An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức (Tiếp theo và hết: Kỷ niệm của ông Bí thư Thị ủy Hội An)

Thứ ba, 28/11/2017 10:00

Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông Nguyễn Hưng, nguyên Bí thư Thị ủy Hội An, Quảng Nam là khi xem phim tài liệu “Hồ Nghinh – Nho cốt cách, Mác tinh thần” của đạo diễn Huỳnh Hùng. Trong đó, ông Hưng kể, sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương ở trên xuống, ông tập hợp hơn 500 thanh niên, mang theo cuốc thuổng, gậy gộc, sẵn sàng… đập nát Hội An!

Ông Nguyễn Hưng.

Theo lời ông Nguyễn Hưng, lúc đó huy động thanh niên rất dễ, ai cũng hừng hừng khí thế đập phá tất cả “tàn dư của chế độ cũ” ở Hội An, như các chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ tộc… Khi chuẩn bị xuất quân đi thì ông Hồ Nghinh, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng ghé vào Hội An. Nghe chuyện, ông Hồ Nghinh vội vã can ngăn, yêu cầu ông Nguyễn Hưng lệnh cho tất cả phải dừng lại. Nhờ cơ duyên và sự may mắn lớn lao đó mà ngày nay có một đô thị cổ Hội An – Di sản văn hóa nhân loại – tồn tại!

Ông Nguyễn Hưng được phân công công tác trong An ninh Quảng Đà vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, sau đó, ông làm Trưởng CATX Hội An rồi chuyển qua bên Đảng, làm đến chức Bí thư Thị ủy Hội An. Câu chuyện đáng nhớ nhất của ông Nguyễn Hưng không chỉ là lần “sôi nổi” chuẩn bị đập phá các di tích ở Hội An, mà câu chuyện xảy ra từ trước, chính xác là 3 giờ chiều 29-3-1975.

Ông Nguyễn Hưng kể: “Ngày 28-3-1975, ta giải phóng Hội An; ngày 29-3-1975, giải phóng Đà Nẵng. Chiều  29-3-1975, ông Võ Chí Công, lãnh đạo Khu ủy 5 lúc bấy giờ và là một trong những người chỉ huy trực tiếp giải phóng Khu 5, về họp mặt tướng lĩnh, chỉ huy, cấp ủy… ở tỉnh đường Hội An, nay là khách sạn Hội An, số 10 – Trần Hưng Đạo – Hội An. Khi mở bản đồ tác chiến ra, ông Võ Chí Công bất ngờ thốt lên: “Chết rồi! Còn một rẻo nữa chưa giải phóng”.

Tôi lúc đó là ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban An ninh thị xã, ngơ ngác nhìn các đồng chí trong Ban Thường vụ, ai cũng có cùng một câu hỏi: Cái rẻo đó là rẻo nào? Nhìn kỹ vào bản đồ, thì ra, đó là quần đảo Cù lao Chàm. Chúng tôi toát mồ hôi hột. Lúc đó, lực lượng Việt Nam cộng hòa ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã tan rã, nhưng ở Cù lao Chàm vẫn còn nguyên vẹn. Trước tình hình đó, ông Võ Chí Công lệnh cho Thường vụ Thị ủy Hội An tổ chức tấn công giải phóng Cù lao Chàm ngay, không được chậm trễ”.

Đang kể, ông Nguyễn Hưng bỗng quay sang hỏi chúng tôi: “Anh biết tại sao vào giờ phút đó ông Võ Chí Công hoảng hốt như vậy không?”. Rồi ông tự trả lời: “Thực ra lúc đó tôi cũng không biết mà đến tận sau này mới vỡ lẽ ra. Lúc đó, nếu ta không giải phóng nhanh các đảo, có thể bị lực lượng khác “giải phóng giùm” ngay. Họ mà “giải phóng giùm” thì không biết bao giờ mới trao lại cho mình”.

Ông Hưng kể tiếp: Ngày 29-3-1975, gió thổi ào ào. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, gió bấc cấp 7, cấp 8, thuyền không thể ra Cù lao Chàm được, đặc biệt là phải bảo đảm bí mật và ra đến nơi vẫn còn sức chiến đấu. Thường vụ giao cho tôi và anh Trước, lúc đó là Phó chỉ huy trưởng thị đội Hội An dẫn quân ra Cù lao Chàm. Lúc đó quân số rất ít, chỉ được khoảng mười mấy đồng chí ở Đại đội 2 thị đội Hội An và Đại đội 4 pháo binh. Bên An ninh thì ngoài tôi ra còn có thêm 3 đồng chí nữa.

Thấy gió bấc to quá, ai cũng lo không thể đưa quân ra đảo được. Tôi chợt nhớ, dân xứ biển quê tôi hay nói “bấc lặng hôm, nồm lặng mai”, tức là, theo quan niệm dân gian, gió bấc sẽ lặng vào buổi tối. Tôi mạnh dạn đề nghị đồng chí Trước cứ tập hợp quân, chờ đêm 29-3-1975 ra giải phóng Cù lao Chàm. Chúng tôi chọn được 3 chiếc tàu cá của ngư dân, chiếc tàu lớn nhất là của ông Trần Chà, hai chiếc tàu nhỏ của bà con thôn 7 Cẩm Thanh. Tất cả chờ sẵn ở Cửa Đại, chờ xuất phát. Quả nhiên, đến tối 29-3, gió lặng, biển êm, chúng tôi cho chiếc tàu to chạy ra trước. Ra đến Cửa Lạch thì anh em trên tàu lớn lấy pháo sáng bắn lên trời. Hai chiếc thuyền nhỏ nhìn ánh pháo sáng đó mà đi theo.

Một góc Cù lao Chàm.

Trước khi tàu ra đảo, chiều 29, sau khi nghe lệnh của ông Võ Chí Công, tôi đã chỉ đạo bà Hai Tới, cơ sở của lực lượng an ninh, ra Cù lao Chàm bằng đường hợp pháp. Bà Hai Tới ra trước để chuẩn bị đấu tranh chính trị, làm cho lính trên đảo hoang mang, dao động, rồi mình mới đánh, chứ sòng phẳng dàn quân ra đánh nhau, mình chỉ có một nhúm người, trong khi lính trên đảo có đến hàng trăm, lại đang chiếm ưu thế địa hình, địa vật, làm sao thắng được. Cũng phải nói thêm rằng, trong suốt những năm chiến tranh, ở Cù lao Chàm, ta chỉ tấn công chính trị chứ chưa bao giờ tấn công quân sự, nên lính trên đảo thường có tâm lý chủ quan.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 30-3-1975 thì chúng tôi ra đến Hòn Mồ, sau đó, cả ba tàu đến được Hòn Dài. Chúng tôi phân công anh em trên hai chiếc thuyền nhỏ đi theo hai hướng, một hướng từ Bãi Xếp, một hướng từ Bãi Ông, bí mật hành quân lên núi, tạo thành thế gọng kìm, chặn đường lui của lính Việt Nam cộng hòa. Còn anh em trên tàu lớn đi vào Bãi Làng – bãi chính ở Cù lao Chàm.

Lúc này, mặc dù rất quyết tâm, lại được tiếp thêm tinh thần chiến thắng ở đất liền nhưng anh em cũng nhận ra tương quan lực lượng, mình quá yếu so với lính trên đảo. Nếu nổ súng tấn công, bị phản kháng thì không tài nào đỡ nổi, chỉ có hy sinh. Bởi vậy, thay vì nổ súng, tôi đề nghị kê một chiếc loa lớn lên trên mũi tàu. Lúc đó, bên binh vận cũng có hai đồng chí ở Hội An ra nhưng tôi không cho các đồng chí ấy đọc lời kêu gọi đầu hàng. Tôi đề nghị một đồng chí nói giọng Bắc, là chiến sĩ miền Bắc chi viện cho thị đội Hội An, đọc lời kêu gọi đầu hàng.

Lúc đó khoảng 5 giờ, trời chưa sáng hẳn, bỗng tiếng loa chĩa thẳng vào cửa chính đồn trú lính Việt Nam cộng hòa trên đảo Cù lao Chàm: “Hỡi các bạn ngụy quân chính quyền Sài Gòn. Các bạn nghe theo chúng tôi thì sống. Chống lại chúng tôi thì các bạn chết. Chúng tôi là quân chính quy Bắc Việt”.

Nghe giọng kêu hàng của chiến sĩ miền Bắc, lại là “quân chính quy Bắc Việt”, hàng trăm lính ở Cù lao Chàm kinh hồn bạt vía, bỏ đồn chạy tán loạn lên núi. Lên đến núi, các toán lính gặp ngay phục kích của an ninh và thị đội Hội An. Tất cả đều buông súng đầu hàng. Chúng tôi chỉ ghi tên và cho họ về chứ không bắt bớ gì cả. Họ đều là dân mình, chẳng qua bị bắt lính mà thôi. Sau này, có đồng chí bảo tôi: “Các ông đánh giặc qua loa mà cũng thắng”! Các đồng chí hay chơi chữ đấy, “qua loa” vừa có nghĩa là dùng loa phóng thanh đánh giặc, mà “qua loa” cũng có nghĩa là… qua loa đại khái! Nói thì nói vậy thôi, chứ bây giờ nghĩ lại, hôm đó mà ông Võ Chí Công không kịp thời phát hiện ra, chỉ đạo gấp gáp giải phóng Cù lao Chàm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Cùng bạn đọc:

Loạt bài 7 kỳ “An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức” đã cùng bạn đọc, trong đó có các cựu cán bộ An ninh Quảng Đà, lần trở lại những tháng ngày dữ dội và cũng trữ tình trên mảnh đất Quảng Đà - nay là Đà Nẵng và một phần của tỉnh Quảng Nam - với nhiều câu chuyện lần đầu tiên được kể. Loạt bài này tạm dừng ở kỳ thứ 7, với sự kiện giải phóng Cù lao Chàm qua lời kể của nguyên Bí thư Thị ủy Hội An. Chúng tôi sẽ tiếp tục kể những câu chuyện được viết nên từ máu xương, mồ hôi, nước mắt của đồng bào, chiến sĩ trên chiến trường Quảng Đà trong những loạt bài tiếp theo. Đặc biệt, chúng tôi sẽ kể những câu chuyện sâu nặng nghĩa tình và cũng vô vàn khổ ải của hậu phương miền Bắc. Kính mời quý độc giả đón đọc trên Báo Công an TP Đà Nẵng.

Phóng sự: NGUYỄN LÊ