An ninh Đặc khu Quảng Đà trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 (Kỳ 2: Tất cả cho tổng tiến công!)

Thứ ba, 26/12/2017 10:26

Để xây dựng cơ sở bên trong, Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương đưa một bộ phận đảng viên các chi bộ vào hoạt động trong thành phố; xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng biệt động... trong nội thành Đà Nẵng; tăng cường một số cán bộ vững vàng, am hiểu tình hình vào đứng chân nội thành để chỉ đạo phong trào. Thực hiện chủ trương của Đặc khu ủy Quảng Đà về việc tập trung lực lượng cho trọng điểm Đà Nẵng, Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà đã tăng cường cán bộ lãnh đạo có trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm để trực tiếp chỉ đạo; thành lập Ban an ninh các quận ở Đà Nẵng trực thuộc Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà. Ở các khu của Hòa Vang cũng thành lập Ban an ninh 3 khu trực thuộc, mỗi Ban có một đồng chí Khu ủy phụ trách công tác an ninh.

Trưởng ban Hoàng Văn Lai (bìa trái) cùng CBCS An ninh Quảng Đà tại căn cứ Hòn Tàu (Quảng Nam).

An ninh Đặc khu Quảng Đà chủ trương tăng ít nhất mỗi quận, huyện phải có từ 15 đến 20 người lực lượng vũ trang, nhất là tăng cường trinh sát vũ trang, kể cả các khu của Hòa Vang. Chú trọng lấy lực lượng cơ sở nội thành để tăng cường cho lực lượng vũ trang. Nhiệm vụ trước mắt của an ninh lúc này là chuẩn bị và củng cố lực lượng, diệt ác, phá kìm phục vụ chiến đấu; giữ gìn bí mật về lực lượng và chiến dịch; soát xét lại các cơ quan, đơn vị; làm nhiệm vụ binh vận, công chức vận, cảnh sát vận và kêu gọi binh lính tề (in truyền đơn cho các cơ sở gửi trực tiếp hoặc gián tiếp đến các đối tượng); bố trí lực lượng để bắt và dẫn giải tù binh khi ta vào tiếp quản...

Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà đã xây dựng cơ sở để nắm chắc tình hình địch về mọi mặt, nhất là bọn tình báo gián điệp, bọn đảng phái phản động, bộ phận điệp báo và an ninh đô thị tập trung chỉ đạo mạng lưới cơ sở nắm tình hình, vẽ sơ đồ thành phố, thị xã, thị trấn, trong đó làm rõ mục tiêu, đối tượng tấn công chiếm lĩnh. Mạng lưới cơ sở bí mật, cơ sở “tai mắt” được gấp rút xây dựng để phục vụ công tác trước mắt và lâu dài. Mạng lưới cơ sở giao thông liên lạc, phục vụ sự chỉ đạo thông suốt trong mọi tình huống. Công tác diệt ác trừ gian, tấn công chính trị được đẩy mạnh nhằm làm tan rã, lỏng thế kìm kẹp của địch. An ninh đã in hàng vạn truyền đơn, cáo trạng để tấn công chính trị, phục vụ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Bộ phận điệp báo còn có nhiệm vụ chuẩn bị giấy tờ hợp pháp và chỗ đứng an toàn trong thành phố để cán bộ lãnh đạo vào chỉ đạo tấn công. Cán bộ chuyên trách của bộ phận điệp báo đã làm nhiều giấy tờ như thẻ căn cước, các giấy tờ tuỳ thân đang lưu hành trong vùng địch. Cơ sở điệp báo đã cung cấp cho an ninh nhiều “sự vụ lệnh” (loại giấy công tác của địch) để cán bộ ta sử dụng khi vào thành phố và chuyển vũ khí vào nội thành.

Trong 2 tháng 12-1967 và 1-1968, tại Quảng Đà, công tác chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta hết sức khẩn trương. Với quyết tâm “Tất cả cho Tổng công kích, tất cả cho Tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đuổi Mỹ, lật ngụy giành chính quyền về tay nhân dân”, “Thiệu - Kỳ không đổ, không giỗ, không Tết”..., nhân dân Quảng Đà dốc sức người, sức của, tập trung mọi nguồn lực cho Tổng tiến công và nổi dậy. Từ đồng bằng đến miền núi, đồng bào đã thi đua nộp đủ, nộp vượt, nộp trước quỹ nuôi quân, bán thêm lương thực, hiến trâu, bò, tiền, vàng... cho cách mạng; dân công vận chuyển lương thực, vũ khí và bí mật đưa vào ém trong lòng thành phố một cách an toàn. Đặc biệt, từ giữa tháng Chạp đến những ngày giáp Tết, các đồng chí lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà và các ngành đã lần lượt được các cơ sở đưa vào trong lòng thành phố mà địch không hề phát hiện.

Thực hiện chủ trương của Đặc Khu ủy Quảng Đà về việc tăng cường lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà đã chỉ đạo an ninh ở Đà Nẵng chọn các cơ sở đủ tin cậy và xây dựng thêm cơ sở có tính chất liên hoàn để khi có điều kiện đưa các đồng chí lãnh đạo vào nội thành. Đồng chí Nguyễn Cam, Phó Ban An ninh Đặc khu được giao khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này, trong đó quyết định rút một số cơ sở từ nội thành ra để làm liên lạc, xây dựng trạm giao liên và có biện pháp qua mắt các trạm gác của địch ở vùng ngoài thành phố. Ngày 12-1-1968, đồng chí Hồ Nghinh, Phó Bí thư Đặc khu ủy  Quảng Đà và một số cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy, cán bộ của các ban ngành đã vào được thành phố an toàn bằng các giấy tờ do cơ sở cung cấp.

 Vào nội thành, đồng chí Hồ Nghinh đến ở một cơ sở do an ninh bố trí, tại đây đồng chí được nghe báo cáo tình hình ở nội thành, sau đó phân công cán bộ và tuyên bố giờ hành động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Trong lúc đó lực lượng an ninh tiếp tục chuẩn bị cơ sở liên hoàn khác để đưa đồng chí Hồ Nghinh đến nhằm đảm bảo bí mật an toàn tuyệt đối.

(còn nữa)

Đại tá, TS. LÊ VĂN TAM Giám đốc CATP Đà Nẵng