An ninh Quảng Đà: Một thời và mãi mãi
Nhớ về một thời đỏ lửa
Những lần gặp mặt kỷ niệm lực lượng ANQĐ gần đây, Thượng tướng Lê Thế Tiệm - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an thường kể: Với khẩu hiệu chỉ đạo “bám sát thắt lưng Mỹ mà đánh, nhảy lên đầu ngụy mà diệt”, “một tấc không đi, một ly không rời”, từ các đợt học tập nghị quyết do Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức, CBCS lực lượng ANQĐ luôn thấm nhuần tư tưởng “những lúc khó khăn, cán bộ lãnh đạo phải gần dân để tạo niềm tin cho cán bộ cơ sở và nhân dân”. Rồi các phong trào “tự quản, tự phòng”, “bảo mật phòng gian” được triển khai với mạng lưới cơ sở làm nòng cốt trên toàn Đặc khu đã giúp người dân vững tin trong việc bám đất, giữ làng, trừng trị nhiều thành phần ác ôn, nợ máu với cách mạng.
Trước yêu cầu mới về công tác bảo vệ phong trào cách mạng (CM), tháng 3-1961, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã quyết định thành lập Ban Bảo vệ, giao đồng chí Hoàng Tuấn Nhã (tức Lê Đình Thi) - Tỉnh ủy viên dự khuyết làm Trưởng ban. Cuối tháng 4-1962, Hội nghị Cán bộ An ninh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tại làng Bảo, huyện Bến Hiên (H.Hiên, sau tách ra thành Đông Giang, Tây Giang ngày nay) công bố quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy, Ban An ninh tỉnh, thành lập các bộ phận chuyên trách gồm: Văn phòng, Bảo vệ chính trị, Bảo vệ trị an, Bảo vệ nội bộ cơ quan, căn cứ, chấp pháp. Cuối năm 1962, trước sự phát triển mạnh mẽ của CM, Thường vụ Khu ủy V quyết định tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai tỉnh: Quảng Nam và Quảng Đà, thành lập Ban cán sự Đà Nẵng, do đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư tỉnh Quảng Đà kiêm Bí thư Ban cán sự Đà Nẵng. Rồi, Ban An ninh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách làm hai đơn vị, trong đó Ban ANQĐ do đồng chí Hoàng Sự (tức Thân Thinh) làm Trưởng ban, đồng chí Ông Văn Bình (tức Ông Văn Khâm) làm Phó ban. Thượng tướng Lê Thế Tiệm cho rằng, việc chia tách, sát nhập địa giới hành chính là do yêu cầu CM, phù hợp với từng thời điểm lịch sử. Thời đó, lực lượng ANQĐ có địa bàn hoạt động, chiến đấu trải dài từ Dốc Sỏi đến đèo Hải Vân. “Thường vụ Khu ủy Khu 5 lúc đó quyết định thành lập Lực lượng ANQĐ, đặt căn cứ tại núi Hòn Tàu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não CM, triển khai nhiệm vụ an ninh tại TP Đà Nẵng và một số huyện của tỉnh Quảng Nam. Từ đó cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban ANQĐ đã tổ chức xây dựng lực lượng, phong trào quần chúng, vừa tổ chức hàng trăm trận đánh “xuất quỷ nhập thần” làm kinh hồn bạt vía kẻ thù, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Nhiều cá nhân, tập thể trong Ban ANQĐ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang như: đại đội 110, đại đội 113, liệt sỹ Hoàng Văn Lai, liệt sỹ Phan Ngọc Nhân” – Thượng tướng Lê Thế Tiệm bồi hồi nhớ lại.
Với việc xây dựng được hơn một ngàn cơ sở CM ở căn cứ địa, vùng giải phóng, đội ngũ cán bộ điệp báo của lực lượng ANQĐ đã phát triển rất nhiều cơ sở trong các cơ quan trọng yếu của địch, phục vụ có hiệu quả cho lực lượng trinh sát vũ trang triệt phá nhiều đồn bốt của cảnh sát đặc biệt ngụy, bọn mật vụ, tiêu diệt hàng ngàn tên, trong đó có nhiều tên cầm đầu mạng lưới tình báo và bọn ác ôn. Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, một nhân tố cực kỳ quan trọng khác trong chiến công của lực lượng ANQĐ cần phải luôn nhắc tới và khắc mãi tri ân là sự cống hiến, hy sinh của lực lượng Công an chi viện từ miền Bắc. Vì miền Nam ruột thịt, từ năm 1959 đến 1975, hàng ngàn cán bộ Công an Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội lên đường chi viện cho ANQĐ. Không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh, bị địch bắt, tra tấn dã man, song họ vẫn giữ khí tiết người cán bộ Công an CM, đóng góp nhiều chiến công xuất sắc vào trang sử hào hùng của lực lượng ANQĐ…
Sắt son nghĩa tình
Không ít lần chúng tôi theo chân đoàn công tác Công an TP Đà Nẵng, Công an tỉnh Quảng Nam ra Thanh Hóa, Hải Phòng thăm, tri ân Liệt sỹ, lực lượng cán bộ an ninh từng tăng cường cho chiến trường Quảng Đà trước năm 1975. Mỗi chuyến đi, những cái tên như Lưu Văn Sở, Nguyễn Khắc Tưởng, Bùi Văn Dừa, Vũ Đức, Hoàng Văn Nghỉ, Phạm Đình Sau… cùng hàng chục cán bộ an ninh ưu tú đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Đà luôn được thế hệ CBCS hôm nay nhắc nhớ, khắc ghi.
Lần nào cũng vậy, lãnh đạo Công an Quảng Nam, Đà Nẵng qua các thời kỳ như bác Nguyễn Hạnh Kiểm, bác Lê Ngọc Nam… luôn bày tỏ niềm cảm phục trước sự hy sinh cao cả của những người đồng đội cũ tại chiến trường Quảng Đà năm xưa. Thành kính thắp nén nhang trước di ảnh các Liệt sỹ, ký ức chung nhau củ sắn, rau rừng trên chiến trường mưa bom, bão đạn lại ùa về.
Còn nhớ, năm 2015, khi Công an TP Đà Nẵng tổ chức đoàn ra thăm lực lượng an ninh Thanh Hóa, Hải Phòng, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ CA (thời điểm đó là Giám đốc Công an TP Đà Nẵng) đã xúc động tri ân: Sự hy sinh của các liệt sĩ nói riêng, các bác, các chú trong lực lượng an ninh tăng cường cho Quảng Đà nói chung luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ CBCS nói chung, thế hệ CBCS CATP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam hôm nay và mai sau nói riêng học tập, noi theo, viết tiếp truyền thống vẻ vang.
Gặp chúng tôi đầu tháng 7-2022 mới đây, bác Lê Bình Quyên - Phó Ban liên lạc chiến sĩ an ninh Hải Phòng tăng cường cho chiến trường Quảng Đà xúc động thổ lộ: Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vài năm một lần, Công an các địa phương kết nghĩa vẫn luôn nhớ đến bác và những người đồng đội. Không chỉ thăm hỏi, hương khói mà còn có những buổi gặp mặt thân mật để đồng chí, đồng đội sống lại kỷ niệm buồn vui, trân quý vô cùng! Nói rồi, bác Quyên ôm chặt lấy Đại tá Trần Đình Liên- Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng dẫn đầu đoàn công tác thăm lực lượng An ninh Hải Phòng, nghẹn ngào: “Thật vui khôn siết! Cảm ơn lãnh đạo Công an Đà Nẵng, Hải Phòng lại tạo điều kiện cho những đồng đội, đồng chí gặp nhau, sớt chia vui buồn”. Với các cô chú, các bác từng vượt qua mưa bom, bão đạn dập vùi năm nào, mỗi lần được gặp lại nhau là niềm hạnh phúc vô bờ, là “đặc ân” lớn trong đời...
Phải! Tình cảm ấy luôn thắm đượm nghĩa tình sâu nặng. Ở đó, mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ai cũng mang theo trăm ngàn kỷ niệm trên chiến trường năm xưa. Và thế hệ con cháu hôm nay cũng đang noi gương cha anh, viết tiếp những chiến công…
Công Hạnh