An ninh hàng hải phủ bóng Hội nghị G7

Thứ sáu, 27/05/2016 08:45

(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí về sự cần thiết phải gửi đi thông điệp mạnh mẽ liên quan tới vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngày 26-5, hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày của nhóm G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ, đã khai mạc tại thành phố Ise Shima thuộc tỉnh Mie của Nhật Bản trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tuyệt đối.

Hội nghị lần này là cơ hội để các bên giải quyết một số vấn đề như: tìm ra cách tiếp cận thống nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và phương pháp tiếp cận chung để giảm thiểu leo thang quân sự ở Ukraine và Syria. Tuy nhiên, khu vực quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận lại là Châu Á – nơi đang ngày càng nóng với những tranh chấp hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh Châu Âu (EU) tại phiên họp thượng đỉnh hôm 26-5,
diễn ra ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Thông điệp mạnh mẽ về biển Đông và Hoa Đông

Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải gửi đi thông điệp mạnh mẽ liên quan đến vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông - hai vùng biển mà Trung Quốc đang vướng vào những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật và một số quốc gia láng giềng Đông Nam Á. “Thủ tướng Shinzo Abe đã hướng nội dung thảo luận vào tình hình hiện nay ở biển Đông và biển Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo khác nói rằng, G7 cần đưa ra tín hiệu rõ ràng”, Reuters dẫn lời Phó Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hiroshige Seko nhấn mạnh.

Sự nhất trí này của nhóm G7 rõ ràng cho thấy động thái mạnh mẽ muốn gửi đến Trung Quốc, vốn không nằm nhóm 7 cường quốc công nghiệp phát triển này nhưng trở thành trung tâm của các cuộc thảo luận tại hội nghị lần này. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk – nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp cùng với các nhà lãnh đạo G7 cho rằng, nhóm này cần có “quan điểm rõ ràng và cứng rắn” liên quan đến những tuyên bố trên biển gây tranh cãi của Trung Quốc. “Chính sách của G7 là rõ ràng: bất kỳ tuyên bố chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ nào đều phải dựa vào luật pháp quốc tế và mọi tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình”, ông Tusk nói.

Truyền thông Trung Quốc phản ứng gay gắt trước động thái này của G7. Tân Hoa Xã mạnh miệng cảnh báo nhóm này không “can thiệp” vào những tranh chấp ở biển Đông, cho rằng, “G7 muốn không lỗi thời và không ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định toàn cầu, nên lo chuyện của riêng họ thay vì can thiệp vào chuyện của người khác...”. Theo cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, bất kỳ sự can thiệp nào như vậy đều vô ích.

Lo cho “sức khỏe” kinh tế toàn cầu

Sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu cũng là chương trình nghị sự trọng tâm trong ngày 26-5, khi các nhà lãnh đạo G7 lên tiếng lo ngại về các nền kinh tế đang nổi lên trong khi Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đưa ra sự so sánh đáng sợ về bóng ma khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thủ tướng Abe công bố dữ liệu cho thấy, giá hàng hóa toàn cầu  giảm 55% từ tháng 6-2014 đến tháng 1-2016, tương tự từ tháng 7-2008 đến tháng 2 -2009, sau sự sụp đổ của đế chế kinh doanh Lehman. (Lehman – ngân hàng với lịch sử phát triển hơn 150 năm của Mỹ - tuyên bố phá sản vào ngày 15-9-2008, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng). Theo đó, việc các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm đã làm gia tăng tình trạng cam go của nền kinh tế toàn cầu, và G7 phải đi đầu trong việc đưa kinh tế toàn cầu đạt tăng trưởng bền vững.

Các nhà lãnh đạo G7 sau đó nhất trí về sự cần thiết phải chi tiêu linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng thế giới nhưng quy mô và thời gian tung ra các gói kích thích tài chính cần được xem xét tùy theo tình hình của mỗi nước.  G7 cũng nhất trí thực hiện linh động các biện pháp tài chính, đồng thời thúc đẩy những cải cách cấu trúc nhằm kích thích tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các thị trường đang nổi khác.

Khả Anh