An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức (Kỳ 2: Lá chắn thép)

Thứ tư, 22/11/2017 12:06

Từ quốc lộ, đến thị trấn Nam Phước, rẽ theo hướng Trà Kiệu, chúng tôi tìm đến Hòn Tàu, một quần thể núi rừng thuộc các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên (Quảng Nam). Thoát ra khỏi khu dân cư đông đúc, chúng tôi lạc vào những cánh đồng lúa xanh rì, rồi những rừng cây lá thấp, đến cánh đồng sen Trà Lý đẹp như tranh vẽ...

Thượng tướng Lê Thế Tiệm kể lại trận đánh ở Cầm Kè - Khe Dâu.

Cho đến khi đến được núi Hòn Tàu thì cũng đã gần trưa. Dừng chân ở đỉnh núi, nhìn về đồng bằng, cả một khung cảnh bao la kỳ thú. Những ngọn núi ở gần có màu xanh lá cây, xa hơn là những triền núi màu xanh sẫm, xa tít tắp là những triền núi màu xanh lơ, mờ ảo, giống như những vạt lụa khổng lồ trải xuống từ trời. Khung cảnh sống động, lạ lùng, tưởng như ở xứ sở xa xôi nào đó. Nhưng còn sống động và lạ lùng hơn là câu chuyện của các thành viên Ban liên lạc An ninh Quảng Đà kể với chúng tôi trong chuyến đi này. Đó là trận chiến 16 ngày đêm giữa Đại đội C111 và C113 của An ninh Quảng Đà chống lại trận tập kích lớn chưa từng có của lính Mỹ, Đại Hàn, Việt Nam cộng hòa vào căn cứ Hòn Tàu.

Trước khi nói về trận đánh, nhiều thành viên An ninh Quảng Đà nhắc đi nhắc lại, rằng chúng tôi phải hiểu một vấn đề. Đó là sự nghiệt ngã tột cùng của chiến tranh, không phải sống - chết, mà là lòng trung thành - sự phản bội. Trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng có những người chuyển từ bên này qua bên khác, bị gọi là người phản bội. Nguyên nhân của nó thì vô vàn, nhưng phần lớn là khi rơi vào tay kẻ thù, bản thân họ không thể chịu nổi đòn roi, âm mưu quỷ quyệt, buộc phải đầu hàng. Cuộc chiến ở Quảng Đà cũng không tránh khỏi thực tế    ác nghiệt này. Giờ đây, bụi thời gian đã đủ dày để xóa mờ đi những nỗi đau và những lời kể lại chỉ để hiểu được câu chuyện chứ dứt khoát không lên án.

Trong suốt cuộc kháng chiến, cơ quan tỉnh ủy, sau này là khu ủy, đóng quân ở nhiều nơi, nhưng lâu nhất là ở Hòn Tàu. Bởi lẽ, nơi đây có rất nhiều khe suối, hang đá để sinh tồn, ẩn náu, lại có độ cao để quan sát cả một vùng rộng lớn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và duyên hải. Tháng 10-1971, cơ quan đặc khu ủy đang đóng ở khu vực Khe Dâu – Cầm Kè, là vùng đồi thấp, lau lách đuôi núi Hòn Tàu về phía H. Duy Xuyên. Tháng 10-1971, một đại úy điệp báo, tên là L., rơi vào tay giặc, sau đó khai ra căn cứ Hòn Tàu. Lúc đó, không ai hay biết rằng, tất cả cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến ở đặc khu Quảng Đà, trong đó có Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh và hàng nghìn cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang…, đã bị đặt ngay trước họng súng quân thù.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm kể: Hồi đó tháng 10, trời mưa ghê gớm, mới sáng ra cả căn cứ đã bị pháo kích, thả bom dữ dội. Sau đó, trực thăng đổ lính, vây kín căn cứ. Chúng tôi phát hiện ra ngay đây là sư đoàn Mỹ, mệnh danh là “anh cả đỏ” của Vùng 1 chiến thuật. Tình thế trở nên vô cùng nguy hiểm. Trong tình thế đó, các đại đội C111 và C113 xông ra tấn công, quyết không cho địch vào căn cứ. Lợi dụng địa hình, địa vật, lực lượng an ninh ẩn nấp trong các hang đá, ngụy trang, che mắt địch và bất ngờ nổ súng làm cho đội quân chính quy liên tục rối loạn đội hình. Anh em tôi xác định, phải kìm chân địch ngay trong ngày, chờ đêm xuống mở đường thoát. Lúc đó, cảm giác như mỗi phút trôi qua đều dài vô tận.

Ông Nguyễn Hòa, một trong những người tham gia trận đánh, nhớ lại: Lúc đó, anh em An ninh Quảng Đà chúng tôi và các toán lính Mỹ đứng cách nhau chỉ khoảng 5-10m. Mình nấp trong hang đá nên thấy Mỹ, còn Mỹ không thấy mình. Khi toán lính Mỹ mò tới, phải ngắm chính xác mới nổ súng. Bắn phải chết! Bắn chết một lính, Mỹ mất đi 5 lính, không thể đánh lại. Bởi lẽ, 4 lính phải khiêng tên bị chết rời đi ngay. Trong ngày đầu Mỹ đổ quân, lực lượng an ninh Quảng Đà đã kìm được chân địch, chờ tối đêm hôm sau mở đường máu đưa các lãnh đạo đặc khu Quảng Đà và cũng như các ban ngành lui về phía sau.  Đưa cơ quan khu ủy về phía sau là cả một cuộc hành quân, lên đến hàng ngàn người.

 Một số thành viên An ninh Quảng Đà thăm lại căn cứ Hòn Tàu.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm nhớ lại: “Sáng hôm sau, địch mới tiến vào được căn cứ, chiếm hang đá của an ninh Quảng Đà, đốt phá lục soát tài liệu, đốt kho gạo, sau đó nó dùng chất độc hóa học rải hết hang đá. Riêng sư đoàn Mỹ “anh cả đỏ” đóng ở đây 16 ngày đêm. Lực lượng an ninh lúc đó đã lùi về phía sau. Một bộ phận bảo vệ các vị lãnh đạo và cơ quan đặc khu ủy vượt sông vượt suối về vùng B Đại Lộc. Một bộ phận tiếp tục ở lại chiến đấu kìm chân, thu hút hỏa lực về phía mình. Sau 16 ngày đêm, địch thay đổi lực lượng, đưa lính Đại Hàn thay quân Mỹ. Lúc đó anh em an ninh Quảng Đà ở đây suốt thì không chịu nổi, vì lương thực hết rồi. Còn lại mấy anh em mở đường máu lui về tuyến sau”.

Trận chiến tháng 10-1971, theo cảm nhận của ông Nguyễn Hòa, như là huyền thoại. Bởi lẽ, trong cảnh bị tấn công dữ dội, vây kín, gần như không thể xoay chuyển được gì, lực lượng an ninh đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng An ninh Quảng Đà có 226 liệt sĩ. Nhưng riêng trong trận chiến kỳ lạ ở Cầm Kè – Khe Dâu, tất cả cán bộ, chiến sĩ C111 và C113 đều tuyệt đối an toàn. Về phía Mỹ, bất chấp hỏa lực và quân số vượt trội và chủ động tấn công, hàng chục lính bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Có một câu chuyện kể lại rằng, trong lúc An ninh Quảng Đà đánh nhau với Mỹ, ông Hoàng Văn Lai (Trưởng ban An ninh Quảng Đà) và ông Hồ Nghinh (Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà) ngồi trên đồi cao quan sát. Ông Hoàng Văn Lai nói với ông Hồ Nghinh, đầy vẻ tự hào: “Lính của tui đánh đó”! Chuyện này, nhiều cán bộ, chiến sĩ An ninh Quảng Đà nghe kể lại, nhưng có điều họ được nghe trực tiếp. Ông Nguyễn Hòa kể: “Sau trận đánh đó, nhiều vị lãnh đạo lớn tuổi, thuộc hàng cha, chú của anh em, nói rằng an ninh đúng là ân nhân”.

Trong 13 năm tồn tại, cơ quan Ban An ninh Quảng Đà luôn đóng quân sát với cơ quan đầu não, di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau, có lúc sang tận biên giới nước bạn Lào, có lúc về đến vùng Gò Nổi, Điện Bàn, vùng B Đại Lộc. Cơ quan đầu não luôn bị địch truy lùng rất gắt gao, không từ bất cứ âm mưu quỷ quyệt nào để tìm ra và tiêu diệt. Nghe tin cơ quan đầu não đóng ở đâu là Mỹ dùng B52 hủy diệt, sau đó rải chất độc hóa học làm trụi hết cây rừng. Lực lượng an ninh tổ chức bảo vệ cơ quan đầu não thành mạng lưới rộng khắp, gồm nhiều lớp, nhiều tuyến huyết mạch luồn lách qua những đồn bốt cùng mạng lưới tình báo, gián điệp, địa phương quân dày đặc. Đó là lá chắn thép, tồn tại suốt 13 năm từ 1962 – 1975. Nhờ lá chắn này, trong suốt cuộc chiến, tất cả các vị lãnh đạo được an ninh Quảng Đà bảo vệ, đều tuyệt đối an toàn. Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, đó là một trong những chiến công xuất sắc nhất, và cũng kỳ lạ nhất, của An ninh Quảng Đà.

(còn nữa)

Phóng sự: NGUYỄN LÊ

Kỳ tới: Ông Hồ Nghinh và cuộc chạm trán bất ngờ