Ân nhân của cố Tổng thống Kennedy
(Cadn.com.vn) - Eroni Kumana, một trong hai cư dân quần đảo Solomon cứu Tổng thống John F.Kennedy trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương, qua đời hôm 2-8 ở tuổi 93. Và trong đời mình, Eroni Kumana không bao giờ quên người đàn ông sau này trở thành Tổng thống Mỹ và coi ông là “hình tượng danh dự”.
Ngày 2-8-1943, một số thuyền “tuần tra ngư lôi” hải quân Mỹ được bố trí ngoài khơi bờ biển quần đảo Solomon, không xa Papua New Guinea. Một trong số chúng là thuyền PT-109 của Đại úy John F.Kennedy, 26 tuổi, với nhiệm vụ đánh chặn đoàn tàu Nhật Bản.
Khi tàu Nhật đi vào tầm ngắm, Mỹ bắn ngư lôi nhưng không trúng. Các thuyền của Mỹ hết đạn buộc phải trở về căn cứ, chỉ có PT-109 bị tuột lại phía sau. Lúc 2 giờ 30, một tàu khu trục của Nhật với tốc độ cao đâm vào mặt bên của PT-109. Ông Kennedy và hầu hết những binh sĩ trên thuyền bị ném xuống nước. 2 người thiệt mạng và 1 người bị bỏng nặng. Những người sống sót phải trải qua nhiều giờ lênh đênh xung quanh xác thuyền bằng gỗ.
Kumana và Gasa cứu cả đội của Kenedy trên thuyền PT-109. Ảnh: BBC |
GẶP ÂN NHÂN
Ngày 5-8, Kennedy và đồng đội tên George Ross bơi đến đảo mới tìm kiếm thức ăn và nước. Và họ phát hiện hai người đàn ông - đó là Kumana và người bạn Biuku Gasa.
"Họ nghĩ rằng đó là người Nhật Bản, vì vậy họ chèo xuồng ra xa. Nhưng họ lại gặp những đồng đội của Kennedy tại hòn đảo khác và được cho biết, họ là người Mỹ", cháu trai của Kumana, Malakana, kể lại. Trong cuộc phỏng vấn năm 2002, ông Kumana nhớ lại thời điểm ông gặp những người sống sót: “Một số người khóc và một số đến bắt tay chúng tôi. Khi Kennedy nhìn thấy chúng tôi... ông chạy lại ôm tôi”.
Kumana và Gasa làm việc cho Coastwatchers, mạng lưới tình báo trên các hòn đảo Thái Bình Dương trong Thế chiến II, theo dõi đối phương và báo cáo lại cho các lực lượng đồng minh. Kennedy viết tin nhắn cầu cứu trên một quả dừa. Kumana và Gasa nhận lấy quả dừa, lên xuồng và ra biển. Người Nhật nổi tiếng với việc sử dụng người dân địa phương để "thực hành mục tiêu", và nếu bị bắt với một tin nhắn như vậy, Kumana và Gasa phải đối mặt án tử hình. Nhưng họ hoàn thành nhiệm vụ và một sứ mệnh giải cứu được thực hiện ngay sau đó.
KHÔNG QUÊN ƠN
Sự kiện hồi tháng 8-1943 tác động sâu sắc đến cuộc đời ông Kennedy. Ông được ca ngợi là anh hùng cho những nỗ lực cứu sống thủy thủ đoàn và được trao Huân chương Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Hành động dũng cảm của ông trong chiến tranh được xem là chìa khóa thành công trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960. Kennedy không thể quên Kumana và Gasa, người cứu mạng mình. Trong cuộc phỏng vấn năm 2002, ông Kumana nói về thời điểm ông nghe tin ông Kennedy bị ám sát. “Tôi buồn đến tuyệt vọng”. Tại quần đảo Solomon, nơi ông và đồng đội bơi đến, giờ đây được gọi là đảo Kennedy. Một đài tưởng niệm tổng thống cũng được xây dựng ở đó.
An Bình
(Theo BBC)