Ẩn họa du thuyền chạy "chui" trên Sông Hương

Thứ bảy, 16/07/2016 09:58

Chủ tàu cố tình "lách"

(Cadn.com.vn) - Trên địa bàn TP Huế (TT-Huế) có 2 bến thuyền du lịch là bến Tòa Khâm và bến thuyền Lê Lợi, 2 bến này có nhiệm vụ quản lý các thuyền du lịch trên sông Hương. Thế nhưng, đa phần các thuyền lại tập trung về khu vực bến Phú Cát để đậu đỗ, thế nhưng hiện tại bến này lại không có bộ phận quản lý. Chính vì vậy, tình trạng thuyền du lịch neo đậu tại bến Phú Cát vẫn vô tư hoạt động mà không tuân thủ các quy định bắt buộc như làm lệnh  xuất bến và đăng tài... Trong khi đó, mỗi ngày có hàng trăm lượt thuyền du lịch hoạt động chở khách tham quan trên sông Hương, song công tác bảo đảm an toàn cho hành khách vẫn còn nhiều tồn tại...

Lực lượng CSGT CA tỉnh TT-Huế kiểm tra 1 thuyền du lịch trên sông Hương.

Trong vai một đầu mối kinh doanh du lịch, chúng tôi gặp chủ thuyền TTH- 036... để "đặt chỗ" cho đoàn khách 15 người đi ngắm cảnh trên sông Hương. Chủ thuyền này nhận ngay và ra giá 15 người không nghe ca Huế, sẽ tính 700 ngàn đồng, nếu có thì 1,5 triệu đồng, đồng thời dặn thêm: "Khi khách đến, cứ đưa lên thuyền mà không cần vào ban quản lý  bến mua vé". Khi được hỏi vì sao không mua vé thì chủ thuyền này cho hay, nếu mua vé sẽ đắt hơn nhiều so với đi "chui" và khỏi trích phần trăm (%) cho "cò"... Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu đang đi hóng mát mà khách muốn nghe ca Huế thì làm thế nào? Chủ thuyền nói ngay, thuyền này sẽ tìm một thuyền đang diễn ca Huế, rồi chạy lại để khách leo từ thuyền này sang thuyền có ca Huế.

19 giờ hàng ngày, thời điểm các thuyền du lịch tại bến đò Tòa Khâm (đường Lê Lợi, TP Huế) làm các thủ tục xuất bến phục vụ du khách. Ngoài các thuyền lớn đưa khách đi nghe ca Huế trên sông Hương còn có các thuyền nhỏ khác chở khách đi hóng mát. Tối 11-7, có mặt trên thuyền du lịch TTH- 003... rời khỏi bến Tòa Khâm, chủ thuyền chạy về hướng chân cầu Trường Tiền để đón thêm 8 hành khách khác. Với giá vé 10 ngàn đồng/người, chủ thuyền chở các hành khách đi một vòng từ cầu Trường Tiền về khu vực Đập Đá sau đó quay ngược lên cầu Phú Xuân rồi về lại cầu Trường Tiền.

Khi chúng tôi hỏi, vì sao chủ thuyền không trang bị áo phao cho khách mặc theo quy định thì chủ thuyền này chỉ tay về số áo phao được gói cẩn thận trong bao ni-lông cất trên nóc thuyền, rồi nói: Hành khách không hỏi nên mình cũng không nhắc. Áo phao ni trang bị cho có lệ thôi... Cũng theo lời chủ thuyền này, không chỉ có thuyền này mà hầu hết, các thuyền du lịch trên sông Hương cũng chỉ trang bị áo phao cho có, chứ mấy khi họ yêu cầu khách mặc khi du thuyền.

Số áo phao được cất trên nóc thuyền, còn hành khách không mặc áo phao khi đi du thuyền.

Cơ quan chức năng "than" khó!?

Trên sông Hương hiện có 128 thuyền đang hoạt động chở khách du lịch được Sở GTVT tỉnh TT-Huế quản lý về đăng ký đăng kiểm. Thế nhưng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt 107 trường hợp thuyền du lịch với tổng số 113 lỗi.

Trung tá Lê Viết Sơn, Phó phòng CSĐT CA tỉnh TT-Huế, cho hay: Mặc dù, lực lượng chức năng đã tuyên truyền và phát tờ rơi cho các chủ thuyền về việc đảm bảo an toàn đường thủy, thế nhưng các chủ thuyền vẫn thường xuyên vi phạm. Những lỗi mà các chủ thuyền thường mắc phải là: bằng cấp không hợp lệ, chở quá số người quy định, không có lệnh xuất bến, thiếu áo phao và phương tiện PCCC... Còn về tình trạng ghép khách khi thuyền đang hoạt động trên sông, Trung tá Sơn xác nhận có tình trạng này và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với hành khách. Thế nhưng, theo Trung tá Sơn, việc phát hiện tình trạng ghép khách không đơn giản chút nào. Đơn cử, như 2 thuyền đang nổ máy và tiến tới gần nhau để ghép khách nhưng lực lượng CSGT bắt gặp thì họ nói rằng đang đứng giữa dòng để khách ngắm cảnh. Chính vì vậy khó xử lý tình trạng này.

Ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh thanh tra- Sở GTVT tỉnh TT- Huế, cho rằng: Hiện vẫn còn tình trạng các thuyền du lịch chạy "chui", hầu hết các thuyền chưa đăng tài lại đậu gần với các thuyền đã đăng tài xong và bắt khách ngay tại đó. Khi lực lượng chức năng đến, phía các chủ thuyền này giải thích rằng chỉ đậu chứ không bắt khách. Theo ông Nam, nguyên tắc khi thuyền xuất bến bắt buộc phải làm lệnh tại các bến, thế nhưng  các chủ thuyền thực hiện việc này chưa triệt để. "Một thuyền làm lệnh một lần nhưng lại chạy nhiều lần", ông Nam nói.

Liên quan đến việc các thuyền không vào bến nhưng lại bắt khách, ông Trần Minh Vũ, Bến trưởng bến đò Tòa Khâm, cho rằng, các thuyền nói trên đậu sai quy định, đậu ngoài khu vực quản lý nên chưa kiểm soát hết được. "Những thuyền này hoạt động không đăng tài mà hoạt động theo hình thức hợp đồng với khách. Ngoài khu vực quản lý của bến là đậu đỗ sai quy định, hiện chúng tôi vẫn đang kiến nghị để làm biển cấm", ông  Vũ nói. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý các vi phạm về giao thông đường thủy. Nếu không siết chặt hoạt động vận tải khách, đảm bảo an toàn đối với từng phương tiện thì nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy vẫn luôn rình rập các tàu du lịch hoạt động trên sông Hương.

H.Lan