Ẩn họa từ thực phẩm bẩn (2)

Thứ ba, 06/10/2015 09:55

* Kỳ 2: Sống chung với thức ăn đường phố

(Cadn.com.vn) - Những món ăn hàng rong, thức ăn, nước uống đường phố không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh tiêu chảy, dịch tả... Điều đáng lo ngại hơn, những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như: xúc xích, nem, chả, tương ớt được các hàng rong, vỉa hè sử dụng tràn lan có thể chứa phẩm màu hóa học, hàn the vượt mức cho phép, gây hại sức khỏe cho con người. Vậy nhưng, hiện nay, không ít người tiêu dùng vẫn dễ dãi với những biểu hiện mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn thực phẩm ở các hàng quán này để rồi rước bệnh vào thân...

Thức ăn đường phố lang thang trên... phố.

Biết bẩn nhưng không tránh!

Với đặc điểm nhỏ gọn, nhiều quán ăn di động như hủ tiếu, cá viên chiên, bắp xào... tha hồ lang thang trên các tuyến phố Đà Nẵng để mời gọi thực khách sử dụng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các hàng quán này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các sản phẩm được sử  dụng đều không có nhãn mác cũng như nguồn gốc sử dụng. Thấy tôi có vẻ hoài nghi về những lọ tương ớt “nhiều không” và những chiếc xúc xích, cá viên chiên đang nằm “trơ trọi” trên chiếc xe đẩy, người chủ xe hàng rong đang đứng trước một cổng trường trên đường Núi Thành nói ngay: “Anh không cần phải lo về chất lượng sản phẩm, tôi đã bán những món hơn chục năm nay, vừa ngon, vừa rẻ. Chính vì vậy, không riêng gì các em học sinh  mà nhiều người lớn vẫn thích nhưng chẳng thấy ai kêu ca có vấn đề gì...”. Dù giới thiệu là thế nhưng khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc của các loại sản phẩm đang nằm trên hàng quán di động thì người chủ hàng xe liền lảng tránh và chuyển đề tài...

Chung đặc điểm không đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với những hàng quán di động là những “chòi” thức ăn vỉa hè đường phố. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các hàng quán thức ăn đường phố, thực phẩm hầu như không được bảo quản gì mà cứ “tự nhiên” để từ sáng đến trưa, chiều rồi bán cho thực khách. Nhiều chủ hàng dùng tay trần để làm tất cả các việc: từ bốc bún, thịt cho vào bát, đến cầm tiền khách đưa và trả lại tiền cho khách...  Sau một hồi dạo quanh các tuyến đường “thị sát”, chúng tôi tấp vào quán bún vỉa hè nằm trên đường Ngô Quyền (TP Đà Nẵng).

Theo quan sát của chúng tôi,  tất cả thực phẩm sống như thịt bò, chả, giò đều được bỏ chung với thực phẩm chín như nạm, gân, xương. Rau, hành, mắm, muối tất cả đều được gói gọn trong một chiếc bàn nhỏ nhưng chẳng được che chắn. Thấy khách mỗi lúc vào một đông, người phụ nữ giúp việc vội đưa tô bẩn dạo qua một lượt vào thau nước để bên cạnh rồi chuyển vào cho bà chủ lau sơ để tiếp tục dùng tay trần bốc bún, thịt, rau đưa vào tô cho khách... Cứ như thế từ sáng đến trưa, chỉ với một thau nước, vô số lượt chén bát được “lướt qua”. Khi chúng tôi đề cập về vấn đề vệ sinh, bà chủ quán vừa dùng miếng giẻ lau tô vừa đuổi ruồi, nói: “Chú cứ tự nhiên ăn đi, hàng quán này luôn đặt vấn đề đảm bảo sức khỏe người dân lên hàng đầu”. Để trấn an tôi, vị khách ngồi bàn bên lên tiếng: “Đã là quán vỉa hè thì quán nào cũng như thế thôi, bận tâm làm gì cho mệt... Ai chẳng biết là ăn những thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn vệ sinh thì có thể mang họa vào thân nhưng nếu không ăn ở đây thì những công nhân nghèo biết đi đâu ăn”.

Nhiều loại thức uống không rõ nguồn gốc được chế biến sẵn.

Đa dạng thức uống... “bổ dưỡng”

Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng, các mặt hàng nước giải khát vỉa hè được kinh doanh rất đa dạng, từ các loại thức uống đóng chai đến các đồ uống tự pha và tự chế như: nước sâm, trà sữa, dâu, rau má, chanh dây, chanh tươi... Thế nhưng cách thức bảo quản, pha chế các thực phẩm này thì khó bảo đảm vệ sinh. Trời đang nắng nóng, chúng tôi ghé vào một quán nước di động đang “đậu” trên đường Đống Đa để giải khát. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong tất cả các loại nước giải khát được bày bán tại quán di động này đều được người bán tự tay chế biến từ bao giờ và không rõ nó được chế biến từ loại thực phẩm nào... Khi được hỏi nước rau má, bà chủ vội nhặt  đá bỏ vào túi nhựa rồi cho thêm lượng nước giải khát đã được pha chế sẵn từ bao giờ. Thấy tôi tỏ thái độ ái ngại, bà chủ trấn an: “Tất cả các loại nước ở đây đều là nguyên chất. Tuy nhiên, do ngoài đường không có điều kiện để chế biến nên cô phải làm trước ở nhà thôi”.

Đem chuyện nước uống vỉa hè trao đổi với một cán bộ công tác trong lĩnh vực vệ sinh ATTP, chúng tôi được biết, hiện nay, vì mục đích tinh giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận nên nhiều hàng quán kinh doanh nước uống, nhất là những hàng quán đường phố đã không quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm; thậm chí còn sử dụng nhiều phương thức, “thủ đoạn” để che giấu, “qua mặt” cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng để đưa vào lưu thông trên thị trường các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm... Số lượng và mức độ tinh vi của các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vệ sinh, ATTP ngày càng tăng. Đồng thời, ý thức của một bộ phận người tiêu dùng về vấn đề ATTP chưa cao do tâm lý “muốn” mua hàng giá rẻ, tiện lợi nên đã tạo cơ hội cho các thực phẩm không đảm bảo an toàn thâm nhập, “len lỏi” vào thị trường...

Vị cán bộ này khẳng định: Các loại nước giải khát vỉa hè không chỉ mất vệ sinh mà còn không đảm bảo chất lượng vì người bán thường dùng các loại đường hóa học để pha chế. Bởi loại đường này giúp tạo độ ngọt gấp hàng trăm lần trong khi giá thành so với đường mía thấp hơn nhiều. Ngoài ra, đa phần thức uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, hóa chất cấm hoặc hóa chất không dùng trong thực phẩm. Thường các chất tạo màu, tạo mùi dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng; khi dùng trong thức ăn, thức uống sẽ tích tụ trong cơ thể, lâu ngày gây ngộ độc mãn tính và có thể dẫn đến ung thư.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, nước giải khát đường phố có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, đặc biệt là nhiễm khuẩn E-coli, một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lỵ, tiêu chảy thậm chí bị ung thư. Vậy nhưng, hằng ngày, hàng ngàn người dân vẫn nhắm mắt làm ngơ để dùng những loại thực phẩm được tẩm bởi những loại hóa chất độc hại và các loại nước uống đường phố không an toàn, có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cao.

Qua đây, thiết nghĩ, người tiêu dùng không nên dễ dãi với những biểu hiện mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, nước uống ở các hàng quán vỉa hè, bởi như vậy nghĩa là coi thường sức khỏe của chính mình và đồng lõa với thức ăn đường phố bẩn. Người dân chỉ nên ăn ở những hàng quán sạch sẽ, có tủ bảo quản thức ăn, thực phẩm chín và sống để riêng biệt, người bán hàng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh ATTP...

T.Dũng
(còn nữa)