Ấn Độ tiếp tục “sứ mệnh Mặt trăng”

Thứ tư, 24/07/2019 12:44

Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh đưa tàu thám hiểm lên Mặt trăng, sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng đối với một quốc gia đang cố gắng trở thành một siêu cường không gian trong tương lai.

Mọi người ăn mừng khi xem truyền hình trực tiếp về vụ phóng Chandrayaan-2 bên trong một phòng trưng bày điện tử ở Kolkata.

Hệ thống thám hiểm Mặt trăng tiên tiến nhất của Ấn Độ có tên là Chandrayaan-2, nghĩa là “du thuyền lên Mặt trăng” đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại đảo Sriharikota ở bang Andhra Pradesh lúc 14 giờ 43 gày 22-7 (giờ địa phương) bằng tên lửa đẩy GSLV MKIII tiên tiến nhất. Trước đó, Ấn Độ dự kiến sẽ phóng tàu thám hiểm này vào ngày 15-7, nhưng kế hoạch bị hoãn chỉ 56 phút trước giờ phóng do “trở ngại kỹ thuật”, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) trước đó cho hay.

Ấn Độ hiện đang trên đường trở thành quốc gia thứ 4 - ngoài Mỹ, Trung Quốc và Nga - thực hiện một cuộc đổ bộ lên Mặt trăng. Nếu tàu thám hiểm Chandrayaan-2 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa thiết bị lên phần phía Nam chưa được khám phá của Mặt Trăng.

“Anh hùng” Chandrayaan-2

Chandrayaan-2, nặng 3,8 tấn, mang theo 1 phi thuyền quỹ đạo, 1 thiết bị đổ bộ, 1 thiết bị tự hành, tất cả đều do ISRO tự thiết kế chế tạo. Chi phí cho sứ mệnh ước tính vào khoảng 141 triệu USD.

Chandrayaan-2 dự kiến mất khoảng 2 tháng để tới Mặt trăng. Khi đến nơi, hệ thống sẽ di chuyển xung quanh một quỹ đạo tròn cách bề mặt của Mặt trăng khoảng 100 km. Từ đó, tàu đổ bộ có tên là Vikram sẽ tách khỏi tàu chính và hạ cánh trên bề mặt mặt trăng gần Nam Cực của nó. Tiếp đó, xe thăm dò mang tên Pragyan sẽ được triển khai và có cuộc khám phá Mặt trăng trong 14 ngày. Trong chuyến đi này, Pragyan sẽ thu thập các mẫu khoáng chất và hóa chất để phân tích về thành phần bề mặt của Mặt trăng. Trong vòng một năm sau đó, tàu quỹ đạo sẽ vẽ bản đồ bề mặt của Mặt trăng và nghiên cứu về bầu khí quyển bao quanh Mặt trăng.

Hồi tháng 6, ông Kailasavadivoo Sivan, Chủ tịch ISRO, cho biết, 15 phút cuối của cuộc đổ bộ “sẽ là những khoảnh khắc đáng sợ nhất đối với chúng tôi”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng ISRO trên Twitter. Vụ phóng Chandrayaan-2 diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ Mặt trăng của tàu Apollo của Mỹ, do đó sự kiện lần này thúc đẩy các cơ quan vũ trụ khác xem xét lại ý tưởng đưa con người lên Mặt trăng. NASA đã đưa ra một kế hoạch táo bạo đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng vào năm 2024.

Tham vọng không gian của Ấn Độ

Nhiệm vụ Chandrayaan-2 rất có ý nghĩa đối với Ấn Độ - quốc gia đang nỗ lực trở thành một người chơi lớn trong vũ trụ và tiến tới việc đưa các phi hành gia lên vũ trụ vào năm 2022.

Tàu thám hiểm Chandrayaan-1, sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, đã phát hiện ra các phân tử nước trên bề mặt Mặt trăng. Khi thực hiện nhiệm vụ này, một tàu thăm dò tác động đã đâm vào vùng cực nam của Mặt trăng trong một cuộc đổ bộ có kiểm soát. Nỗ lực hạ cánh là một thách thức kỹ thuật lớn hơn nhiều so với vụ tai nạn có kiểm soát của Chandrayaan-1. Hai nhiệm vụ của Chandrayaan-1 và 2 là tiền thân của Chandrayaan-3, dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ trở lại Mặt trăng vào năm 2023-2024.

Năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia Châu Á đầu tiên đến Hành tinh Đỏ, khi nước này đưa tàu thăm dò Mangalyaan vào quỹ đạo quanh Sao Hỏa. Nhiệm vụ này có chi phí 74 triệu USD. Năm 2017, Ấn Độ lập kỷ lục khi đưa 104 vệ tinh vào vũ trụ chỉ trong một lần phóng. Đầu năm nay, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ đã bắn hạ một trong số các vệ tinh của chính mình, đưa New Delhi trở thành 1 trong 4 quốc gia đạt được kỳ tích chống vệ tinh. Ông Modi cho biết, hoạt động Mission Shakti – có nghĩa là “Quyền lực” - sẽ bảo vệ lợi ích của đất nước trong không gian. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định New Delhi “không có ý định tham gia cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ”.

Quốc gia này cũng tiến tới việc trở thành bệ phóng các vệ tinh thương mại của thế giới. Theo cơ quan vũ trụ của chính phủ, Ấn Độ đã phóng 297 vệ tinh nước ngoài cho 33 quốc gia. Chủ tịch ISRO Sivan hồi tháng 6 cũng tuyên bố, Ấn Độ lên kế hoạch thiết lập một trạm vũ trụ độc lập vào năm 2030. Cơ quan vũ trụ Ấn Độ cũng đã đề xuất phóng tàu tới Sao Kim vào năm 2023.

AN BÌNH