc tế (như G20, BRICS, và bây giờ là SCO), để có được ảnh hưởng quốc tế lớn hơn.
Và tất nhiên, không giống như Ấn Độ, Pakistan không thể trở thành đối tác chiến lược cấp cao nhất của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế do khả năng hạn chế tại đấu trường thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không nên từ bỏ Pakistan, bởi Bắc Kinh cần thúc đẩy quan hệ ngoại giao ở Nam Á và chống khủng bố.
An Bình
(Theo Diplomat)