Ẩn nghĩa trong tượng gỗ dân gian Tây Nguyên
Trước hết, xin nói về quần thể nhà mồ Tây Nguyên. Nó là một quần thể kiến trúc phục vụ đời sống tín ngưỡng của người bản địa Tây Nguyên, bao gồm: Nhà mồ, hệ thống tượng gỗ, cây nêu, hàng rào, cùng các vật dụng mà người sống chia cho người chết. Sắc dân Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, K'Ho... sống trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam đã tạo nên những quần thể kiến trúc nhà mồ cơ bản giống nhau về mục đích - dùng cho lễ bỏ mả, cũng như các hành vi thực hành văn hóa - nghi thức cúng gọi hồn ma, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, sinh hoạt ẩm thực... diễn ra ngay tại nhà mồ. Nó chỉ khác ở một số chi tiết và tiểu tiết. Sự khác ấy, chính là cách trả lời thực tại sống của từng sắc dân Tây Nguyên trước nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ đời người - lễ bỏ mả, và cũng là nghi lễ cuối cùng.
Trong quần thể nhà mồ, ám ảnh nhất vẫn là những tượng gỗ điêu khắc hình người đầy gợi nghĩ, suy tưởng. Nghệ nhân đã mã hóa một cách tài tình các thông điệp của người còn sống gửi người đã khuất, khéo léo đan cài cái siêu thực vào trong cái thực, khiến bức tượng một mặt có sự gần gũi, thân thuộc, mặt khác cũng thật xa xăm, huyền bí, mông lung. "Cái đáng quan tâm nhất ở đây vẫn là cần tìm hiểu xem hàm nghĩa chứa đựng trong hình tượng điêu khắc mà người sống tạc nên, rồi đặt nó trên nhà mồ của ai đó. Bởi qua những thông điệp đã được mã hóa bằng những tượng gỗ, chúng ta có thể nhận biết người nằm dưới mộ là ai, sự thương tiếc của những người còn sống gửi người đã khuất. Thậm chí, qua tượng, chúng ta còn có thể biết được nguyên nhân dẫn đến cái chết của người nằm dưới mộ và cả những ẩn tình mà người chết đang phải gánh chịu"- nhà folklore Tây Nguyên, già làng Krajan Plin chia sẻ.
Theo già làng Krajan Plin, vì tượng được làm ra để tiễn biệt linh hồn người chết, nên phần đa là những tượng có vẻ mặt buồn. Ngoài ra, ở đây cũng có tượng tả người lính chết trận, tượng các loại động vật, tượng về những hoạt động sống của con người, với rất nhiều sắc thái biểu cảm. Đặc biệt, cư dân bản địa Tây Nguyên còn tạc khắc cả tượng người phụ nữ mang thai, tượng người đàn ông phô bày bộ sinh thực khí, tượng đôi nam nữ giao hoan và đem đặt tại khu nhà mồ. "Những tượng gỗ có vẻ ngoài dung tục này hiện nay ở tỉnh Gia Lai là nhiều nhất"- nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin cho biết. Già làng Krajan Plin nói thêm: "Đã có những ngộ nhận xung quanh các tượng gỗ kể trên, khi một số nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng, nó là... tượng phồn thực - biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Thực tế thì các tượng gỗ kể trên mang hàm nghĩa răn đe người có hành vi vi phạm luật tục, qua đó răn đe cả dân làng chớ có phạm tội".
Theo nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin, luật tục của người Làc (một nhánh của dân tộc K'Ho) có câu: "Ơm bal tơt tơ kra, sa bal tơt tơ jó, pun bó tơt tơ lộc", nghĩa là: "Sống với nhau đến già, ăn ở với nhau cho đến cùng, tắm bùn cho đến chết". Trong ngày cưới, lúc đeo chiếc vòng đồng kết hôn, người nữ và người nam phải hứa với già làng, hoặc trưởng tộc sẽ ăn ở trọn nghĩa vợ chồng. Sau đó thì mang ché rượu cần ra, mổ con heo, mổ thêm con gà, ăn uống ra mắt dòng tộc hai bên, rồi người chồng chính thức về nhà người vợ sống. Quá trình chung sống, chẳng may một trong hai người được Yàng (thần linh) gọi về trước, người kia (hoặc vợ hoặc chồng) phải kiêng cữ từ 1 đến 3 năm, tùy theo phong tục từng tộc người. Tới kỳ mãn tang, dòng tộc hai bên sẽ đến nghĩa địa thăm mộ và làm Pơ thi - lễ tiễn đưa người chết vĩnh viễn. Pơ thi diễn ra ngay tại nhà mồ. Trước ngày làm Pơ thi, dòng tộc hai bên tiến hành làm nhà mồ mới hoặc sửa sang lại nhà mồ cũ và sai người tạc tượng gỗ chuẩn bị cho việc tổ chức lễ bỏ mả.
Trong ngày Pơ thi, dòng tộc hai bên mang rượu cần, mổ trâu, mổ bò, mổ gà... (số lượng nhiều hay ít là do dòng tộc quyết định) tiến hành cúng tế, ăn uống cùng nhau và không quên chia của cho người chết, rồi tấu cồng chiêng, múa xoang để đưa tiễn linh hồn người chết về thế giới những người đã khuất. "Nếu quá trình chịu tang, vợ hoặc chồng của người đã khuất vi phạm luật tục, như chịu tang không đúng thời hạn, người xúc phạm đến người chết và cả dòng tộc của người xúc phạm đều bị phạt. Nặng nhất vẫn là tội ngoại tình. Đây được xem là phạm cùng lúc hai tội - phạm tội với người chết và cả phạm tội với người sống. Nếu chồng phạm tội thì sẽ bị phạt tạc tượng người nam phô bày bộ sinh thực khí và đặt tại nhà mồ của vợ, còn như vợ phạm tội ngoại tình trong quá trình chịu tang chồng thì tượng của họ sẽ mang hình ảnh người phụ nữ có chửa và đặt ở nhà mồ của chồng. Tương tự, tượng đôi nam nữ giao hoan đặt tại mộ phần của người nào đó, có nghĩa rằng người nằm dưới mộ đã phạm tội loạn luân trong lúc sống"- già làng Krajan Plin lý giải.
Triết lý nhân sinh sâu sắc của tượng gỗ đặt trong quần thể nhà mồ Tây Nguyên là ở đấy, không những thể hiện rõ nét lòng tiếc thương đối với người đã khuất, mà còn rất thành công trong việc răn đe người còn sống, cảnh tỉnh người còn sống để họ không rơi vào cảnh bị phạt phải tạc tượng và trình hiện cho thế giới những người đã vĩnh viễn thuộc về cõi A tâu (thế giới người chết).
Trịnh Chu