An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức (Kỳ 5: Ngày ấy ở Duy Xuyên)

Thứ bảy, 25/11/2017 11:10

Đứng trên cầu Hà Nha ở thượng nguồn sông Thu Bồn, mở tầm mắt nhìn qua một ngả là H. Đại Lộc, một ngả là H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, và xa tít là dãy Trường Sơn mây phủ bạc đầu, bỗng trào nên cảm giác mênh mang, tưởng có thể thốt thành lời lên mấy câu thơ của Huy Cận. “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng bóng cô liêu”. Nhưng ẩn sau vẻ đẹp mênh mang thi vị ấy là vô số những điều dữ dội. Chứng nhân của những điều ấy mới trải qua cơn tai biến, đang tịnh dưỡng ở căn nhà nhỏ gần sân bay Đà Nẵng - ông Võ Xuân Mỹ, nguyên Trưởng ban An ninh H. Duy Xuyên.

Ông Võ Xuân Mỹ.

Ông Võ Xuân Mỹ mồ côi cha từ năm 3 tuổi, ở quê với mẹ, nuôi em. Tròn 18 tuổi ông thoát ly đi kháng chiến, ban đầu phục vụ bên quân sự, sau phục vụ an ninh, giữ chức Trưởng ban An ninh H. Duy Xuyên từ 1969 - 1973, tức là giai đoạn nằm giữa hai sự kiện lớn: Chiến dịch Mậu Thân và Hiệp định Paris. Ông Mỹ kể, chiến trường Quảng Đà lúc đó căng như dây đàn. Ở cấp xã, nhiều tên ác ôn, đầu sỏ hoành hành, đám tề, điệp rải khắp nơi, nhất là đám tình báo Phượng Hoàng. Hồi đó, Duy Xuyên bị nó ném bom cày ủi liên tục. Có thể đứng ở đoạn sông từ cầu Câu Lâu nhìn ra đến Cửa Đại, mấy chục cây số, không có gì cản tầm mắt cả. Có những trận càn, địch huy động hàng trăm máy bay trực thăng ào ào đổ quân xuống. Hồi đó, bộ đội, an ninh, du kích “ngán” nhất là loại đạn cối của Đại Hàn. Nó phóng theo dàn, ai đi vào vùng bị phóng đều không thoát được. Ở Duy Xuyên, từ khu Tây đi đến khu Trung rồi mới đi qua khu Đông, phải vượt qua không biết bao nhiêu tuyến phục kích...

Nhưng sự tàn khốc của chiến tranh cũng không hủy diệt được một loài: Cỏ lùng, một loại cỏ bao phủ khắp lưu vực sông Thu Bồn. Mưa xuống vài trận, cỏ lùng mọc lên lút cả đầu người. Các đồn lính Đại Hàn không có công sự, chỉ thả 5 lớp bùng nhùng vây quanh. Ở những chỗ này, cỏ lùng mọc um tùm. Ban ngày, an ninh, bộ đội, du kích ở Duy Xuyên lẩn vào trong những hàng rào của đồn lính Đại Hàn và những đám cỏ, chờ đêm đến mới đi vào trong dân hoạt động. Ông Võ Xuân Mỹ nhớ lại: Lính Đại Hàn đi càn khắp nơi nhưng không bao giờ bén mảng đến những hàng rào ngay phía ngoài đồn. Anh em ẩn trong những hàng rào đó rất an toàn, vừa không gặp lính, vừa tránh xa tầm pháo.

Nhắc đến những năm tháng ở Duy Xuyên, ông Võ Xuân Mỹ bỗng nhớ ra hàng loạt tên người. Không hiểu cơn tai biến mới xảy ra hay niềm xúc động khiến cho câu chuyện lâu lâu bị gián đoạn. Nhưng chi tiết những câu chuyện thì rõ người, rõ việc đến không ngờ. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “Bà Tám chum”: “Trên chỉ đạo xuống, phải diệt ác, phá kềm, tiêu diệt những tên đầu sỏ tác oai tác quái gây hại cho dân, phá vỡ vòng vây, không cho địch khống chế dân trong các khu dồn. Nói tóm lại là vô hiệu hóa bộ máy của địch ở cơ sở. Chị Tám ở Duy Hòa, rất xinh gái. Có hai tên tình báo Phượng Hoàng đến tán tỉnh, ve vãn chị ấy. Đám Phượng Hoàng rất nguy hiểm, vì lân la ở cơ sở, biết mình ở đâu là nó tìm diệt ngay. Chị Tám giả bộ bông đùa lại, rồi báo cho bên mình, sau đó hẹn hai tên ghé thăm. Khi hai tên này đến, anh Ba và anh Dương tìm được cơ hội, ra tay tiêu diệt, bỏ xác vào chum rồi rút lui, chờ lúc thuận lợi đem xác đi chôn. Không ngờ một tên còn động đậy. Thấy vậy, chị Tám và gia đình ra sông gánh nước, đổ vào chum… Sự mất tích của hai tên Phượng Hoàng làm cho đám tình báo khiếp sợ. Bởi lẽ, sự mất tích đó chỉ có thể, một là đào tẩu, hai là bị thủ tiêu. Kể từ đó, đám tình báo Phượng Hoàng không dám lân la nữa. Tổ chức Phượng Hoàng gần như mất tác dụng ở Duy Xuyên”.

Trong những thời khắc ác liệt nhất, lực lượng an ninh vẫn hoạt động rất mạnh, ra tay diệt ác, phá kềm, vô hiệu hầu như toàn bộ chính quyền cơ sở của Việt Nam cộng hòa. Nhưng ghê gớm nhất vẫn là những hờn căm của người dân trút lên đầu những kẻ gieo rắc tội ác. Trong số đó, có một người, đến nay nhắc đến, vẫn gợi nhiều niềm ray rứt. Đó là nhân vật Trần Điệp. Từ khi còn nằm trong nôi, Điệp đã bị trúng đạn pháo của địch, phải cắt bỏ một tay, một chân. Hằng ngày, Điệp đi cùng làng cuối xóm, rất thông thạo địa bàn, và biết rõ quy luật hoạt động của tất cả hội đồng xã, xã trưởng, cảnh sát... An ninh huyện xây dựng Trần Điệp làm cơ sở để tiêu diệt quận trưởng Duy Xuyên.

Trần Điệp biết rõ giờ giấc đi lại của quận trưởng, nhận thi hành nhiệm vụ, kêu thêm đứa cháu tham gia. Anh và cháu ngụy trang bộc phá ở trên đường làng. Đúng giờ đã đoán trước, tên ác ôn ngồi trên xe Jeep đi tới, Trần Điệp ra hiệu, đứa cháu kích điện, khối bộc phá hất tung chiếc xe lên trời, quận trưởng và 4 lính đi kèm sõng soài dưới đất. Trận đánh này uy hiếp tinh thần ghê gớm, đến nỗi, toán lính đến dọn xác không dám điều tra gì thêm, dọn xong hiện trường là chạy một mạch lên tỉnh. Bởi vậy, sau trận đánh, dân trong xóm không bị tấn công, đánh phá.

Những trận đánh táo bạo của an ninh, quân sự, du kích ở Duy Xuyên tạo ra một trạng thái kỳ lạ lúc bấy giờ: Mặc dù có Mỹ, chư hầu, Việt Nam cộng hòa có lực lượng áp đảo nhưng chính quyền cơ sở gần như không tồn tại, đúng ra là trở nên vô dụng.

Một vùng đất ở chiến trường Quảng Đà bị đạn bom cày xới.

Trong ký ức của ông Võ Xuân Mỹ, có một ký ức không thể nào quên về con sông Thu Bồn qua Duy Xuyên. Ông kể: Trong quá trình hoạt động, các lực lượng thường phải qua lại sông Thu Bồn. Ở phía Cửa Đại, nước sông pha nước biển, ngay cả trong những đêm trăng mờ, gợn sóng nước cũng lấp lánh, nên mỗi lần quân giải phóng qua sông rất dễ phát hiện. Càng về phía thượng nguồn, gợn sóng ít lấp lánh hơn, lên đến Duy Xuyên thì gần như không nhìn thấy gợn sóng nữa, quân ta có thể băng qua sông mà địch không phát hiện. Dọc sông Thu Bồn, từ Cửa Đại lên cầu Câu Lâu, thủy thuyền tuần tra liên tục, khoảng 10 phút có một chiếc. Để uy hiếp, du kích Xuyên Thái cài một quả bom ở giữa sông. Khi thủy thuyền vừa tới, lập tức kích nổ, hất tung chiếc thuyền và 12 lính, tiêu diệt toàn bộ. Sau trận đánh này, thủy thuyền không còn tuần tra định kỳ nữa. Nhờ đó, việc vượt sông từ Cửa Đại lên đến thượng nguồn có phần thuận lợi hơn.

Nhưng còn một câu chuyện khác, không thể không nhắc đến. Trong suốt cuộc chiến, có những thời điểm, sông Thu Bồn cũng chứng kiến nỗi đau thương ghê gớm của quân dân Duy Xuyên. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông Võ Xuân Mỹ tham gia cùng quân dân Duy Xuyên tiến ra hỗ trợ giải phóng thị xã Hội An. Đoàn quân vừa đến mép sông, hỏa lực địch tấn công dữ dội, không thể nào tiến về Hội An được. Những người qua được nửa dòng phải phơi mình giữa làn đạn quân thù. Nhắc đến chuyện này, Trung tướng Lê Ngọc Nam kể với chúng tôi: Năm đó, cánh từ Duy Xuyên vào Hội An không được. Hỏa lực địch mạnh quá. Anh em ở trong bờ nhìn ra, thấy người bị thương trôi chấp chới ngoài sông nhưng không thể nào ra cứu được...

(còn nữa)

Phóng sự: NGUYỄN LÊ

Kỳ tới:  Gói xôi của người phục vụ