An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức (Kỳ 3: Ông Hồ Nghinh và cuộc chạm trán bất ngờ)
Chúng tôi đợi ông Trần Văn Tư khá lâu ở phòng khách. Sức khỏe ông nay đã xuống nhiều, phải có người hỗ trợ mới ra ngồi với khách được. Biết ông từ lâu, ai cũng gọi ông là “anh hùng chân đất”, ấy vậy tôi vẫn cảm giác tò mò, thấp thỏm. Quê ông Trần Văn Tư ở vùng Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Có lần, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà về quê ông công tác, bị địch thả bom đúng vào căn nhà đang họp. May mà bom không nổ, tất cả bị một phen hú vía, thoát nạn lạ kỳ. Nhưng câu chuyện chúng tôi muốn kể về chiến sĩ cảnh vệ Trần Văn Tư còn kỳ lạ hơn rất nhiều.
Ông Hồ Nghinh (giữa, ảnh do Điệp báo B3 – An ninh Quảng Đà chụp). |
Trở lại trận đánh giải vây Cầm Kè – Khe Dâu tháng 10-1971, mặc dù lực lượng an ninh đã bảo toàn 100% lực lượng đóng tại Hòn Tàu, nhưng có một thứ rất quan trọng bị rơi vào tay địch. Đó là tập ảnh lưu trữ của Điệp báo B3 – An ninh Quảng Đà. Ông Hoàng Minh Thiện, chiến sĩ Điệp báo B3 – An ninh Quảng Đà, nhớ lại: “Đó là ảnh do đồng chí Đức chụp. Tôi và đồng chí Đức ở cùng tổ công tác. Những bức ảnh này một phần để lưu trữ, một phần để tôi và đồng chí Đức làm giấy giả cho cán bộ, chiến sỹ ở căn cứ thâm nhập nội thành hoặc các vùng địch chiếm”. Sau khi lấy được ảnh trong trận tập kích tháng 10-1971, địch cho phóng to nhiều tấm ảnh lớn dán khắp Đà Nẵng truy nã toàn bộ lãnh đạo Đặc khu Quảng Đà. Trong số đó, ông Hồ Nghinh là một trong những người bị truy lùng gắt gao nhất.
Cũng cần nói đôi chút về nhân vật Hồ Nghinh. Ông Hồ Nghinh quê ở Duy Xuyên, học trường Quốc học Huế với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Năm 1954, ông tham gia phái đoàn đàm phán Hiệp định Genève 1954. Sau khi Mỹ phản bội Hiệp định, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, tàn sát hàng vạn đồng bào trên khắp miền Nam, thì ông trở về quê, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Quảng Đà. Ông Hồ Nghinh cũng là chỗ dựa tinh thần to lớn của không chỉ cán bộ, chiến sĩ mà cả những vị lãnh đạo ở đặc khu ủy Quảng Đà.
Nói về tầm ảnh hưởng của ông Hồ Nghinh đối với cách mạng Quảng Đà, Thượng tướng Lê Thế Tiệm nhớ lại: Ông Hồ Nghinh thường được các đồng chí ở căn cứ gọi thân mật là anh Ba, có tầm nhìn xa, trông rộng, thấy trước cả những điều không ai nhìn thấy. Khi đàm phán, ký kết Hiệp định Paris 1973, ai cũng nghĩ đã có hòa bình, xem như chiến thắng rồi. Thậm chí anh Hoàng Văn Lai lúc đó còn công khai ra bắt tay, vận động lính Việt Nam cộng hòa giải ngũ, bảo hết chiến tranh rồi, về với vợ con đi. Nhưng ông Hồ Nghinh nghĩ khác, cho rằng địch sẽ phản bội, nếu sơ sẩy chủ quan, sẽ bị tấn công, đẩy dạt hết lên núi. Chuyện sau đó diễn ra đúng như suy luận của ông Hồ Nghinh. Ngay sau Hiệp định Paris, địch phản công dữ dội. Cơ quan Đặc khu ủy Quảng Đà lúc đầu đóng ở Hòn Tàu, nhưng sau ký cái Hiệp định, chạy lên tới Thạch Mỹ huyện Giằng. Lúc tôi bảo vệ anh Hồ Nghinh đi họp bàn mở chiến dịch tiến công, từ miền Bắc về thì anh Phạm Đức Nam lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Đà về đón anh Hồ Nghinh. Đón giữa đường là anh Phạm Đức Nam ôm anh Hồ Nghinh khóc. “Anh Ba ơi, nó chiếm hết rồi. Mất đất mất dân rồi anh Ba ơi”.
Chính vì tầm ảnh hưởng lớn lao và vị trí công tác của ông Hồ Nghinh, công tác bảo vệ ông được tổ chức rất chặt chẽ. Khi ông Hồ Nghinh di chuyển, lực lượng an ninh luôn luôn đi trước một bước, đồng thời bố trí người trực tiếp bảo vệ, làm lá chắn cho ông Hồ Nghinh trong mọi tình huống. Nhưng, cho dù chuẩn bị kỹ lưỡng thế nào, trong chiến tranh cũng xả ra tình huống không ngờ tới. Đó chính là tình huống chiến sĩ Trần Văn Tư phải đối mặt.
Ông Hồ Nghinh trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho chiến sĩ cảnh vệ Trần Văn Tư. |
Trong một lần Trần Văn Tư bảo vệ ông Hồ Nghinh về Gò Nổi, Điện Bàn, đến khu vực ven sông Thu Bồn bất ngờ gặp phải toán lính Mỹ đi càn. Cả đoàn rút ngay vào hầm bí mật. Liền đó, tình huống không ai ngờ tới: Toán lính Mỹ hạ trại, đóng quân ngay trên nóc hầm! Bị mắc kẹt dưới hầm bí mật, nếu nằm lâu, chắc chắn bị phát hiện, nếu không cũng ngột thở vì lỗ thông hơi đã vô tình bị bịt kín. Trong tình thế đó, chờ đêm xuống, chiến sĩ cảnh vệ Trần Văn Tư dùng đôi tay trần moi đất tạo lối thoát. Anh cào đến khi các đầu ngón tay tứa máu thì thông được một lối nhỏ ra mép sông Thu Bồn.
Theo lối thông, ông Hồ Nghinh và Trần Văn Tư thoát ra được mép nước, sau đó, tìm được một chiếc thuyền nhỏ chèo qua bên kia sông. Bất ngờ, ông Hồ Nghinh phát hiện ra, trong lúc rút lui khỏi hầm, đã để quên một chiếc cặp chứa nhiều tài liệu quan trọng. Tài liệu này không thể rơi vào tay giặc được. Trần Văn Tư dũng cảm xung phong, quay trở lại cứu cặp tài liệu cho đồng chí Bí thư. Nếu bị địch phát hiện, xác định sẽ bằng mọi giá hủy được chiếc cặp.
Liền đó, Trần Văn Tư bơi thuyền qua sông, chui ngược vào căn hầm bí mật mà anh và Bí thư Hồ Nghinh mới thoát ra được. Toán lính Mỹ nằm bên trên căn hầm vẫn không hề hay biết gì. Sau đó, Trần Văn Tư theo lối thoát, mang cặp tài liệu trở ra mép nước. Lúc định chèo thuyền qua sông, Trần Văn Tư phát hiện ra toán lính Mỹ đang nằm la liệt trên hầm. Thấy thời cơ thuận lợi, Trần Văn Tư quyết định một mình tấn công địch. Anh dương súng AK, bắn hàng loạt đạn, tiêu diệt toàn bộ toán lính Mỹ.
Bên kia sông, nghe tiếng súng nổ, ông Hồ Nghinh hoảng hốt, đau buồn, tưởng Trần Văn Tư bị lộ, bị giặc tấn công… Một lúc sau, ông Hồ Nghinh mừng rỡ đến sững sờ khi thấy Trần Văn Tư trở lại, báo cáo hoàn thành nhiệm vụ! Câu chuyện của Trần Văn Tư gây xúc động mạnh mẽ khắp chiến trường Quảng Đà và rất nhiều năm sau này (sau ngày giải phóng, đích thân ông Hồ Nghinh, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng đã trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho chiến sĩ Trần Văn Tư).
Các chiến sĩ An ninh Quảng Đà thăm lại căn cứ Hòn Tàu. |
Không chỉ riêng Trần Văn Tư, trong suốt cuộc chiến, hàng chục cán bộ, chiến sĩ An ninh Quảng Đà đã đứng ra làm lá chắn sống cho các vị lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, đặc biệt là Bí thư Hồ Nghinh. Ông Trần Thận, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà giai đoạn từ năm 1972 trở đi, nói với tôi: “Anh em an ninh, cảnh vệ nhiều người dũng cảm, luôn luôn đi trước một bước. Khi bom nổ, anh em luôn sẵn sàng nằm đè lên người các đồng chí lãnh đạo làm lá chắn sống”.
Nhận xét của ông Trần Thận thực ra có một câu chuyện. Đó là năm 1968, ông Hồ Nghinh và lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà đi vào nội thành Đà Nẵng chỉ đạo tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Nhưng địch phản công, ngay trong ngày Mồng Một, ban bố thiết quân luật, bao vây, bố ráp khắp Đà Nẵng. Ông Hồ Nghinh và một số lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà phải rút từ Đà Nẵng về vùng căn cứ. Khi rút về đến Vĩnh Điện, Điện Bàn, đoàn gặp pháo kích. Trong tình thế đó, chiến sĩ cảnh vệ Thái Ngọc Hoanh đã chồm tới, nằm đè lên người ông Hồ Nghinh để chắn đạn pháo. Rất may, cả hai không bị thương tích gì trong tình huống này.
(còn nữa)
Phóng sự: NGUYỄN LÊ
Kỳ tới: chiếc nồi gò từ ống pháo sáng