An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức (Bài 1: Sứ mệnh)

Thứ ba, 21/11/2017 10:12

Trong nhiều tháng, chúng tôi đã theo chân các cựu thành viên An ninh Quảng Đà đi khắp nơi, từ núi Hòn Tàu ở Duy Xuyên, xuống vùng B Đại Lộc, đến Gò  Nổi - Điện Bàn, ra xứ dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế (Quảng Nam), vùng lõm K20 - Đà Nẵng..., đâu đâu cũng còn dấu tích, con người và những câu chuyện xưa cũ xứng đáng được ghi vào sách vở. Những câu chuyện ấy lại thôi thúc chúng tôi ra Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa để tìm hiểu.

Nhưng chúng tôi không thể nào kể lại hết những điều đã biết, đã ghi, thành ra đôi khi những câu chuyện sâu sắc, gay cấn, lạ lùng..., chỉ có thể diễn đạt bằng đôi lời ngắn ngủi. Càng biết nhiều hơn, càng muốn kể nhiều hơn, thì dường như càng cảm thấy thiếu.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm (chiến sỹ An ninh Quảng Đà, sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) và Trung tướng Lê Ngọc Nam (chiến sỹ An ninh Quảng Đà, sau này là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) cũng đồng ý với chúng tôi rằng, dù có muốn cũng không thể nào kể hết được. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chính xác là 55 năm, có những chuyện đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian, có chuyện đã đi theo cán bộ, chiến sỹ về với đất, và cả những chuyện cần được để yên trong dĩ vãng. Bởi lẽ đó, loạt bài này chỉ là một phần nào đó, thậm chí là một phần rất nhỏ, của An ninh Quảng Đà.

 

Khi bắt đầu tìm hiểu về An ninh Quảng Đà, Thượng tướng Lê Thế Tiệm khuyên tôi nên gặp hai người. Người thứ nhất là ông Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Người thứ hai là ông Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà. Đây là những vị lãnh đạo cao nhất của Đặc khu Quảng Đà còn sống và biết nhiều câu chuyện về lực lượng an ninh.

Ông Hồ Nghinh, một trong những người có ảnh hưởng lớn đối với lực lượng An ninh Quảng Đà.

Nhắc đến ông Trần Thận tôi nhớ đến một bức ảnh trắng đen đã cũ còn lưu giữ trong tập tài liệu riêng. Đó là hình ảnh một thanh niên cương nghị, mắt sáng với nụ cười, theo cách nào đó, có thể cảm nhận được vẻ tự tin ẩn giấu bên trong. Đó là ông Trần Thận khi còn ở chiến trường. Giờ đây, ông phải chống gậy, chậm rãi đi từng bước khi khách đến thăm. Nhưng vẻ từ tốn, chậm chạp ấy hóa ra lại che giấu một trí tuệ tinh anh khác lạ, khiến người đối diện bất ngờ. Cảm giác như ông đang kể lại những điều mới xảy ra hôm qua hơn là những chuyện đã xảy ra những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Ông Trần Thận kể: Năm 1962, Trung ương và Khu ủy V quyết định thành lập tỉnh Quảng Đà, gồm các huyện phía Bắc sông Thu Bồn, thị xã Hội An của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đến năm 1964, tỉnh Quảng Đà chia tách thành hai đơn vị hành chính, gồm tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng. Năm 1967, để chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng lại sáp nhập, trở thành Đặc khu Quảng Đà, tồn tại từ đó đến sau giải phóng. Sau khi thành lập tỉnh Quảng Đà, lực lượng An ninh tỉnh ra đời, vào cuối năm 1962, do ông Hoàng Sự làm Trưởng ban. Ban An ninh cũng được chia tách, sáp nhập cùng với quá trình chia tách, sáp nhập của tỉnh, sau này gọi là đặc khu. Nhưng nói đến an ninh là cả một quá trình trước đó.

Theo ông Trần Thận, từ khi Mỹ đơn phương phá vỡ Hiệp định Genève 1954, dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm, các hoạt động của an ninh đã được tiến hành. Khi Ngô Đình Diệm lập ra Hội đồng hương chính, ta đã đưa được người vào, từ đó vô hiệu hóa chính quyền cơ sở của Việt Nam cộng hòa. Ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn…, nhiều vị trong Hội đồng hương chính là cơ sở cách mạng, giúp đỡ kháng chiến rất nhiều. Chính bản thân ông và lãnh đạo tỉnh Quảng Đà cũng đã ăn, ở, sinh hoạt trong nhà các cơ sở này. “Tôi nhớ có ông Diên, hay gọi là ông xã Diên, ở H. Duy Xuyên. Anh em chúng tôi ở trong nhà ông xã Diên khá lâu mà không bị phát hiện” – ông Trần Thận nói.

Nhiệm vụ hàng đầu của An ninh Quảng Đà là bảo vệ cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Quảng Đà, lúc đó do ông Hồ Nghinh đứng đầu. Ông Trần Thận nhớ lại: “Anh Hồ Nghinh làm bí thư tỉnh ủy, sau này làm Bí thư Đặc khu ủy đến năm 1972, khi chuẩn bị ký Hiệp định Paris thì anh ấy tham gia đoàn đàm phán 4 bên, tôi lúc đó làm Phó Bí thư lên làm Bí thư Đặc khu ủy. Anh Hoàng Văn Lai là Thường vụ, làm Trưởng Ban An ninh. Anh Lai có tên khác là Đẩu, hoạt động ở Duy Xuyên, có năng khiếu về công an, nhất là tổ chức cài cắm cơ sở vào trong hàng ngũ địch. Công việc của anh em an ninh lúc đó rất nhiều, chủ yếu là diệt ác, phá kềm, xây dựng mạng lưới cơ sở ở các vùng địch chiếm, kể cả trong hàng ngũ địch, làm trong sạch địa bàn để lãnh đạo, cơ quan, đoàn thể hoạt động, lãnh đạo kháng chiến. Một bộ phận thì trực tiếp bảo vệ các đồng chí lãnh đạo. Nhiều anh em dũng cảm lắm, khi bom nổ thì nhanh chóng nằm đè lên người các đồng chí lãnh đạo làm bia đỡ đạn, làm lá chắn”.

Sau cuộc trò chuyện với ông Trần Thận, chúng tôi lại tìm đến ông Phạm Thanh Ba để nghe ông kể thêm về những ngày đầu của lực lượng An ninh Quảng Đà. Ông Phạm Thanh Ba là người giữ chức Chánh văn phòng tỉnh ủy, sau này là Đặc khu ủy lâu nhất, gắn bó với cả hai nhân vật có ảnh hưởng lớn đến An ninh Quảng Đà, đó là Bí thư Hồ Nghinh và Trưởng ban An ninh Hoàng Văn Lai.

Ông Phạm Thanh Ba nhớ lại: “Từ năm 1961 đã có chủ trương thành lập tỉnh và ban an ninh nhưng đến năm 1962 mới thực hiện. Ngày đầu thành lập lực lượng cũng không có bao nhiêu, chỉ khoảng vài chục người, phần lớn là từ bên đảng, quân đội, du kích chuyển qua. Nhưng trách nhiệm của an ninh lúc đó lớn lắm, phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não, nhất là bảo vệ ông Hồ Nghinh. Ông Hồ Nghinh không chỉ là lãnh đạo mà còn là một nhà nho, trí thức rất nổi tiếng, có sức thu phục đồng bào, chiến sỹ ở Quảng Đà”.

Ông Hoàng Văn Lai (hàng trước, giữa) và ông Mai Văn Dậu (hàng trước, phải).

Kể từ khi ra đời cuối năm 1962, trong quá trình hoạt động, dưới sự lãnh đạo của các trưởng ban Hoàng Sự, Hoàng Văn Lai, lực lượng An ninh Quảng Đà trưởng thành rất nhanh, xây dựng được cơ quan Ban An ninh gồm 8 đơn vị trực thuộc, gọi là các B, có đầy đủ các hoạt động từ tình báo, phản gián, chấp pháp đến vũ trang, đồng thời tổ chức được Ban An ninh ở cấp quận, huyện, thị xã, tổ chức được các đội ở cấp xã. Đặc biệt, lực lượng an ninh đã xây dựng được mạng lưới điệp báo, cơ sở rộng khắp từ vùng giải phóng, vùng địch chiếm đến đô thị, cài được hàng loạt cơ sở trong các cơ quan, đơn vị chiến đấu của Việt Nam cộng hòa.

Theo ông Phạm Thanh Ba, sự trưởng thành nhanh chóng của An ninh Quảng Đà một phần rất quan trọng là nhờ chi viện của Bộ Công an. Hồi đó, Bộ đã cử những cán bộ, chiến sỹ ưu tú của miền Bắc, chủ yếu là cán bộ, chiến sỹ của Công an Hải Phòng, Thanh Hóa vào chi viện cho An ninh Quảng Đà. Trong số đó, phải kể đến ông Mai Văn Dậu, sau này giữ chức Phó trưởng Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà. Ông Dậu chính là người đã góp phần rất quan trọng xây dựng lực lượng an ninh vũ trang, tăng cường đáng kể sức chiến đấu của An ninh Quảng Đà…

Sự trưởng thành của An ninh Quảng Đà cũng gắn liền với những tháng ngày chiến đấu, hy sinh vô cùng gian khổ, dữ dội, với hàng loạt sự kiện gây chấn động cả chiến trường. Trong đó, có những thời điểm, lực lượng an ninh đã trở thành lá chắn sống, theo đúng nghĩa đen, đứng chắn giữa họng súng quân thù và các vị lãnh đạo cuộc kháng chiến.

(còn nữa)

Phóng sự: NGUYỄN LÊ