Ẩn họa “hồng thủy” do nâng cấp đập chứa nước dở dang

Thứ ba, 20/10/2015 10:41

(Cadn.com.vn) - Đập tràn Hống Vàng cung cấp nước cho hàng trăm hộ dân tại xóm 1 và xóm 4 (xã Thanh Khê, H. Thanh Chương, Nghệ An) canh tác hơn 60ha ruộng lúa 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Tuy nhiên, từ năm 2011, đập tràn Hống Vàng được nâng cấp, sửa chữa thành hồ chứa nước Hống Vàng với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng nhưng thi công dang dở thì “đắp chiếu” nhiều năm liền. Sai phạm, lãng phí đang hiện hữu nơi con đập này.

Phản tác dụng vì... “lên đời”

Cũ kỹ, nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng là những gì chúng tôi chứng kiến tại đập Hống Vàng vào một ngày trung tuần tháng 10- 2015. Theo quan sát, hệ thống khung vây mái đập phía thượng lưu mới chỉ đổ bê-tông phần dưới mặt nước, còn phía trên thì đất và đá nham nhở. Trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng loại đá cuội ở khe suối để đổ bê-tông phần dầm hệ thống khung vây mái đập nên nhiều điểm bị hổng, lòi cốt thép và bong vỡ do chất lượng bê-tông kém. Nghiêm trọng hơn, phần thân đập đắp bằng loại đất đồng chất có độ chặt K95 nhưng hiện đã bị rò rỉ nước qua thân đập từ phía thượng lưu xuống hạ lưu thành dòng và có nguy cơ  vỡ đập bất cứ lúc nào.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Khởi (1954, trú xóm 4) bức xúc: “Khi công trình chưa triển khai nâng cấp, sửa chữa thì người dân còn có nước để canh tác 2 vụ lúa, nhưng từ năm 2011 đến nay, người dân chỉ trồng được 1 vụ lúa. Hiện đập Hống Vàng cung cấp nước cho hơn 60ha đất nông nghiệp cho hàng trăm hộ dân tại xã Thanh Khê nhưng do dự án kéo dài suốt nhiều năm nay khiến cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Mùa nắng thì không có nước đáp ứng cho canh tác, còn đến mùa mưa lũ lại trở thành “túi nước khủng” đe dọa tính mạng người dân.

Bức xúc trước sự việc trên, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị lên chính quyền các cấp, song công trình vẫn cứ “đắp chiếu” dài dài. “Việc đập Hống Vàng “đắp chiếu”, người dân từ canh tác 2 vụ mùa giờ chỉ làm được 1 vụ mùa là có thật”, ông Nguyễn Văn Vì, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Khê khẳng định. Cũng theo ông Vì, nguyên nhân là do “lỗi” thiết kế, bởi đập mới có cao trình hơn 28m nên mực nước sẽ dâng lên gây ngập 2 trang trại của người dân. Trong dự toán công trình không có chi phí giải phóng mặt bằng, còn ngân sách đền bù của xã thì không có nên xã đã trình UBND H. Thanh Chương (chủ đầu tư) xin hạ độ cao thân đập. Tuy nhiên, muốn hạ cao trình thì phải chỉnh sửa lại bản thiết kế, do đó công trình “tắc” mấy năm nay.

Mái đập thượng lưu còn dang dở.

Chờ thiết kế mới (?!)

Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hống Vàng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ đầu năm 2011 với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư theo kế hoạch hàng năm, nguồn ngân sách huyện, xã và đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi. Dự án do UBND H.Thanh Chương làm chủ đầu tư. Công trình do Công ty Cổ phần xây dựng và tư vấn giám sát Duy Hưng (số 5, ngõ 2, khối 19, P.Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An) đảm nhiệm thi công. Mục tiêu khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho 60ha đất lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Thanh Khê. Công trình được triển khai từ đầu năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 180 ngày thi công, song đến nay đã gần 5 năm trôi qua mà công trình vẫn còn dang dở.

Ông Lê Minh Hải, Giám đốc BQL dự án xây dựng cơ bản H. Thanh Chương thừa nhận việc triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hống Vàng là chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa màu của người dân là có. Dự án được triển khai từ năm 2011 và đến nay chỉ mới triển khai được hơn 1/2 khối lượng thì phải dừng lại do thiếu kinh phí đền bù cho một số hộ dân vùng thượng lưu. Theo ông Hải, cao trình của thân đập lúc đầu thiết kế là 28,2m nhưng vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng nên chủ đầu tư đang trình cấp trên xin hạ cao trình xuống 24,2m.

Thiết nghĩ, một dự án trước khi triển khai xây dựng phải được quy hoạch, khảo sát thiết kế và phải được các cơ quan thẩm định phê duyệt dự án một cách rõ ràng. Tuy nhiên, dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Hống Vàng có tổng mức đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước vậy mà khi triển khai được hơn một nửa khối lượng thì phải dừng lại để thay đổi thiết kế. Điều này đang khiến người dân hoài nghi về quá trình khảo sát, phê duyệt dự án này.

X.S