Ấn Độ và kế hoạch đưa thủ lĩnh JeM vào danh sách khủng bố toàn cầu

Thứ ba, 05/03/2019 12:18

Khi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ năm 2002 tiếp tục diễn ra, thế giới đang theo dõi phản ứng của New Delhi trước động thái của Islamabad về việc thả viên phi công Ấn Độ bị bắt.

Thủ lĩnh Jaish-e-Mohammed, Masood Azhar.  Ảnh: AFP

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tất nhiên không phải là vào tháng 2-2019. Ấn Độ đã đưa ra quyết định tấn công vào lãnh thổ Pakistan để trả thù cho cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất đối với lực lượng an ninh của họ ở Kashmir trong 3 thập kỷ, nhưng tình hình hiện tại thực sự phản ánh sự sôi sục sau nhiều năm thất vọng của New Delhi.

Các nhóm khủng bố ủy nhiệm

Khi thời đại hạt nhân bắt đầu ở Nam Á, căng thẳng giữa hai người hàng xóm đã tạo ra một nhân vật mới. Các cơ quan quân sự và tình báo Pakistan nhận ra rằng, một công cụ mạnh mẽ có thể làm chảy máu Ấn Độ với hàng ngàn vết cắt sẽ là các nhóm khủng bố ủy nhiệm - những phiến quân mang tư tưởng chống Ấn Độ, có thể được huấn luyện và hướng dẫn.

Jaish-e-Mohammed (JeM), nhóm phiến quân ở trung tâm của cuộc xung đột đang diễn ra, là một cái tên quen thuộc với Ấn Độ. Nhóm chịu trách nhiệm về vụ cướp một chuyến bay của hãng hàng không Ấn Độ năm 1999, cuộc tấn công năm 2001 vào Quốc hội Ấn Độ và hai cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Ấn Độ năm 2016, dẫn đến hành động của Ấn Độ nhằm vào Đường ranh giới Kiểm soát (LoC), biên giới phân cách giữa các khu vực do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát ở Kashmir.

Thủ lĩnh của JeM, Masood Azhar, nằm trong số những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất Ấn Độ. Y sống trên đất Pakistan. Và trong khi y thỉnh thoảng bị nhà nước Pakistan đưa vào trại giam bảo vệ, y tiếp tục tuyển mộ các phiến quân cho mục đích của mình và lên kế hoạch tấn công. Nếu cuộc khủng hoảng hiện tại sắp kết thúc, số phận của Azhar sẽ là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ. Kể từ sau vụ tấn công của JeM hôm 14-2, các nhà ngoại giao Ấn Độ đã bắt đầu chiến dịch toàn cầu để có được sự ủng hộ nhằm gây áp lực với Pakistan về việc Islamabad khoan dung đối với nhóm này.

JeM được liệt kê là một tổ chức khủng bố theo Nghị quyết 1267 của HĐBA LHQ, nhưng Azhar chưa được chỉ định là kẻ khủng bố Hồi giáo toàn cầu. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang leo thang, Mỹ, Anh và Pháp đều lên tiếng ủng hộ việc đưa Azhar vào danh sách khủng bố, động thái thể hiện sự chiến thắng ngoại giao của Ấn Độ. Trong khi đó, Nga đã bày tỏ sự đoàn kết với Ấn Độ trong các hoạt động chiến đấu chống khủng bố và có thể ủng hộ nỗ lực này.

Nhân tố Trung Quốc

Vấn đề khúc mắc đối với Ấn Độ và lý do Azhar vẫn chưa được xếp vào danh sách đối tượng khủng bố chính là yếu tố Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, tại HĐBA, Bắc Kinh luôn cho rằng, các lập luận của Ấn Độ không phù hợp với những gì mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuần trước đã gọi là "các quy tắc rõ ràng trong danh sách của các tổ chức hoặc cá nhân khủng bố". Vấn đề này đã nổi lên như một sự đối lập lớn giữa hai nước, đặc biệt là từ năm 2016.

Mối quan hệ đặc biệt và chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Islamabad đã khiến Trung Quốc trở nên nhạy cảm với các ưu tiên của các cơ sở quân sự Pakistan, bởi các cơ sở này hiện đang phụ trách điều phối an ninh cho các nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá hàng tỷ USD. Bắc Kinh từ lâu đã lo sợ lãnh thổ Pakistan trở thành thiên đường cho các nhóm vũ trang đe dọa lợi ích của họ ở các khu vực phía tây. Che chắn cho Azhar sẽ làm tăng khả năng các phiến quân kết nối với JeM thay vì gia nhập các nhóm ly khai Duy Ngô Nhĩ.

AN BÌNH

Pakistan không cho phép khủng bố sử dụng lãnh thổ để chống quốc gia khác

Hãng thông tấn PTI mới đây dẫn lời Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tuyên bố, nước này sẽ không cho phép khủng bố sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại bất kỳ một quốc gia nào, trong đó có Ấn Độ.

Ông Quereshi khẳng định Pakistan đã có một chính phủ mới với tư duy và cách tiếp cận mới và các chính sách rất rõ ràng. Ông cũng cho biết Chính phủ Pakistan đã kiểm soát được "trung tâm đầu não" của tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM). Liên quan đến quan hệ với Ấn Độ, ông Quereshi cho rằng Chính phủ Pakistan đưa ra một cách tiếp cận mới và xung đột chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại. Theo ông Quereshi, "tình hình vẫn rất nghiêm trọng, lực lượng vũ trang của cả 2 nước vẫn đang trong tình trạng báo động cao" và chiến tranh sẽ là hành động tự sát với 2 quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông cũng khẳng định Pakistan đang muốn kiểm soát tình hình.

B.N