Ăn miếng, có trả miếng?

Thứ sáu, 30/12/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Giới truyền thông Mỹ ngày 29-12 rầm rộ đưa tin về việc chính quyền Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị công bố hàng loạt biện pháp đáp trả nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua nhằm giúp ứng viên Donald Trump đắc cử. Theo tờ Washington Post, các bước trên sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế và chỉ trích ngoại giao.

Tổng thống Obama thẳng thừng cáo buộc người đồng cấp Nga Vladimir Putin đích thân chỉ đạo các vụ tấn công mạng trên và nhấn mạnh sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Mặc dù vậy, Moscow hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng, đây là luận điệu vô lý của Washington nhằm hướng dư luận ra khỏi những vấn đề nóng ở trong nước.

Vì vậy, nhiều người cho rằng, trong lúc chưa có “đủ sức mạnh”, Mỹ phải cẩn thận trong việc trả đũa Nga. Và dường như, Tổng thống Obama cũng thật sự đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, ông muốn tung đòn cuối mạnh mẽ vào Moscow trước khi rời nhiệm sở. Nhưng mặt khác, ông cũng lo ngại những hành động trả đũa có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh mạng gay gắt hơn nữa. Ngoài ra, biện pháp trừng phạt có nguy cơ “chết yểu” sau ngày 20-1-2017 – thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nhậm chức. (Ông Trumg bác bỏ những phát hiện của các cơ quan tình báo Mỹ về những cáo buộc nhằm vào Nga).

Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Obama làm người ta nhớ đến hình ảnh Tổng thống John F. Kennedy năm 1962 khi Nga-Mỹ ở đỉnh cao Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô được cho là đã triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba, Tổng thống Kennedy đau đầu với câu hỏi: việc trả đũa sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Bế tắc nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng Cuba dạy Moscow và Washington bài học về sự phụ thuộc vào nỗi sợ hãi hủy diệt lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân.

Và giờ đây,  nỗi sợ này đang hiện hữu trong mối quan hệ quan hệ Nga-Mỹ liên quan cuộc chiến tranh mạng. Năm 1964, Mỹ và Liên Xô bắt đầu các cuộc thảo luận mà dẫn đến thỏa thuận đầu tiên hạn chế các hệ thống hạt nhân và tên lửa để đi đến một kết quả như ngày hôm nay. Và giờ đây, nhiều người tin rằng, phản ứng của ông Obama trong vụ Nga bị cáo buộc tấn công mạng phá hoại bầu cử Mỹ cần được đưa lên bàn cân xem xét kỹ lưỡng.

Thanh Văn